Con đường về nhòe cơn mưa hạ

Bùi Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Có con đường ngợp cơn mưa hạ
cho lòng ai ướt nhòe
nhành phượng vĩ lá cong như mi mắt ướt
đứng nhìn phố chiều mưa

Giá như chờ nhau lần đầu
mà ai không lỗi hẹn
thì nỗi nhớ không là que kem
cứ tan thành nước mắt

Giá như phố không lên đèn
hoàng hôn không làm nhòa dấu chân
dấu chân biết buồn

Có con đường về mình em
cơn mưa nào không dứt
cho lòng xác lá mưa rơi
buồn! 

                        Nguyễn Lãm Thắng  

Con đường về nhòe cơn mưa hạ  - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH
Mùa hạ cũng có nỗi buồn da diết chứ đâu chỉ có mùa thu. Nếu nỗi buồn của mùa thu bị chi phối bởi ký ức cộng đồng với những thu quan ải, thu quyết, thu trong Đường thi… hay nói đúng hơn là nỗi sầu của người có tuổi, người đã từng trải, thì mùa hạ là nỗi đau, sự đổ vỡ đầu đời. Là mùa kỷ niệm buồn của những tâm hồn trẻ. Bởi thế, có những chuyện tưởng như chẳng có gì mà thành sâu lắng:

Có con đường ngợp cơn mưa hạ
cho lòng ai ướt nhòe
nhành phượng vĩ lá cong như mi mắt ướt
đứng nhìn phố chiều mưa

Đó là khổ thơ mở đầu trong bài: Con đường về nhòe cơn mưa hạ của Nguyễn Lãm Thắng. Anh sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam nhưng lại gắn bó với xứ Huế ở cương vị giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Anh đã từng đoạt giải thưởng báo Mực Tím (Gửi tới yêu thương) năm 2003; giải thưởng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế 2007. 

Trở lại với bài thơ của này, ta nhận ra hình ảnh con đường bao giờ cũng là không gian của những bài thơ viết về tuổi học trò. Đó là đường tới trường, đường qua nhà người bạn mến thương. Và, đặc biệt hơn cả là con đường hướng nghiệp, lập thân mà chúng ta phải chọn. Đôi khi nó rẽ ngang, nó ngược đường, ngược gió với những tha thiết tình đầu. Vì thế, những “ướt nhòe”, “mi mắt ướt”, “đứng nhìn” đủ gợi nên tâm trạng, hình dáng, tâm thế của những cô bé, cậu bé lần đầu biết rung động, cũng là lần đầu phải buồn thương.

Nhưng bất chợt, mạch thơ lại được thay đổi điểm nhìn, trở lại với thực tại bằng những tiếc nuối:

Giá như chờ nhau lần đầu
mà ai không lỗi hẹn
thì nỗi nhớ không là que kem
cứ tan thành nước mắt 

Thật ra, cuộc đời này có nhiều thứ để chúng ta giả sử lắm, tất cả đều vô lý, phi lý bởi sự tham lam, cầu toàn của chính mình nhưng giả thiết trong tình yêu thì dễ chấp nhận hơn. Có điều, cách so sánh, ví von của Nguyễn Lãm Thắng mới thật đặc biệt, anh dùng một hình ảnh rất trẻ con mà lại vẫn đủ nói lên cái tâm trạng đã rất người lớn:

thì nỗi nhớ không là que kem
cứ tan thành nước mắt

Hóa ra, cái ngọt ngào ấy lại đớn đau, hóa ra cái băng giá, lạnh lùng, kiêu kỳ đó lại yếu mềm. Nguyễn Lãm Thắng tinh tế và khéo léo đến thế. Rồi bất chợt, nhà thơ đưa người đọc rơi vào sự hẫng, bởi ba câu thơ chới với:

Giá như phố không lên đèn
hoàng hôn không làm nhòa dấu chân
dấu chân biết buồn

Thì ra, dấu chân mới chính là nhân vật chính. Dấu chân ấy có tâm trạng, có cuộc đời riêng chứ đâu chỉ in hằn một cách vô cảm. Đã ai từng viết: “dấu chân biết buồn” chưa? Chắc chỉ có anh tinh tế, sâu sắc và cũng yêu đời đến thế nên mới nhìn thấy được. Và, cuối cùng lại vẫn là con đường nhưng là con đường của riêng một người:

Có con đường về mình em
cơn mưa nào không dứt
cho lòng xác lá mưa rơi
buồn!

Ở đây, đã xuất hiện sự lụi tàn (xác lá) chứ không chỉ có những dự cảm như: “mắt ướt”, “buồn”, “nước mắt” nữa. Khi ta đọc đến “xác lá mưa rơi” không chỉ thấy lá rụng mà có lẽ cả mưa cũng đã “rụng” đầy trong mắt một người thiếu nữ. Đó chính là câu trả lời cho nhan đề bài thơ: Con đường về nhòe cơn mưa hạ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.