Cứ đúng luật mà sống

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) -Người phụ nữ đến với văn phòng tư vấn hôn nhân của chúng tôi hôm nay là một phụ nữ trẻ, giỏi kinh doanh, có tài sản khá lớn, có nhà to, xe sang. Tuy mới ngoài 30, nhưng cô đã một lần đổ vỡ trong hôn nhân.

 Hiện nay cô là giám đốc của một Văn phòng kinh doanh, chuyên mua bán nhà, đất, căn hộ chung cư, cửa hàng. Cô làm ăn phát đạt cả trong những năm có đại dịch Covid-19 và sau đại dịch cũng vẫn trên đà tăng trưởng.

Sau khi ly hôn, chưa có con, tay trắng ra đi, cô tự hứa với mình rằng cô phải trở nên giàu có. Ước mơ ngày ấy của cô đã thành hiện thực. Cô nói, tuy em không dám so sánh với những đại gia hàng đầu có tiếng ở Việt Nam, nhưng em khẳng định em là phụ nữ giàu có. Người ta nói, “khi đàn ông giàu có, cần nhiều phụ nữ, nhưng khi phụ nữ đã có tiền, cô ấy sẽ không cần đàn ông”, nhưng câu này lại không đúng với cô. Cô vẫn khát khao có một người đàn ông của riêng mình, được cô yêu thương và cũng yêu thương cô, có một gia đình nhỏ, có một hai đứa con. Cô nói, suy cho cùng tiền nhiều để làm gì, nếu như không có tình yêu, không có gia đình?

Cứ đúng luật mà sống - ảnh 1
Ảnh minh họa

Điều cô còn băn khoăn, trăn trở là mối quan hệ của cô với cậu bạn tên Hải kém cô 2 tuổi. Cô không ngại về sự ít tuổi hơn của cậu ấy, bởi cô cũng xinh đẹp và trẻ hơn tuổi thật của mình. Đi với cậu ấy, cô vẫn thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, cần có bờ vai mạnh mẽ nâng đỡ, che chở. Cô và cậu ấy yêu nhau gần hai năm và đã gần như vợ chồng rồi. Cậu ấy là giáo viên thể dục, dạy hợp đồng cho một vài trường ngoài công lập, thu nhập không ổn định, ở nhà thuê. Sau khi yêu nhau, cô đã bố trí cho cậu ấy ở một phòng trong ngôi nhà mà cô mua chỉ để làm văn phòng. Mục đích là bớt cho cậu ấy tiền phải thuê nhà và dễ dàng, thuận tiện cho việc gặp gỡ, yêu nhau. Những chuyến công tác ngắn ngày và những buổi liên hoan, tiệc tùng, cậu ấy vẫn thường đi cùng cô. Cô cũng công khai chuyện yêu đương với mọi người, để “thăm dò dư luận”, người ngoài không ai nhận xét hay góp ý gì, chỉ một câu: “ngon giai”!

Cô lại sợ cái sự yêu quá, yêu nhiệt tình của cậu ấy và gia đình cậu ấy. Cậu ấy kể với mẹ cậu ấy, chị gái, anh rể, chú bác, cô dì nhà cậu ấy về mối tình với cô. Mẹ cậu ấy gọi điện “cảm ơn con đã thương thằng Hải, mẹ không lo gì được cho nó, trăm sự nhờ con”. Các chị gái, anh rể, các cháu thi nhau gọi điện nói chuyện với “mợ Hải”, cách mọi người gọi cô, coi cô như “vợ anh Hải” rồi. Mỗi lần cô về quê anh chơi, gia đình tổ chức đón tiếp như đón “siêu sao về làng”. Cô không ngại tốn tiền phải biếu quà mọi người trong gia đình, thậm chí cả làng cậu ấy, nhưng cô thấy thương cái cách cậu ấy khúm núm, mọi người xum xoe, tranh nhau khen cô đẹp, trẻ, xinh, giàu có. Bà thím của cậu ấy nói cậu ấy mà lấy được cô thì coi như gia đình cậu ấy có “mả táng Hàm Rồng”, ý nói là may mắn!

Cứ đúng luật mà sống - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chưa là vợ chồng, nhưng cô cũng đã giúp cậu ấy tiền để xây lại nhà cho mẹ, sửa lại mộ cho bố, mua tặng hai chị gái 2 xe máy, mỗi anh rể 1 điện thoại kha khá. Các cháu thì quà cáp thường xuyên, cháu nào sinh nhật được “mợ Hải” gửi Mừng tuổi một món tiền. Bản thân Hải giờ ngại đi xe máy, thường xuyên đi ôtô, kể cả những hôm đi dạy có 2 tiết ở một trường không xa, cậu ấy vẫn “mượn em chìa khóa, anh đi dạy cho nhanh”. Cô thấy có lỗi khi đang làm “thoái hóa biến chất” một thầy giáo yêu nghề. Ngày càng sang chảnh hơn, sĩ diện hơn, ít chất “thầy” hơn. Cô không muốn cậu ấy bỏ hẳn nghề dạy, trở thành “cậu nhỏ” lon ton chạy theo cô. Cô đắn đo hai việc. Một là cậu ấy có xứng đáng làm chồng của cô hay không? Thứ hai, có nên để tài sản cô hiện có vào khoản tài sản riêng của cô, chỉ nhập một số tài sản ít ỏi vào tài sản chung như một ngôi nhà, cái xe.
Là người hiểu biết, tự tin, chủ động và rất hiểu vấn đề, nên các tư vấn viên không phải mất công “tuyên truyền, phổ biến pháp luật” cho cô gái nữa. Họ cùng cô tập trung trả lời hai câu hỏi cô đang băn khoăn. 

Để trả lời câu hỏi một, cô gái phải tự trả lời một số câu hỏi như “cô mong muốn gì ở người đàn ông sẽ làm chồng của cô?”, “điều gì hấp dẫn nhất ở anh ấy khi cô nghĩ tới anh”. Nếu cô muốn một người chồng phải thông minh, tự tin, hơn cô một cái đầu, tự chủ, độc lập về tài chính, có ý chí tiến thủ, khiến cô phải ngưỡng mộ và học hỏi… thì cậu ấy không phải là người cuối cùng cô chọn. Nếu cô chỉ cần một người “đàn ông đích thực, trẻ trung, mạnh mẽ, chiều chuộng, tôn kính cô, sống theo phương châm “chỉ cần anh yêu em, còn thế giới cứ để em lo”, thì có thể “cậu này được”. Đừng quên, người yêu, người bạn tình và người chồng… không phải lúc nào cũng là một. Đã không ít người phụ nữ khôn ngoan dù rất yêu cũng rất đắn đo khi ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn!

Cứ đúng luật mà sống - ảnh 3
Ảnh minh họa

Câu hỏi thứ hai, có lẽ cũng dễ trả lời nếu đã “xong câu một”. Dù có yêu nhau đến mấy vẫn phải có chút tỉnh táo, minh mẫn, đặt vấn đề nghi ngại. Có vài điều lưu ý với cô gái về vấn đề tiền bạc khi nó len lỏi vào tình cảm hay các mối quan hệ. Thứ nhất, không nên hào phóng quá mức cần thiết, để người ta quen với việc mình hay cho, hay biếu quà cáp, tiền bạc khá nhiều, rồi sau này không cho được như thế nữa là người ta cảm thấy mình không tốt với người ta nữa, họ sẽ thay đổi thái độ. Thứ hai, nói chuyện với người chồng tương lai về dự định sẽ đưa những tài sản nào vào tài sản chung. Ví dụ, sau này em và anh lấy nhau, ngôi nhà ở số Bình Giang, chiếc ôtô chúng ta vẫn đi sẽ là tài sản chung vợ chồng, cần thiết, em sẽ làm lại sổ đỏ, ghi cả tên anh vào là người “đồng sở hữu”. Còn lại là tài sản của công ty, của trung tâm, của cá nhân em. Nếu người chồng tương lai tức tối, giận dỗi, thất vọng, xa lánh, nhạt nhẽo vì chuyện này thì chân tướng anh “đào mỏ” đã hiện ra. Người đàn ông tự trọng, yêu thật lòng sẽ vui vẻ những điều người vợ tương lai trao đổi. Đừng quên, trong cuộc sống, lĩnh vực nào tình yêu không giải quyết được thì hãy để pháp luật lên tiếng!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.