Diễn đàn "Phụ nữ Thủ đô tham gia xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo"

Cùng đạp xe để bảo vệ môi trường

Bích Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không sử dụng những phương tiện đi lại thuận tiện như xe máy, ôtô, nhiều người dân Hà Nội hiện nay đã chọn xe đạp để “xê dịch”. Việc sử dụng phương tiện xanh như xe đạp đã và đang góp phần trực tiếp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức khỏe cho người sử dụng và hơn hết hoạt động này phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại.

Thay đổi lớn từ hành động nhỏ

Thời gian gần đây, xung quanh Hồ Tây cứ vào khoảng 5 giờ sáng, khi bình minh bắt đầu nhú lên khỏi mặt hồ lăn tăn gợn sóng, cũng là lúc những chiếc xe đạp bon bon lăn bánh. Người người, nhà nhà đủ mọi lứa tuổi hào hứng đạp xe tập thể dục xung quanh hồ. Chẳng biết từ khi nào bộ môn đạp xe trở thành “liều thuốc” hữu hiệu vừa giữ gìn sức khỏe, vừa giúp mọi người giải trí.

Chị Phạm Ngọc Anh (30 tuổi), người thường xuyên đạp xe quanh Hồ Tây chia sẻ, mỗi sáng chị đều cùng bạn hẹn gặp nhau ở phố Trích Sài, sau đó khởi hành đạp một vòng quanh Hồ Tây. Hoạt động này xong thì mới đến các việc khác như ăn sáng, đi chợ. Cuối tuần, nếu chị và bạn có nhiều thời gian hơn thì ngoài việc đạp xe quanh hồ sẽ hẹn nhau đi cà phê, đi ăn, tâm sự, trò chuyện về cuộc sống thường nhật.

Theo chị Phạm Ngọc Anh, đạp xe quanh hồ là hoạt động thể thao không mới nhưng góp sức tích cực bảo vệ sức khỏe, giúp tinh thần người tập được thư thái.

Cùng đạp xe để bảo vệ môi trường - ảnh 1
Nhiều người chọn đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Không đơn thuần hướng đến việc duy trì sức khỏe, chị Nguyễn Mỹ trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ cho biết, những ngày đầu mới bắt đầu đạp xe, bản thân chị mất cả tiếng để đạp hết một vòng Hồ Tây, nhưng hiện tại, chị chỉ mất khoảng 30 - 40 phút cho một vòng hồ. Nhận thấy sức bền đã tốt, lại thêm các tuyến đường giao thông hiện nay rất đẹp, nên chị cùng bạn bè thử đạp xe đến các tỉnh, thành khác. Chị tâm sự: Mỗi lần được đạp xe đi các nơi, nhất là đạp xe trên các cung đường của Thủ đô, chị lại thấy rất yêu Hà Nội. Với chị, khung cảnh thanh bình, nên thơ, lãng mạn, người Hà Nội lịch sự đã tạo nên nét rất riêng có của Hà Nội. 

Làm việc trong lịch vực tour xe đạp cho khách nước ngoài, anh Lê Văn Sang (27 tuổi, trú tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa) cho biết, hiện khu vực anh sống đã có những trạm cho thuê xe đạp. Với giá thành thuê rất rẻ, chỉ 5.000 đồng cho 30 phút. Nhiều người trong đó có anh chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển những quãng ngắn trong Thành phố.

Theo anh Lê Văn Sang, mô hình cho thuê xe đạp khá hay và thú vị, thúc đẩy thói quen đạp xe của người dân và du khách, vừa giúp rèn luyện sức khỏe lại giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, ngoài Hà Nội, xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Được biết, nhiều thành phố như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan), Berlin (Đức), Strasbourg (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc)… đã khuyến khích phát triển loại hình giao thông bằng xe đạp. Những quốc gia này đã bố trí các hạ tầng như xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp, thậm chí bố trí bãi đậu xe cố định cho loại hình phương tiện giao thông này. Chính nhờ cơ chế riêng biệt nói trên đã thu hút rất đông người dân sử dụng xe đạp để đi làm hoặc đi học.

Cùng đạp xe để bảo vệ môi trường - ảnh 2
Với đặc điểm hạ tầng giao thông của Hà Nội như hiện nay, việc khuyến khích dùng xe đạp để giảm phương tiện cá nhân, bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.

Giúp Thủ đô thêm xanh

Giao thông xanh có thể hiểu là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ôtô điện, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là góp phần “xanh hóa” giao thông. Hà Nội cũng đang trên hành trình hướng tới giao thông xanh. Dễ thấy, Hà Nội đã xem việc phát triển loại hình xe buýt thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới giao thông xanh.

Đặc biệt, vấn đề này đã xác định rõ tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 và Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, việc đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện được xem là giải pháp mới mang tính đột phá, góp phần từng bước tiến gần mục tiêu đến năm 2030 đạt 20% số lượng xe buýt trên địa bàn Hà Nội sử dụng nhiên liệu CNG, động cơ điện.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng phát triển các loại hình phương tiện công cộng như xe đạp. Đầu năm 2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chính thức khai trương thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp công cộng ven sông Tô Lịch. Tuyến đường dài 2,3km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, chạy dọc sông Tô Lịch, kết nối với các loại hình hành khách công cộng phổ biến như tuyến đường sắt đô thị và tuyến xe buýt; tạo điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho người dân Thủ đô di chuyển bằng xe đạp. Hiện tại, các đơn vị liên quan đang tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để những tuyến đủ điều kiện tiếp tục tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp. Từ đó tạo thói quen cho người dân Thủ đô sử dụng phương tiện công cộng bảo vệ môi trường cũng như góp phần giảm thiểu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Cùng đạp xe để bảo vệ môi trường - ảnh 3

Ở câu chuyện nghiên cứu và phát triển làn đường dành riêng cho xe đạp, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng việc có những làn đường riêng cho xe đạp sẽ đáp ứng nhu cầu di chuyển, đảm bảo an toàn cho một bộ phận người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để đề xuất đi vào thực tế vẫn cần những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đồng bộ.

Ở giai đoạn trước mắt các ngành chức năng có thể tổ chức phân làn cho xe đạp ở các đường mới làm, khu vực thưa dân cư như Gia Lâm. Thí điểm ở đây để người dân thay đổi thói quen đi lại, đồng thời thấy được lợi ích của việc sử dụng loại hình này.

Câu chuyện về xe đạp ở Hà thành có thể nói là vô tận và sẽ còn tiếp nối trong hành trình Hà Nội đi tới Thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại và người đô thị đang cùng nhau hướng tới cuộc sống xanh từng ngày. Với Thủ đô Hà Nội, thiết nghĩ để phát triển loại hình phương tiện giao thông như xe đạp, từng bước hướng tới “xanh hóa” giao thông thì cần thay đổi thói quen cũ của người tham gia giao thông, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; đồng thời tăng cường hơn nữa việc xây dựng hạ tầng giao thông dành riêng cho không gian đi lại của xe đạp.

Giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng là việc cần hướng tới, không thể không đề cập đến trong các biện pháp cải thiện chất lượng không khí với các đô thị lớn trên thế giới, phát triển giao thông công cộng hiện đại, thông minh và “xanh” được ưu tiên. Hà Nội cũng không thể không theo quy luật này. Xe đạp là một loại phương tiện mang tính truyền thống và gần gũi. Nếu người dân Thủ đô, thay vì sử dụng phương tiện như ôtô, xe máy chạy bằng nguyên liệu hóa thạch, chuyển hẳn sang dùng xe đạp thì không khí Thủ đô sẽ trong lành hơn, sức khỏe cư dân tốt hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

(PNTĐ) - Nữ cựu chiến binh Trần Thị Kim Dung, chi hội trưởng Cựu chiến binh Tổ dân phố Kim Bài - thị trấn Kim Bài là một trong những tấm gương sáng trên địa bàn huyện Thanh Oai trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống, bà là tấm gương bình dị, luôn tận tâm, trách nhiệm, vì công việc chung, vì cộng đồng. Trong gia đình, bà là người mẹ hiền, người vợ đảm đang.
Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

(PNTĐ) - Tình trạng bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Việc "lên tiếng” và giải quyết các vụ việc này cần phải được coi trọng hơn nữa, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và can thiệp nhanh chóng.
Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.