Đàn bà tuổi Dần

Chia sẻ

Hôm rồi qua mẹ, thấy nhà đang sơn lại, đồ đạc la liệt, chồng chất. Mẹ lọt thỏm trong núi đồ, ngó mãi mới thấy. Hỏi bố đâu mà mẹ phải dọn một mình thế. Như được thể, cơn lũ ấm ức, bực bội trong lòng mẹ được dịp xả ra. Chỉ vì việc sơn lại nhà mà bố mẹ mâu thuẫn. Mẹ muốn nhân tiện sơn lại, sửa sang thêm một số thứ nhưng bố sợ tốn kém, luôn miệng kêu ca, phản đối. Lời qua, tiếng lại, bố dỗi không động chân động tay vào việc gì nữa. Mẹ bận lo tiền lại lo xoay chuyển đồ nọ, thứ kia; chưa kể, nhà vốn bán hàng nên đồ nhiều vô kể, dẹp mãi chưa hết… Thấy rõ sự mỏi mệt và chán nản trong mắt mẹ. Tự nhiên thương vô cùng! Như vẫn thương mẹ những lần “quay” với việc lớn, việc nhỏ trong nhà bấy lâu. Có phải vì mẹ tuổi Dần nên cứ gắn với lo toan và vất vả?

Mẹ lấy chồng sớm, học hành không được đến nơi đến chốn dù ông ngoại là giáo viên. Vì một lẽ, nhà nhiều việc, phải ưu tiên việc học cho chị lớn và các anh em trai. Đến giờ mẹ vẫn tiếc vì điều đó. Bởi mẹ vốn ham học, cũng sáng dạ nhưng lệnh người lớn không thể cãi. Giống như việc mẹ lấy chồng năm 18 tuổi với một người chỉ gặp vài lần. Chắc là do duyên số!

Lấy chồng sớm, sinh con sớm, sinh dày, lại ở riêng, nhà ngoại thì xa… Không nói cũng hình dung những cơ hàn của mẹ. Có những chuyện đến giờ vẫn ở lì trong tâm trí tôi về chuỗi ngày nuôi con của mẹ.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Là lần mẹ sinh em thứ 3 - kế tôi. Được mấy tháng thì em bị bệnh. Ban đầu chỉ là sốt, cho ra bệnh viện huyện mấy ngày mới phát hiện viêm màng não. Đưa ra viện Nhi thì đã trong tình trạng nguy kịch, sự sống mong manh, lay lắt. Mẹ đôn đáo, hoang mang ngoài viện với con bé, lại sốt ruột, nóng lòng với hai đứa trứng gà, trứng vịt ở nhà. Cuối cùng, em bé không qua khỏi, mẹ đưa em về trong vô hồn, đau đớn, lại gặp cảnh hai đứa ở nhà mẹ khóc sưng mắt đến không mở ra được.

Rồi hai em nữa chào đời, già - chị gái trên mẹ bao lần can ngăn: Vất vả, xa xôi thế, sinh làm gì nhiều nhưng mẹ vẫn quyết tâm. Càng xa xôi càng phải sinh đông để có anh có em, lúc nọ, lúc kia còn có chỗ nương tựa nhau. Mỗi lần sinh, bà ngoại xuống đỡ đần được thời gian còn lại mẹ gánh hết. Bố thì bận bịu chợ búa sớm tối. Có lần, ba đứa con lên sởi cùng lúc, mẹ quay như chong chóng. Tôi vẫn bảo, lúc đó chắc mẹ giống siêu nhân. Mẹ rơm rớm nước mắt kể: Khổ, đứa nóng sốt, đứa đi ngoài, đứa ngứa ngáy, li bì. Lại phải kiêng khem gió máy, kiêng đồ ăn thức uống, có lúc mẹ tưởng kiệt sức.

Con cái lớn hơn, sõi hơn, mẹ xoay ra bắt chước bố đi chợ. Ban đầu chỉ là ít hoa quả bố mua khi bán hàng bên kia sông; mớ cua, xâu ếch bố tranh thủ móc lúc đi đồng. Rồi mẹ chuyển sang lấy hàng, cân hàng nhôm, trở thành hậu cần của bố. Nhà tôi khi ấy là bạn hàng quen thuộc của mấy đại lý ngoài Văn Môn. Ban đầu chỉ có vợ chồng cô Thuyền, chú Thao. Sau mẹ để ý phát hiện, xoong nồi mới nhà cô chú thì giá mềm, chất lượng nhưng mua lại đồ cũ giá không cao. Thế là hàng cũ lại dành cho chú Thanh, một số thứ lại gọi bác Tuấn. Bố thì dễ, ai cũng được cân kẹo, giá cả bảo bao nhiêu thì biết thế. Nhưng mẹ không chịu, mẹ bảo buôn bán không chặt quá, không khó quá nhưng phải “tinh”; biết điều với người biết điều còn người ghê thì phải ghê.

Tôi nhớ nhiều buổi sáng, khi vừa mở mắt đã thấy âm thanh tiếng xoong nồi, mâm, chảo lạch cạch; tiếng trao đổi, mặc cả, cân kẹo rổn rảng ngoài sân. Ngày đó, người ta còn ít chợ búa, cả xóm có mỗi nhà tôi. Tôi chẳng biết bố mẹ bán được nhiều không nhưng thấy trong nhà lúc nào cũng ngổn ngang hàng họ mới cũ. Dọn dẹp xong lại bừa bộn, quét xong lại bẩn thỉu.

Năm tôi 7 tuổi, bố mẹ xây thêm gian nhà trần giáp nhà ngói ba gian. Sân vườn vẫn rộng nhưng muốn nhà vuông vức nên chỉ tận dụng khoảnh đất cùng chiều ngay cổng. Bề ngang hẹp nên cầu thang được thiết kế bên ngoài. Thợ về xây ròng rã mấy tháng trời. Bố vẫn cần mẫn đi chợ. Mẹ ở nhà vừa trông nom thợ thuyền, đồng áng lại chăm con cái. Mỗi ngày, ngoài chuẩn bị nước nôi lại nấu bữa trưa cho họ. Sáng sớm, mẹ chạy ù lên chợ Xà mua ít thịt, ít đậu, tạt qua Cửa Đình nhổ mấy củ su hào nhà trồng rồi vội vàng về sấp ngửa với công việc. Ròng rã rồi cũng xong. Sau này gian nhà trần đó là nơi đặt mấy cái giường để cả nhà ngủ vì cao ráo, thoáng đãng. Mấy cái cửa sổ hướng ra bên ngoài đón gió lồng lộng mùa hè, mùa đông lại kín đáo, ấm áp. Chỉ có điều, hàng ngày đều phải để ý trẻ con và bọn choai choai trèo cầu thang, lên sân trần chơi rình bắn chim. Mẹ bảo sơ sẩy ngã hay trượt chân thì tội nợ.

Làm nhà xong, mẹ lại quay lại công việc. Không có người trông em thứ 3 mới hơn một tuổi, hàng ngày mẹ mang sang gửi bà Tráng què làng bên. Tôi nhớ những lần theo mẹ đón em về, thương em vô cùng; không phải vì thấy em nước mắt nước mũi tèm lem hay nghe bà Tráng kể cả ngày em chả ăn gì, bát bột mang sang từ sáng vẫn còn gần nửa, có ai bón cho miếng cơm, mẩu khoai, mẩu sắn nào thì được miếng đó. Mà là tôi cứ thắc thỏm, không biết em có sợ cái chân gỗ vừa to, vừa dài của bà không. Mỗi lần sang, tôi vẫn len lén đứng rìa cửa, tránh lại gần. Và cứ dõi theo bước chân bà khập khễnh ra sân giếng. Lòng thắc mắc, sao với một chiếc chân giả như thế mà bà vẫn đi lại nhanh nhẹn, khỏe khoắn, làm đủ việc nhà, còn bế em tôi cả buổi? Có lần tôi dè dặt đề nghị, mẹ đừng gửi em nữa. Mẹ thở dài, không gửi em thì sao đi làm được; ruộng nương, đồng áng đến mùa, nhà lại không có trâu bò, còn phải đổi công cho kịp. Ngày đó không thuê mướn dễ như bây giờ.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Không có người trông con thật bí bách, vất vả trăm bề. Thế mà khi em gái được 2 tuổi, em trai thứ tư lại ra đời. Tôi không biết mình có cảm giác gì khi vào nửa đêm hôm đó, hai bác gái và các thím sau khi đón cô đỡ đẻ về nhà tôi luôn miệng nói với tôi rằng, cứ thức, lát sẽ được ăn bánh gai. Tôi đợi mãi đến khi không thức nổi nữa thì đi ngủ, sáng ra đã thấy thằng cu mặt dài bé bỏng nằm cạnh mẹ. Bánh gai đâu không thấy, chỉ thấy mẹ nằm mắt nhắm hờ, điệu bộ mệt mỏi.

5 lần sinh với 4 đứa 2 nếp, 2 tẻ chắc mẹ thấy đã đủ đông và đủ vất vả. Từ đó kết thúc sự nghiệp sinh nở để tập trung cho sự nghiệp nuôi nấng.

Tôi trở thành trợ thủ đắc lực vì ngoài giờ học đã có thể làm việc nhà và bế em. Chú tôi trêu, tôi bế em đến “vẹo cả sườn”. Đơn giản vì mẹ còn tất bật với chợ lớn, chợ nhỏ, ruộng đồng.

Mẹ không đi chợ làng, chợ huyện mà đi chợ mấy xã bên. Vì từ nhà tôi đi đường đê sang mấy nơi đó không xa lắm. Mấy chợ đó lại ít người bán hàng như mẹ là đồ nhôm, đồ nhựa. Chợ mở theo phiên. Mẹ cứ quay vòng là hết tháng. Hai sọt hàng hai bên xe đạp. Sáng sớm đi, đầu giờ chiều mới về đến nhà. Nói thật, mẹ không có thời gian để ý việc học hành của mấy chị em tôi. Chúng tôi phải tự lập nhiều thứ. Nhớ có lần, mẹ còn dong cả xe hàng vào trường để họp phụ huynh cho tôi vì chợ tan muộn, sợ về qua nhà thì không kịp. Trường tôi là trường chuyên, nhiều gia đình có điều kiện. Thế mà giữa khu để xe, xe hàng của mẹ nổi nhất. Suýt bác bảo vệ còn không cho vào.

Mẹ bị căn bệnh đau lưng hành hạ từ sớm. Không biết là do hệ quả của việc sinh nhiều, ít kiêng cữ hay do làm việc quá sức? Sau này mẹ bớt làm ruộng mà chuyển sang chợ búa vì không thể gánh gồng hay vì nhận thấy, đi chợ kiếm được nhiều hơn làm ruộng? Chẳng biết nữa. Nhưng mẹ khá nhanh nhạy, ngày ấy mà đã rất thích đất đai, cứ có cơ hội là mua. Nghe có khu giãn dân, đất hợp tác xã hợp thức hóa hay ai đó bán bớt là mẹ hỏi bằng được. Kể cả phải vay mượn thêm. Bố không ít lần can ngăn, bảo dở hơi, rước nợ vào người. Nhưng càng sau này mới càng thấy mẹ đúng khi đất cứ tăng giá ầm ầm. Đến lúc người ta đổ xô vào mua mua bán bán, hỏi han, dò dẫm, mẹ đã có không ít miếng đất đẹp trong tay. Nhưng số mẹ không giàu được. Khi cứ lo việc nọ, việc kia rồi phải bán bớt đất. Có điều, là đều phải bán lúc không được giá. Có đận, vừa trao tay xong, miếng đất tăng mấy trăm triệu, mẹ ngẩn ngơ, mất ăn mất ngủ bao ngày.

Mẹ gắn liền với căn bệnh mất ngủ. Dù dùng đủ loại thuốc Đông Tây y, mẹo dân gian, liệu pháp hiện đại cũng chẳng ăn thua. Ngủ ngon làm sao được khi lúc nào trong đầu mẹ cũng canh cánh đủ nỗi lo. Từ lo việc lớn như làm nhà cửa, lễ nghĩa, cỗ bàn trong cưới xin, công việc của con cái đến việc nhỏ như bữa ăn, cọng rau, cái bát hằng ngày. Bố thì đơn giản và “ thế nào cũng được”. Ngoài chí thú làm ăn, bố không quan trọng, cầu kì điều gì. Mọi người đều khen bố dễ tính nhưng đâu biết mọi lo toan, vất vả dồn lên vai mẹ.

Vẫn nhớ những mùa Tết năm xưa. Vừa bán hàng chợ, bán cửa hàng tạp hóa thuê ở trung tâm xã vừa tối mắt, tối mũi mà mẹ vẫn lựa được chút khe hở hiếm hoi để gói bánh chưng. Bảo mua, mẹ nói mua không ngon. Gói vừa rẻ vừa đúng ý mình. Tối đến, mẹ còn bó giò, thịt gà, làm kẹo chè lam. Bố ngồi xem bóng đá ở nhà trên coi như không liên quan. Tôi được điều làm chân sai vặt, luôn miệng than sao mà mẹ bày vẽ, cả ngày đã vất vả rồi. Mẹ sồn lên, ngày Tết phải có cái nọ, cái kia chứ. Bố mày làm những cái này có phải tao đỡ vất vả không. Nhà người ta đàn ông chuẩn bị Tết nhất, đồ cúng, đây thì… thôi từ năm sau tao không làm gì nữa cho khỏe.

Nói thế thôi, năm sau lại tiếp diễn những ngày lục đục, tất bật, mò mẫm như thế suốt tháng Chạp. Lại những lời hờn lẫy, những khó chịu. Nhưng tối 30 lại đủ đầy bánh trái, giò, kẹo trên rành, trên mâm đón đợi Giao thừa và những ngày năm mới.

Như vừa rồi, mấy hôm sau sang thấy nhà đã sơn xong. Mẹ lại tất bật lau chùi. Bảo đứa lớn, đứa bé Chủ nhật sang tụ tập để nấu cơm ăn. Bắt đầu nhẩm tính xem ăn cái gì. Nhắc mẹ thôi, cứ kệ, ăn gì chả được. Ngồi lát, mẹ lại thở dài, thằng út lấy vợ thì có phải hội tụ được đông vui, đủ đầy không. Xong lại nhắc tôi hỏi xin số điện thoại để cho thằng cháu con anh lớn đi khám lại mắt. Xem thế nào chứ không mắt mũi thế thì khổ thân.

Có cháu, mẹ lại thêm mấy lần con mọn nữa. Và còn con mọn, cháu mọn dài dài. Năm nay, năm Nhâm Dần, mẹ tròn “hoa giáp chi niên”. Những vất vả của đàn bà tuổi Dần không biết có còn ứng chiếu.

Nhất Mạt Hương (Bắc Ninh)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.