“Đã có bà ở đây”

Chia sẻ

Tôi mồ côi, được bà nội nuôi dưỡng từ nhỏ. Bà thương tôi lắm, không chỉ cho tôi miếng cơm manh áo bằng bạn bè mà còn là người che chở, bảo vệ cho tôi.

Khi tôi bắt đầu đi học mẫu giáo, hàng ngày, bà dắt tay đưa tôi tới trường. Tôi vừa đi vừa khóc, vào tới cửa lớp rồi vẫn còn sụt sùi quay lại dặn bà: “Chiều bà đón con sớm, bà nhé”. Bà tôi gật đầu: “Được rồi, chiều bà đón con sớm, sớm nhất lớp luôn”.

Và ngày nào cũng thế, bà có mặt ở trường trước cả giờ đón trẻ. Khi cánh cửa trường được bác bảo vệ mở ra, bà luôn là người đầu tiên bước vào trường. Hễ thấy bóng bà, tôi từ trong lớp chạy ào ra cửa, rồi ôm chầm lấy bà. Hai bàn tay tôi nhỏ xíu, vòng tay ôm mãi mà chẳng hết khuôn người bà. Thế rồi, bà sẽ hỏi tôi: “Hôm nay con học thế nào?”. Hôm thì tôi vui vẻ, nhưng có hôm, tôi mếu máo kể cho bà mình bị bạn cùng lớp bắt nạt. Bà cười hiền bảo tôi: “Có bà ở đây, con đừng sợ gì cả. Bạn bè bắt nạt nhau là không ngoan. Để mai đến lớp, bà gặp bạn ý dặn không được bắt nạt cháu bà nữa nhé”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vào tiểu học, bà vẫn là người đưa đón tôi đến trường mỗi ngày. Ngôi trường của tôi ở ngay trong làng, chỉ đi hết con đường đất đỏ, hai bên là cánh đồng xanh bát ngát là tới. Nhưng bà không an tâm để tôi đi một mình, hơn thế, bà bảo, bà đưa cháu đi cũng là để tăng tình cảm bà cháu. Bà nắm lấy tay tôi, vừa đi vừa kể chuyện cho tôi nghe, mà cứ đến lúc chuyện hay nhất thì đến cổng trường. Bà xoa đầu tôi dặn: “Nếu con học ngoan, chiều về bà sẽ kể nốt”. Lúc về, sau khi kể xong chuyện, bà lại quay sang hỏi tôi: “Thế hôm nay ở trường có gì vui, kể cho bà nào”. Thường thì chuyện vui tôi ít nhớ, mà tôi hay kể những ấm ức cho bà nghe. Như là việc có một đứa học sinh khối trên hay trêu trọc, còn bảo tôi là con dế, ý là chê chân tôi khẳng khiu, dài như hai cái cẳng dế. Rồi có đứa hay chơi ăn gian với tôi. Nghe xong, bà lại bảo: “Có bà ở đây, cháu không sợ gì cả. Chọc ghẹo khiểm khuyết của người khác hay là chơi gian lận không tốt đâu cháu ạ. Để lúc nào gặp bà góp ý để các bạn thay đổi. Còn cháu không được làm gì xấu với các bạn nghe chưa”. Tôi không biết bà có gặp chúng thật không, nhưng lúc đó, được nghe lời của bà mà tôi thấy rất vững dạ.

Lên cấp hai, bà mua cho tôi một chiếc xe đạp để tôi tự đạp xe đến trường. Tuy bà không đưa tôi đi học nhưng bà vẫn luôn là bạn đồng hành, bảo vệ cho tôi. Hồi mới học ở môi trường mới, tôi chưa quen bạn bè nên học tập có phần sa sút. Cô giáo mấy lần ghi vào vở, ý là phê tôi học kém, không tập trung và đề nghị gia đình phải uốn nắn, kèm tôi học hàng ngày. Cầm vở về, tôi sợ lắm, nghĩ đến việc sẽ bị bà trách phạt nhưng bà chỉ nhắc nhở tôi học chăm hơn. Đến lần thứ tư, cô giáo vẫn phê vào vở thì bà quyết định sẽ cùng tôi đến trường gặp cô giáo. Bà nói mong cô thay đổi cách nhận xét tôi, nếu cô chỉ nhìn ra điểm xấu của tôi thì chỉ khiến tôi thêm hoang mang, mất động lực học tập. Bà cũng bảo giờ bà già rồi, cũng chẳng được học cao biết rộng, nhìn sách vở của tôi mà bà chẳng thể hiểu gì. Vì vậy, bà nhận trách nhiệm sẽ thường xuyên nhắc nhở tôi chứ không thể kèm tôi học như cô giáo yêu cầu. Cô giáo nhìn bà ngỡ ngàng, rồi hôm sau, cô nhờ tôi chuyển cho bà một lá thư. Trong thư, cô xin lỗi chưa kịp cập nhật gia cảnh của tôi, cứ nghĩ tôi vẫn còn đầy đủ bố mẹ. Cô hứa với bà sẽ hỗ trợ, quan tâm đến tôi nhiều hơn.

Cứ như vậy, tôi thấy bà lúc nào cũng như thần hộ mệnh của tôi vậy. Đến cả khi tôi có người yêu (chồng tôi bây giờ), bà dặn anh không được cậy thế bắt nạt tôi nếu không, bà sẽ không tha cho anh.

Bây giờ, bà đã bước sang tuổi 87. Trộm vía bà vẫn còn minh mẫn lắm. Vợ chồng tôi đón bà xuống thành phố ở với chúng tôi để tiện bề chăm sóc. Sáng nào khi chúng tôi đi làm, bà cũng dặn dò chúng tôi phải đi lại cẩn thận, chiều thì về sớm để ăn cơm, chơi với con. Thi thoảng, vợ chồng khúc mắc, tôi lại chạy sang phòng mách bà. Bà nghe xong thì bảo: “Có bà ở đây, để bà phân xử”. Khi tôi sai thì bà phê bình tôi. Nhưng lúc tôi đúng, bà sẽ gặp chồng tôi để góp ý. Mà bà gọi chồng tôi vào nói chuyện thật, anh sợ lắm, cứ vâng dạ rồi nghe bà răm rắp. Tôi thì đắc chí vì bà tôi đã già như vậy rồi vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc của con cháu.

Tôi vòng tay ôm lấy bà. Bà nhỏ thó, gầy gò, lọt thỏm trong vòng tay tôi.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.