Đám cưới Online vẫn vui

Chia sẻ

Đại dịch Covid-19 bùng phát, các gia đình phải tổ chức đám cưới cho con bằng hình thức tiết giảm, gọn nhẹ, qua online, hoặc chỉ báo cáo tổ tiên… song cũng không kém phần vui vẻ, hạnh phúc và an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

“Hết dịch anh sẽ tặng em chiếc váy cô dâu”

Gác lại hạnh phúc riêng, anh Nguyễn Đình Hoàng (SN 1987, quê Phú Thọ) là một trong 55 nhân viên y tế tỉnh Phú Thọ tình nguyện ghi danh vào TP Hồ Chí Minh để chi viện chống dịch. Ít ai biết, trước khi xung phong nhận nhiệm vụ, anh Hoàng vừa đăng ký kết hôn được… 10 ngày. Do dịch bệnh bùng phát, vợ chồng anh chuyển về ở chung nhưng chưa tổ chức đám cưới.

Anh Hoàng là kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm, bệnh viện Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Ngày 14/7, đoàn Phú Thọ vào đến TP. Hồ Chí Minh rồi chia ra từng mũi nhọn hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn. Anh Hoàng cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 (thuộc bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức) – nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.

Đám cưới online của cô dâu Yến NhiĐám cưới online của cô dâu Yến Nhi

Là kỹ thuật viên xét nghiệm, hàng ngày anh trực chiến trong phòng lab trực tiếp tách chiết chạy xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Dù không vào các phòng điều trị nhưng anh hiểu cuộc chiến này thật sự rất cam go. Y bác sỹ, kỹ thuật viên xét nghiệm còn không có thời gian nghỉ ngơi. Cả ngày trực máy, hễ có phút nghỉ tay nào, anh đều gọi về cho gia đình. Đôi lúc, hai vợ chồng chỉ kịp nói vài lời thăm hỏi, động viên nhau. Anh luôn trấn an vợ rằng mình vẫn ổn, còn chị nén nỗi lo lắng, bất an, nhắc nhở chồng giữ gìn sức khoẻ thật tốt, bởi anh còn nợ chị một lời hứa: “Hết dịch, anh sẽ tặng em chiếc váy cô dâu”…

Vì dịch bệnh bùng phát, không ít cặp đôi cũng phải hoãn tổ chức đám cưới, mặc dù khâu chuẩn bị đã xong xuôi. Minh Nga, 25 tuổi, TP Hồ Chí Minh vui vẻ chia sẻ tại một diễn đàn đám cưới trên Facebook rằng, vợ chồng cô đã hai lần hoãn cưới. “Năm ngoái, công tác chuẩn bị đám cưới đã xong, chỉ chờ ngày cưới thì lại phải hoãn do dịch bùng phát. Thế là chúng tôi chỉ đăng ký kết hôn rồi về chung sống với nhau và có 1 con trai. Năm nay, bố mẹ hai bên đi xem ngày lành tháng tốt xong, dịch lại bùng lên, không thể cưới được. Có lẽ, vợ chồng tôi phải sinh hai đứa rồi mới chụp ảnh và cưới luôn một thể” – chị Nga cười.

Một “cô dâu” khác cũng đứng ngồi không yên vì lỡ “mang bầu” trước 3 tháng, nhưng dịch bệnh căng thẳng, thành phố giãn cách xã hội, nên không thể tổ chức đám cưới. “Tôi không dám kể cho bố mẹ chuyện có bầu, nên khi nhà trai giục cưới, bố mẹ tôi phân vân lắm. Họ muốn sau dịch rồi sẽ tổ chức đám cưới đàng hoàng, với đủ nghi thức, thủ tục cưới hỏi” – cô lưỡng lự. Chị Vũ Hương Giang, một “cô dâu” 23 tuổi, quê Hà Nội cũng phải hoãn cưới nhiều lần vì dịch Covid-19. Hai năm trước, chị Giang sang Hàn Quốc theo diện du học sinh và bén duyên với Thanh Tuấn (27 tuổi) – chàng trai người Nghệ An. Do dịch bệnh, cả hai không thể về nước nên cha mẹ hai bên đã tổ chức đám hỏi, làm lễ gia tiên trước. Mọi nghi thức vẫn đầy đủ, chỉ thiếu sự hiện diện của hai nhân vật chính. Năm nay, cả hai về nước đăng ký kết hôn và định tổ chức đám cưới thì lại tiếp tục hoãn vì dịch bệnh. “Với tôi, đám cưới quan trọng là lễ ăn hỏi. Hai gia đình công nhận con cháu trong nhà và đi đăng ký hợp pháp hoá về mặt pháp luật, còn chuyện đám cưới linh đình không quan trọng quá, nhất là thời dịch này, miễn sao về sống với nhau vui vẻ, hạnh phúc là được” – chị Giang nói.

Mọi thủ tục, nghi thức cưới hỏi được tổ chức gọn nhẹ, trong khuôn viên gia đìnhMọi thủ tục, nghi thức cưới hỏi được tổ chức gọn nhẹ, trong khuôn viên gia đình

Đám cưới… “nhiều không”

Không rạp, không xe hoa, không MC, không bạn bè, chỉ có bố mẹ hai bên gia đình, chú rể hoặc thậm chí không có chú rể, cô dâu nhưng việc rước dâu, xin dâu, cưới hỏi vẫn diễn ra bình thường trong mùa dịch Covid-19.

Cận ngày cưới thì dịch bệnh bùng phát, khu lưu trú cũng bị phong toả nên anh Tài (29 tuổi) và chị Uyên (27 tuổi), trú tại TP Hồ Chí Minh) quyết định tổ chức đám cưới online với ba đầu cầu là Đồng Tháp – TP Hồ Chí Minh – Huế. Trước đó, hai gia đình đã chọn ngày 18/7 để tổ chức đám cưới ở nhà gái tại Huế. Mâm cỗ đã được đặt sẵn, hai gia đình đang dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn sân bãi để chuẩn bị dựng rạp cưới nhưng phút chót đã buộc phải huỷ.

Chị Uyên và anh Tài đều từ nơi khác về TP Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Khu trọ của hai vợ chồng đang bị phong toả để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Quê nhà của cả hai cũng yêu cầu tạm hoãn các hoạt động tập trung đông người. Tuy nhiên, ngày tốt đã định, nhà trai muốn tổ chức hôn lễ… online. Đám cưới diễn ra, tại ba điểm cầu đều kết nối bằng internet. Hình ảnh bố mẹ cô dâu, chú rể đang trực tiếp đặt sính lễ, mâm quả lên trước bàn thờ gia tiên khiến vợ chồng anh Tài xúc động. Bố mẹ hai bên gia đình nhắn nhủ, chúc hai con sống hoà thuận, hạnh phúc vì nay đã là vợ chồng. Ai cũng mừng mừng, tủi tủi, bởi lễ cưới là một dấu mốc quan trọng của đời người, nhất là con gái, nhưng do dịch bệnh, đám cưới chỉ được tổ chức tiết gọn, đơn giản, chỉ có mỗi cô dâu – chú rể.

Cô dâu Yến Nhi (TP Hồ Chí Minh) cũng ngậm ngùi chia sẻ, chị cùng chồng sắp cưới sinh sống và làm việc TP Hồ Chí Minh, nhà chồng ở Sóc Trăng, còn nhà vợ ở Bà Rịa Vũng Tàu. Bàn qua tính lại, cuối cùng hai nhà quyết định vẫn cúng tổ tiên đúng ngày lành tháng tốt đã định. Ban đầu, hai gia đình chỉ định chuẩn bị trái cây và mâm lễ báo cáo tổ tiên, nhưng vợ chồng chị muốn chỉnh tề hơn nên đã nói bố mẹ sắp xếp chuẩn bị dưới quê như lễ chính thức và gọi video call ba bên. Trên TP Hồ Chí Minh, vợ chồng chị Nhi chuẩn bị backdrop, mua hoa giấy tự dán, mua thêm một cây tripod (giá đỡ Livestream) nữa. “Đám cưới đầy đủ các thủ tục từ lễ gia tiên, lễ xin dâu, chúc phúc… chỉ khác là làm online thôi. Giờ ngồi nhìn lại hình ảnh vợ chồng hôm đám cưới, mình cứ cười suốt, kỷ niệm vô cùng đáng nhớ. Bố mẹ hai bên hứa hết giãn cách, nhà hàng được hoạt động trở lại thì sẽ làm lễ lại cho trịnh trọng, thông báo với bà con họ hàng chủ động hơn vì không phải chờ ngày tốt nữa” – Yến Nhi nói.

Nhà trai đặt tiền, nhà gái tự chuẩn bị làm lễ ăn hỏi và báo cáo tổ tiênNhà trai đặt tiền, nhà gái tự chuẩn bị làm lễ ăn hỏi và báo cáo tổ tiên

Cô dâu Thanh Vân (33 tuổi, quê Hưng Yên) và chú rể Văn Tâm (35 tuổi, tỉnh Quảng Ninh) quen và yêu nhau được hơn 1 năm qua mạng xã hội thì quyết định tổ chức đám cưới. Thanh Vân đang công tác tại Séc, còn Văn Tâm đang làm việc tại Hà Nội. Ban đầu, hai gia đình chọn ngày đẹp, rồi đợi Thanh Vân đặt máy bay về nước sau khi đã tiêm xong hai mũi vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ tổ chức đám cưới gọn nhẹ ở hai quê. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát khiến cho mọi sự chuẩn bị đành phải huỷ và tổ chức đám cưới online mà… không có cô dâu.

Theo kế hoạch, Vân về nước trước ngày cưới 2 tuần, dự định sau khi cách ly, Tâm sẽ đón thẳng ra Quảng Ninh để tổ chức đám cưới ngoài ấy. Tuy nhiên, sau 14 ngày cách ly tập trung tại Thái Bình, về đến Quảng Ninh, cô lại phải cách ly thêm 7 ngày theo yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương. “Tôi cũng mong có một đám cưới lãng mạn, đầy đủ bạn bè, người thân hai bên gia đình. Nhưng hoàn cảnh không cho phép như mong đợi nên phải làm sao cho gọn gàng mà vẫn vui vẻ, ý nghĩa” – Vân nói, dù không tránh khỏi sự chạnh lòng.

Một đám cưới đặc biệt diễn ra vào ngày 27/7. Tại khu cách ly tập trung, Vân ăn diện xinh đẹp, tự trang điểm rồi ngồi trước màn hình online để cập nhật thông tin ở hai bên gia đình. Nhà gái tự sắm lễ, làm lễ từ ăn hỏi đến xin dâu, làm lễ gia tiên. Ngoài Quảng Ninh, nhà trai cũng tự làm mâm cỗ thắp hương. Cẩn thận hơn, Tâm tự tay trang trí căn phòng “tân hôn” với nến, hoa và bong bóng đợi nàng… hết cách ly sẽ về tái hợp. “7 ngày sau đám cưới, chúng tôi mới có đêm tân hôn. Đó cũng là lúc hai đứa được gặp mặt nhau lần đầu từ lúc bắt đầu yêu” – chị Vân đỏ mặt nói.

Đám cưới là ngày vui của cô dâu, chú rể và họ hàng hai bên. Trước bố mẹ và toàn thể họ hàng, các cặp đôi sẽ cùng trao nhẫn, trao yêu thương và lời hứa tốt đẹp đến bạn đời của mình. Việc hoãn đám cưới hay tổ chức online, tổ chức với quy mô nhỏ đều là việc không ai muốn. Thế nhưng rất nhiều gia đình đã vui vẻ thực hiện với một lý do chung là giữ an toàn cho cộng đồng. Các cặp uyên ương hy sinh niềm vui trước mắt cho hạnh phúc tương lai. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc làm này rất đáng trân quý và cần nhân rộng để góp phần cùng toàn xã hội chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.