Đặc sắc rối Tế Tiêu
Phường rối Tế Tiêu với nghệ thuật múa rối cổ dân gian ở cả loại hình rối cạn và rối nước khẳng định sự tài tình của những nghệ sĩ nông dân vùng ngoại thành thuộc thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) - điểm cuối phía Nam thành phố Hà Nội.
Không giữ được nghề là có tội với tiền nhân
Về phường rối Tế Tiêu hôm nay trong khuôn viên nhà thủy đình và nhà sinh hoạt đã khang trang sạch sẽ, nhìn lên những bức ảnh, những bằng khen, chúng tôi nhớ đến người nghệ nhân năm xưa vừa diễn vừa thoại với chất giọng sang sảng đầy năng lượng. Đó là, nghệ nhân Phạm Văn Bể, người có công phục dựng nghệ thuật rối cổ và thành lập phường rối Tế Tiêu đã về với tổ tiên từ 4 năm nay, để lại những bí quyết và đam mê con rối cho thế hệ con cháu. Nghệ nhân Phạm Công Bằng (con trai cụ Bể) cùng các con và những người gắn bó cùng cụ Bể qua bao gian khó từ hơn 10 đến 30 năm, giờ đây vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghệ thuật rối cạn và rối nước.
Anh Phạm Công Bằng
Nghệ nhân Phạm Công Bằng, Trưởng phường rối Tế Tiêu cho biết, nghề múa rối ở Tế Tiêu có lịch sử hình thành hơn 400 năm trước. Vào năm Hưng Phúc 1573 có một vị quan tên là Trần Triều Đông Hải đã về lập làng Tế Tiêu, dạy dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, rèn luyện sức khỏe, chống giặc ngoại xâm, giữ yên xóm làng và sáng tạo ra nghề rối. Từ đó, cứ vào dịp lễ hội, việc làng, rối trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Năm 1930, do sưu cao thuế nặng, nạn đói xảy ra liên miên, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, một số cụ phải bỏ làng, bỏ con rối đi mưu sinh nơi khác; chỉ còn cụ Lê Năng Nhượng mang theo một số con trò rối cạn xuống Hải Phòng biểu diễn ở các làng và trường học. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, phường rối tạm thời ngừng hoạt động. Năm 1956-1962, vừa hoạt động trở lại thì phường rối tiếp tục “gặp” cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều nghệ sĩ rối nông dân tạm rời xa những tích trò, lên đường chiến đấu.
Anh Bằng kể: “Bố tôi sau khi đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, trở về quê hương và gặp lại cụ Lê Năng Nhượng, trưởng phường rối năm xưa, học thêm về cách tạo hình và tích trò biểu diễn con rối. Sau một thời gian, thấy ông có năng khiếu và nhiệt huyết, cụ Nhượng đã truyền nghề. Từ đó, bố tôi cùng cụ Nhượng tạo hình các con rối để diễn theo tích cổ nhằm phản ánh đời sống lao động sản xuất, chiến đấu của quân và dân Mỹ Đức. Trải qua những năm tháng chiến tranh, qua bao thăng trầm, đến năm 1990, bố tôi cùng một số nghệ nhân trong làng quyết vực dậy phường rối Tế Tiêu”...
Vừa đẽo gọt những con rối, anh Phạm Công Bằng vừa tâm sự: Chúng tôi làm các con rối bằng gỗ xoan đã được ngâm kỹ dưới nước nên tránh được mối mọt và dễ đục đẽo, gọt tỉa trong tạo hình và biểu diễn. Để các con rối có sự uyển chuyển, nhịp nhàng, ngay từ khâu làm rối đã có sự khác biệt, đó là que điều khiển khớp chi cử động con rối ở sát nách; từng đường nét tạo hình gương mặt rối lột tả tính cảnh điển hình cho mỗi nhân vật... Đặc biệt, người nghệ sĩ phải điều khiển rất khéo léo, phối hợp nhịp nhàng với bạn diễn trong từng tích trò sao cho động tác và lời thoại, giọng điệu ăn khớp, có hồn.
Cố Nghệ nhân Phạm Văn Bể
Anh Nguyễn Văn Lung, người có 28 năm gắn bó với phường rối Tế Tiêu, (cũng là cán bộ văn hóa thị trấn Đại Nghĩa) chia sẻ: “Năm xưa, từ mê tiếng chèo tuồng qua các tích trò rối của cụ Bể đến những nể phục cụ đã sống hết mình vì nghề quý mà tôi theo học nghề và được cụ truyền nghề, theo chân cụ đi khắp nơi biểu diễn. Không biết bao nhiêu ngày chúng tôi đi diễn, tiền công không có nhưng vẫn vui vì đem lại tiếng cười cho nhiều người. Gọi là nghề chứ có thu nhập đâu. Cả phường rối Tế Tiêu chúng tôi đều coi đây là nơi để sống trọn đam mê, còn nghề chính vẫn là làm ruộng, buôn bán và nghề xây dựng…”.
Trong số 15 thành viên của phường rối Tế Tiêu hiện nay, người cao tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Liên, 71 tuổi (ở xã Phù Lưu Tế), cũng vì đam mê hát chèo mà theo phường từ 30 năm nay. Bà Liên cho hay: “Tôi theo phường rối vì mong muốn giữ nghề quý của quê hương và mỗi lần đi diễn là vui lắm, thấy mình sống khỏe ra”. Bà Phạm Thị Chiên (con gái cụ Bể) cho hay, từ nhỏ đã lẽo đẽo theo bố biểu diễn khắp nơi. Số lần có thù lao không nhiều nhưng rất vui vì mang tiếng cười cho mọi người. Ông Nguyễn Đức Quyên, 63 tuổi, ở xã Hùng Tiến theo phường rối 17 năm nay trong đội trống, nhạc. Với nghề chính là hái dâu chăn tằm, còn nghề múa rối là đam mê. “Không giữ được bản sắc văn hóa, không truyền lại nghề này là có tội với các cụ, có tội với tiền nhân” - ông Nguyễn Đức Quyên trầm tư nói.
Những nghệ sĩ nông dân là vậy, hồn hậu, chất phác và thủy chung đến tận cùng. Bà Chiên nhớ lại: “Trước khi bố tôi mất, ông còn gọi mở cho ông nghe điệu chèo thân thuộc trong các trò rối ông sáng tạo. Ông ra đi rất thanh thản vì cả cuộc đời nỗ lực với đam mê, cống hiến cho nghệ thuật rối cạn, rối nước Tế Tiêu này”.
Nỗ lực gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống
Anh Phạm Công Bằng cho hay, về truyền tải những thông điệp qua từng trò rối là rất quan trọng. Mỗi tiết mục chỉ 5-7 phút nên làm sao để câu chuyện có ý nghĩa đến được với người xem là thách thức đối với những nghệ sĩ nông dân. “Những bài học đạo đức, những giá trị tốt đẹp của cuộc sống được truyền tải sinh động qua các tiết mục múa rối cạn và rối nước, từng cử động ngộ nghĩnh đáng yêu của con rối thu hút người xem. Cứ 5-7 phút khi một tiết mục kết thúc là niềm vui, sự tò mò của trẻ thơ; với người cao tuổi thì vui bởi ký ức tràn về” - anh Bằng chia sẻ. Hiện tại, phường có hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối rất sinh động...
Anh Phạm Công Bằng đang hướng dẫn cho học sinh
Là những người nông dân yêu nghệ thuật rối cổ các nghệ sỹ phường rối Tế Tiêu tự nguyện gác việc nhà đi khắp nơi thổi hồn cho nhân vật sống động trên đôi tay khéo léo, mang những câu chuyện ý nghĩa đến với công chúng dẫu cho điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền đi diễn không nhiều.
Giờ đây, nhiều thành viên trong phường đã lớn tuổi nên họ tích cực đào tạo lớp trẻ với tâm nguyện nghề được tiếp nối, duy trì, phát triển… “Những năm gần đây phường rối liên tục dạy cho các cháu học sinh cấp 2, cấp 3 ở các trường trên địa bàn huyện Mỹ Đức nên hy vọng nghề sẽ được gìn giữ đến mai sau...” - anh Phạm Công Bằng vui mừng cho biết. Hiện tại thế hệ “măng non” của phường rối đang rất phát triển và tràn đầy hy vọng giữ được “lửa” nghề.
Thêm niềm vui nữa đối với phường rối Tế Tiêu là chính quyền địa phương ngày càng quan tâm với những việc làm thiết thực. Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa cho biết, nhờ có sự cố gắng nỗ lực của gia đình nghệ nhân Phạm Văn Bể và tâm huyết yêu nghề, yêu văn hóa truyền thống của tất cả anh chị em phường rối Tế Tiêu mà văn hóa rối cổ truyền thống của địa phương còn được lưu truyền và phát triển. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, động viên nghệ nhân và anh chị em phường rối giữ nghề.
Ông Ninh cũng cho hay, do điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn nên việc xây dựng nhà thủy đình từ năm 2002 đến năm 2018 mới hoàn thành. Hiện tại, thị trấn đã quy hoạch trong khuôn viên 1.500m2 cùng tuyến đường đi Chùa Hương để thuận tiện cho việc quảng bá, giới thiệu tới du khách về nghệ thuật rối độc đáo này. Thời gian tới, thị trấn sẽ quy hoạch xây dựng toàn bộ khuôn viên 3,7ha trong quần thể nhà thủy đình cùng các hạng mục khu vui chơi, khu bảo tồn nghệ thuật rối… phục vụ sinh hoạt phường rối và phát triển văn hóa quần chúng.
“Chúng tôi rất mong phường rối Tế Tiêu duy trì và phát triển, qua đó, giữ gìn nét văn hóa địa phương. Song, để đạt được điều đó, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng về nghệ thuật, công nhận là di sản phi vật thể để múa rối Tế Tiêu được nhiều người trong nước và thế giới biết đó là một loại hình văn hóa dân gian độc đáo của huyện Mỹ Đức nói riêng và của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung” - ông Ninh bày tỏ nguyện vọng.
VÂN NGA