Dạy học online: Muôn cái khó không “bó” được tâm huyết giáo viên

Chia sẻ

Dù đã rất cố gắng, nhưng những bất cập trong dạy và học trực tuyến không thể ngày một ngày hai khắc phục được.

Học online: Trải nghiệm và thách thức

Gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của hầu hết mọi người đều ít nhiều bị xáo trộn. Trẻ em ở nhiều tỉnh/thành phố không được tới trường trong một thời gian dài. Mỗi buổi sáng thức dậy, thay vì háo hức đến trường để gặp thầy cô và các bạn, thì các em học sinh lại phải ngồi vào bàn học, bật máy tính hay điện thoại thông minh lên và bắt đầu tiết học bằng việc điểm danh qua màn hình. Từ một giải pháp tạm thời mùa dịch, dần dần, việc dạy và học trực tuyến đã trở thành hoạt động quen thuộc hàng ngày của giáo viên và học sinh.

Theo một khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch Covid-19. Có tới 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình; 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp. Thực tế cũng cho thấy việc thiếu thiết bị, đường truyền yếu, phần mềm chưa phù hợp… là 3 trong số nhiều nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng học trực tuyến.

Các đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến “Học online dễ hay khó?” vừa được tổ chứcCác đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến “Học online dễ hay khó?” vừa được tổ chức

Tại buổi toạ đàm trực tuyến: “Học online: Dễ hay khó?” do Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em vừa thực hiện gần đây, em Nguyễn Phương Thảo, học sinh trường THCS Thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ về những trải nghiệm và khó khăn khi chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến: “Em từng gặp 1 số bất tiện giống nhiều bạn như: đường truyền không ổn định, việc tiếp thu bài giảng cũng bị hạn chế, không tương tác được nhiều với các bạn, khó tập trung và mỏi mắt khi phải nhìn máy tính trong một thời gian dài...”. Tuy nhiên, Thảo và các bạn luôn cố gắng để chủ động trong học tập. Học sinh sẽ dựa trên chương trình học mỗi buổi để soạn ra các nội dung sẽ được học, từ đó xâu chuỗi kiến thức của nhiều bài học liên tiếp. Bên cạnh đó, các môn học sẽ có các nhóm chat. Các giáo viên bộ môn sẽ gửi bài tập và bài giảng lên nhóm để học sinh tiếp cận lại một lần nữa sau buổi học, giúp cho khả năng tiếp thu tốt hơn. Học sinh có thể tương tác hỏi bài giáo viên ngay trong nhóm chat hoặc gọi điện trực tiếp.

Còn em Phạm Duy Anh, học sinh trường THCS Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thì bổ sung thêm những trải nghiệm của mình: “Việc học online giúp em có thể rèn luyện khả năng tự học, lên kế hoạch cho bản thân. Đồng thời, em thấy học online cũng có một lợi thế, đó là mình có thể học bất cứ nơi nào và lúc nào. Em sẽ biến những mệt mỏi, khó khăn trong quá trình học online thành động lực”.

Là một người bố có 3 cậu con trai đều đang học online mỗi ngày, nhà báo Trần Quang Minh cũng bày tỏ sự chia sẻ với giáo viên khi phải kiểm soát tận 30-40 học sinh trong 1 lớp và các con cũng rất “khổ" khi phải ngồi mấy tiếng đồng hồ trước máy tính.

Ở góc độ người giáo viên – cũng gặp nhiều thách thức khi chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, cô Nguyễn Thị Chỉnh, giáo viên dạy tiếng Anh, trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, bên cạnh những trải nghiệm mới, các thầy cô giáo cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình dạy học online như: đường truyền mạng, sự tập trung của các con, đặc biệt là các bạn từ lớp 1 đến lớp 3 chưa quen với các thiết bị công nghệ, các cô không tương tác, tiếp xúc được nhiều với các con, hoặc có nhiều sự cố bất ngờ có thể xảy ra... Bên cạnh đó, việc kết nối giữa giáo viên với phụ huynh cũng gặp nhiều trở ngại… Các thầy cô giáo thường tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tình hình mới.

“Mới đầu, khi chương trình học online mới triển khai, cả cô và trò đều rất bỡ ngỡ. Chúng tôi phải tự học hỏi, trau dồi kỹ năng truyền đạt kiến thức qua mạng, sáng tạo các phương pháp giảng dạy, làm thế nào để học sinh say mê, cuốn hút với bài giảng dù không gặp mặt trực tiếp giáo viên. Sau gần 2 năm, việc học online đã đi vào nề nếp, các con đã tự giác học bài, giáo viên cũng có thể giám sát việc học của các con dễ dàng. Với những học sinh bị out (thoát) lâu, hoặc mất mạng không vào lại được, cô giáo lại kèm cặp riêng sau đó. Tôi dành nhiều thời gian để tương tác với học trò trong lúc dạy, đồng thời xây dựng hệ thống bài tập, ảnh minh hoạ… giúp các con có kỹ năng xâu chuỗi kiến thức học được sau mỗi tiết học” – cô Chỉnh nói.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cũng nhận định, trong quá trình học online, cả phụ huynh, trẻ em và giáo viên đều cảm thấy áp lực rất nhiều. Bố mẹ lo rằng con không theo được chương trình, giáo viên băn khoăn về cách truyền đạt các kiến thức quan trọng của bài học đến học sinh, còn các học sinh thì gặp căng thẳng về tâm sinh lý… “Việc các con ngồi học mấy tiếng đồng hồ trước màn hình có thể gây ra ảnh hưởng về mặt tinh thần. Lúc này, bố mẹ và giáo viên nên có những biện pháp để giải phóng những căng thẳng cho các con. Cách tương tác giữa giáo viên và học sinh có thể giúp khắc phục vấn đề này. Thực tế, giáo viên không cần đặt áp lực phải nói hết tất cả kiến thức trong lớp học mà có thể hướng dẫn các con tìm kiếm trên internet” – chuyên gia Hà Thành khuyên.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội giáo viên mách nhau nhiều “bí kíp” để dạy học trực tuyếnTrên các diễn đàn, mạng xã hội giáo viên mách nhau nhiều “bí kíp” để dạy học trực tuyến

Cần sự đồng hành của phụ huynh và học sinh

Để việc dạy học online hiệu quả, theo cô Nguyễn Thị Chỉnh, không chỉ cần sự tâm huyết, tình yêu nghề của các thầy cô giáo mà còn rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh trong quá trình giúp con học online. “Đối với học sinh, thầy cô và phụ huynh cần giúp trẻ nắm vững kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử trong quá trình học tập, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước khi học và đề ra các quy tắc, trách nhiệm của trẻ trong quá trình học. Như tôi thường nhắc học sinh về việc phải chịu trách nhiệm 100% với các hoạt động của mình, từ đó, tạo cho học sinh có thói quen chủ động và điều chỉnh hành vi hằng ngày, trong đó có ý thức học tập” – cô Chỉnh cho biết.

Cô giáo Chỉnh cho biết, mỗi học sinh có một khả năng tiếp thu khác nhau, do đó, giáo viên cần chủ động điều chỉnh phương pháp giảng dạy để có hiệu quả như sử dụng mini game, videoclip… cho mỗi bài dạy. Nhiều giáo viên còn sử dụng kênh công cụ online. Khi tương tác online, cô giáo hướng dẫn các con vào các nhóm, trong đó, nhóm trưởng sẽ phân việc, đồng hành các nhóm để tăng kết nối và làm việc nhóm hiệu quả. Sau buổi học, thầy cô giáo có thể tổng hợp kiến thức đã dạy và chia sẻ vào các nhóm chat chung của lớp để phụ huynh nắm được và có thể hỏi bài cũ con tại nhà…

“Bước đầu tiên tôi thường làm là thiết lập nội quy. Nội quy này được thiết lập, thoả thuận giữa học sinh và giáo viên để đem lại tác động tích cực trong việc học. Nội quy được xây dựng dưới dạng hình ảnh và thực hiện liên tục giúp các con quen nếp. Bên cạnh đó, trong quá trình soạn giáo án, cần cân nhắc những nội dung nào đã học, những nội dung nào quan trọng và chú ý vào việc hướng dẫn cho các con đặt câu hỏi cũng như tư duy phản biện. Hiện nay, trong bối cảnh học online, giáo viên cần phải chọn công cụ phù hợp để các con tập trung, cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Bên cạnh đó, việc khen ngợi học sinh cũng là cách để các con có thêm động lực trong việc học, cũng như động lực để chủ động kết nối với giáo viên” – cô Chỉnh phân tích.

Cô giáo Minh Loan, phụ trách lớp 5C trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Dạy học “thời Covid” vừa là thách thức song cũng là cơ hội cho giáo viên rèn luyện khả năng ứng phó, nâng cao trình độ công nghệ thông tin. Cô giáo chủ động hơn trong việc giảng dạy. Thay đổi giáo án để phù hợp với các tiết dạy online. Chính sự đổi mới đó đã mang lại hiệu ứng tích cực cho học sinh, giúp các con hứng thú hơn trong mỗi giờ học. Phụ huynh cũng rất yên tâm, tin tưởng ở nhà trường khi con ở nhà nhưng không dừng học”.

Nhà báo Trần Quang Minh cũng nhấn mạnh, vai trò đồng hành của cha mẹ rất quan trọng trong quá trình dạy học online. Theo đó, cha mẹ cung cấp cho các con các thiết bị đầy đủ để các con học được thuận tiện nhất. Thứ hai là thường xuyên hỏi han con có hiểu bài không, nếu chưa hiểu thì cha mẹ có thể liên hệ với cô giáo hay có thể hỗ trợ các con trong việc tự học. Cha mẹ đừng đặt áp lực rằng con phải đạt được thành tích hay điểm nổi trội. Việc đồng hành và truyền năng lượng tích cực cho con trong quá trình học là một việc cực kỳ quan trọng mà phụ huynh cần phải chú tâm. “Để các con có thể tập trung và thích thú trong việc học, tôi nghĩ nên có những hình thức học thú vị hơn như qua video, bài hát, hình ảnh nhiều màu sắc... Việc đầu tư cho bài giảng, về hình ảnh, âm thanh cần được cải tiến để trước tiên, khi các con thích thì các con có hứng thú và học hiệu quả hơn” – nhà báo Trần Quang Minh nhấn mạnh.

AN TÚ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.