Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh lúc giao mùa

Ngọc văn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời tiết thay đổi thất thường, nồm ẩm kéo dài là điều kiện rất thuận lợi cho nhiều loại virus gây bệnh về đường hô hấp, cúm mùa, thủy đậu, sốt phát ban, sởi, rubella, dị ứng… phát triển. Trẻ nhỏ và người cao tuổi là đối tượng dễ nhiễm bệnh hơn cả do sức đề kháng kém, dễ ốm. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng tránh, nguy cơ mắc bệnh cũng có thể giảm thiểu.

Nhận biết các bệnh lý thường gặp 

Theo TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết. Thay đổi thời tiết, trời lạnh quá hay nồm ẩm như hiện nay, trẻ rất dễ ốm vì sức đề kháng kém, đặc biệt là trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.

Do yếu tố nền nhiệt thấp, nấm mốc, vi khuẩn có thể bám vào quần áo, đồ dùng hàng ngày khiến nhiều người dễ bị dị ứng; hoặc virus gây bệnh lý về đường hô hấp có thể kéo theo bệnh cúm có thể tấn công vào phổi, gây ra cơn hen suyễn, nghiêm trọng hơn là dẫn tới nguy cơ suy hô hấp nhanh.

Bên cạnh đó, trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn vì thế sức đề kháng cũng kém và dễ ốm. Cha mẹ cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát, tránh tình trạng ủ ấm quá trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi. “Ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, cha mẹ cần thấm nước lau mồ hôi vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân” - bác sĩ Nam lưu ý.

Đối với các bệnh hô hấp trên, nhất là viêm họng, triệu chứng phổ biến thường gặp là: Đau rát cổ họng; khó nuốt; nuốt thức ăn, đồ uống hoặc thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau, vướng; khàn giọng; có thể bị sốt, có cảm giác đau tai; ăn vào dễ nôn...

Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh lúc giao mùa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nếu là trẻ chưa biết nói thường có biểu hiện: Quấy khóc; biếng ăn, gặp khó khăn trong việc ăn uống, không chịu nuốt thức ăn vì niêm mạc họng bị sưng, gây đau khi nuốt. Trẻ ho nhiều, khó thở, thở gấp, ngủ có tiếng ngáy; sốt; chảy nước bọt bất thường... Khi thấy trẻ có các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Không riêng trẻ em, vấn đề bệnh lý đường hô hấp cũng gặp cả ở người lớn. Ngoài ra, giao mùa xuân hè còn là thời điểm hoành hành của virus cảm cúm. Khi thời tiết nồm ẩm kéo dài hoặc trở lạnh với những cơn mưa rào, nhiệt độ thay đổi đột ngột trong ngày là điều kiện tốt nhất để virus cúm phát triển, lây lan nhanh chóng. Đó cũng là một trong những lý do khiến số ca mắc cúm mùa và cả Covid-19 dễ dàng gia tăng.

Những ngày này, người dân, nhất là người cao tuổi cũng cần lưu ý bởi các bệnh mạn tính như xương khớp, viêm loét dạ dày, tá tràng, huyết áp, tim mạch, phế quản, cúm mùa… thường gia tăng và tái phát. 

Đáng lưu ý khác là vấn đề về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cũng dễ gặp phải, do thời tiết ẩm thấp, thức ăn dễ ôi thiu dẫn tới sinh bệnh. Chưa kể, thời tiết khó chịu đồng thời khiến nhiều người cảm thấy bức bối, khó ngủ, ăn uống kém; tăng nhanh bệnh lý về da như nấm thân, nấm kẽ, nấm tóc, viêm da dầu, bệnh ghẻ, lang ben...; độ ẩm trong không khí quá cao, nền nhà trơn ướt rất dễ gây ra tai nạn trượt, ngã.
Một bệnh lý nhiều người cũng hay gặp đó là Viêm kết mạc - hình thái lâm sàng của viêm kết mạc dị ứng. Bệnh này có thể gặp ở mọi đối tượng, kể cả người lớn, trẻ nhỏ và thường xảy ra trên người có cơ địa dị ứng kèm theo các loại bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da dị ứng... Bệnh liên quan mật thiết với sự thay đổi thời tiết lúc giao mùa (nhất là xuân hè), nhiệt độ, ánh nắng, thay đổi nội tiết và yếu tố di truyền. 

Chủ động phòng tránh

Phòng tránh các bệnh về đường hô hấp nói chung, trong đó có cúm mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo rõ ràng với người dân, yêu cầu thực hiện tốt các nội dung như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Dự phòng hiệu quả nhất bằng cách tiêm vaccine cúm mùa. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.

Cũng theo ngành Y tế, đối với bệnh viêm kết mạc, người bệnh không thể tránh hoàn toàn được nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế việc làm bùng phát bệnh bằng các lưu ý sau: Nếu có cơ địa dị ứng cần hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên có thể gây dị ứng (bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…); vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không đưa tay bẩn dụi lên mắt; vệ sinh nhà cửa, vị trí làm việc sạch sẽ để hạn chế bụi, không cắm, trồng quá nhiều hoa trong nhà, nhất là trong thời gian đang xảy ra dị ứng thì nên cách ly với phấn hoa; nên đeo kính khi đi đường để hạn chế bụi bay vào mắt.

Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh lúc giao mùa - ảnh 2
Ảnh minh họa

Để phòng bệnh về tiêu hóa, người dân cần chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách, thực phẩm sống bọc kín trong túi nilon hoặc hộp nhựa để ngăn đá, thực phẩm chín và rau củ quả bảo quản tại ngăn mát tủ lạnh. Chế biến thức ăn đảm bảo đúng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồ ăn, thức uống cần được che đậy cẩn thận để tránh ruồi nhặng đậu vào… Dụng cụ chế biến thức ăn, thức uống cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ, tráng nước sôi trước và sau mỗi lần sử dụng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đảm bảo không gian sống trong lành, thoáng mát và sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân.

Đặc biệt người cao tuổi, nhất là đối tượng có sẵn bệnh nền mạn tính trong những ngày này nên hạn chế ra khỏi nhà khi không khí ô nhiễm tăng cao; giữ ấm cơ thể cho phù hợp nhiệt độ môi trường; trang bị khẩu trang, mũ nón, kính mắt đầy đủ khi ra đường để bảo vệ sức khỏe… 

Giảm thiểu ảnh hưởng của nồm ẩm cũng là cách giúp chúng ta phòng bệnh tốt hơn trong bối cảnh thời tiết giao mùa. Theo đó các gia đình nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà. Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học: Ngủ đúng giờ và đủ giấc. Người già và trẻ nhỏ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Nếu không may xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sổ mũi, khó thở, dị ứng nghiêm trọng… người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị. Chúng ta tuyệt đối không được tự ý trị bệnh tại nhà, tránh lạm dụng kháng sinh hoặc thuốc chứa corticoid vì có thể gây ra ảnh hưởng nặng nề hơn cho sức khỏe.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.