Con nhà người ta! (PS)

Chia sẻ

Giống như bao bà mẹ khác, chị vẫn hay dùng cụm từ “con nhà người ta” để so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Nhưng, cũng không giống với nhiều bà mẹ khác, cách chị nhìn nhận “con nhà mình” lại không mang tính tiêu cực.

Đó là bởi chị luôn cố gắng tìm ra những điểm mạnh của riêng con mình khi so với “con nhà người ta”.

Đọc báo thấy tin về những cô, cậu học sinh chạc tuổi con chị giành được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Chị thầm nghĩ, con nhà người ta thế, nhưng, con nhà mình cũng được lắm. Con nhà chị học không giỏi, nhưng lại tình cảm và rất yêu mẹ. Nó lúc nào cũng lo chị làm vất vả sẽ bị ốm, bị mệt. Hồi “con nhà chị” 6 tuổi, chị đi chợ về thì thấy con đang ngồi trong nhà tắm giữa một biển bọt xà phòng. Thì ra, nó muốn giúp chị giặt khăn mặt và đã đổ luôn cả 1kg bột giặt vào chậu rồi đổ nước vào. Bữa đó, chị khóc dở mếu dở, kể cũng tiếc túi bột giặt nhưng chẳng dám mắng con vì biết mục đích con làm là tốt. Lớn hơn một chút, con chị đã giành phần thay chị nấu cơm, rửa bát. Chị đi làm mệt, nhưng về tới nhà là đã thấy một mâm cơm nóng hổi, bày biện gọn gàng sẵn sằng đợi chị. Nhờ đó, chị giảm được hẳn một gánh nặng lo toan. Rồi một lần, cũng vì đi trên phố, thấy có hàng xoong nồi giảm giá, con liền chen vào mua để tiết kiệm tiền cho mẹ khi cần mua bộ mới. Mải mê chọn đồ xong thì con phát hiện chiếc xe đạp điện chị mua cho con đi học đã không cánh mà bay. Chị kể cũng xót của mà cuối cùng, cũng chẳng dám mắng con.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Con nhà người ta ở tuổi 17 thì phổng phao, đầy sức sống, được sống trong điều kiện đủ đầy, vô lo vô nghĩ chỉ tập trung cho việc học. Con nhà chị thì phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm do chị và chồng sớm ly hôn. Ai đời, nó chẳng bao giờ đòi chị mua cho quần áo mới, son phấn không biết dùng, đến bữa ăn thì chỉ nhăm nhăm nhường cho mẹ ăn phần ngon, phần nhiều. Rồi tối nào, nó cũng lấy sổ ra ghi chép chi tiêu, tính toán cẩn thận các khoản mua trong ngày rồi còn vò đầu bứt tai nếu mua phải món gì đó bị đắt. Về tương lai nó muốn sau khi tốt nghiệp THPT đi học trường nghề, vì trường nghề không phải đóng học phí mà lại sớm được ra trường đi làm. Như vậy, nó sẽ có thể đỡ đần được thêm cho chị. Nghe cách nó tính toán già dặn, rồi nhìn cái dáng người nhỏ thó, gầy gò ấy mà chị càng thương. So sánh với “con nhà người ta”, chị thấy thật may là“con nhà mình” không bao giờ chê người mẹ nghèo.

Chị biết có nhiều đứa trẻ “con nhà người ta” năng động lắm, được tham gia nhiều hoạt động xã hội, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Còn con nhà chị hiền khô, lành lành, chẳng tham vọng và thế giới chỉ xoay quanh nhà và mẹ. Bù lại, con rất thân thiết và thường chia sẻ mọi chuyện dù lớn, dù nhỏ với chị. Tối nào, hai mẹ con cũng nằm cạnh nhau trò chuyện tới khuya. Nhà không có tivi, điện thoại thì cùi bắp, niềm vui của hai mẹ con chỉ thế thôi. Nhưng, mỗi lần được ôm con trong vòng tay, chị lại nghĩ, chị chẳng cần “con nhà mình” giống con nhà người ta. Nó cứ là nó thôi để chị được ở bên con thật nhiều. Nếu cho chị một căn nhà rộng, hai mẹ con ở hai phòng, cả tuần chẳng gặp gỡ và nói chuyện với nhau, ai cũng bận rộn lướt facebook, chơi games… thì chắc chị cũng chẳng thể nào mà quen được.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Với chị, cuộc sống bây giờ thật là ổn. Chị luôn cảm ơn ông Trời đã cho chị “một đứa con nhà mình” tuyệt vời. Nó là tài sản quý giá và duy nhất với chị, chị luôn trân trọng cả mặt mạnh và yếu của con và chẳng có nhu cầu phải đau khổ vì con không giống như “con nhà người ta”.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.