Hội LHPN Việt Nam:

Để Nghị quyết Đại hội XIII thực sự “thấm” vào từng cán bộ, hội viên phụ nữ

Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau 3 ngày học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức trong tháng 4 vừa qua, các cấp Hội PN cả nước đã cơ bản nắm vững những nội dung cốt lõi nhất, nhiệm vụ và điểm mới để triển khai hoạt động Hội nhiệm kỳ 2022-2027.

Hỗ trợ chị em tham gia các mô hình kinh tế tập thể

Một trong những nội dung và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2022-2027 đó là “Hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ”, thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” và phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cũng như cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đồng chí Phạm Thị Hương Giang, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam cho biết: Nhiệm kỳ qua, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế có những điểm khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ. Các cấp Hội đã giúp đỡ được hơn 2 triệu hộ nghèo. Việc thực hiện thành công các mô hình giảm nghèo trên cơ sở xây dựng cơ chế quản lý xoay vòng vốn phù hợp với thực tế của từng mô hình được các ban, ngành đánh giá cao và là cơ sở để tiếp tục xây dựng phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Chủ đề ngày Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm của Hội PN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, sự chuyển động của nền kinh tế. 

Để Nghị quyết Đại hội XIII  thực sự “thấm” vào từng cán bộ, hội viên phụ nữ - ảnh 1
Đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao đổi thông tin về Hướng dẫn điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII Ảnh: TT

Kết quả, đã có 63/63 tỉnh, 31/63 tỉnh có huyện tổ chức ngày Phụ nữ khởi nghiệp thu hút hơn 24.640 phụ nữ có ý tưởng, dự án dự thi. Đặc biệt, các cấp Hội PN cả nước đã huy động được 240 tỷ đồng từ ngân sách TƯ, địa phương và 206 tỷ đồng xã hội hóa cho hoạt động khởi nghiệp…

Cùng với đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia và phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX dưới nhiều hình thức, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương/vùng miền theo hướng khôi phục và phát huy các nghề truyền thống, tạo dựng thương hiệu của địa phương. Nổi bật như: Mô hình “HTX du lịch cộng đồng, du lịch Homestay tỉnh Lào Cai”, HTX Thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La… đã kết hợp du lịch với mô hình sản xuất sản phẩm truyền thống như thuốc tắm truyền thống, thổ cẩm… mang lại lợi ích kinh tế xã hội và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa độc đáo của làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho nữ lao động tại địa phương. Hay như HTX phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam (tỉnh Thái Nguyên), HTX sản xuất tiểu thủ công nghiệp Hòa Lộc 9 (tỉnh Vĩnh Long)… tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội LHPN Việt Nam tập trung hỗ trợ phụ nữ thực hiện tốt một trong 3 vai trò giới, vai trò sản xuất nhằm phát huy tiềm năng của phụ nữ đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước; đồng thời qua đó nâng cao quyền năng kinh tế, giúp phụ nữ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội. Đồng chí Phạm Thị Hương Giang nhấn mạnh: Điểm mới trong thực hiện nội dung này đó là, Hội không chỉ hỗ trợ chị em làm kinh tế gia đình quy mô nhỏ như: nuôi gà, vịt, nuôi lợn… mà còn hỗ trợ chị em tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác, góp phần thực hiện chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”.  HTX phát triển phải theo chiều sâu, gắn với tạo việc làm cho người lao động, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất… 

Để Nghị quyết Đại hội XIII  thực sự “thấm” vào từng cán bộ, hội viên phụ nữ - ảnh 2
Các đại biểu lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, quận ủy Long Biên tham quan các gian hàng trong buổi ra mắt HTX nông sản Long Biên do Hội LHPN quận thành lập thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội phụ nữ các cấp Ảnh: TT

Theo đó, Hội đã đặt ra chỉ tiêu, hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý Hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. Đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 HTX có phụ nữ tham gia quản lý. Giải pháp để thực hiện được chỉ tiêu này, đó là: TƯ đề xuất và thực hiện đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022- 2030”; tổ chức các hoạt động hỗ trợ HTX/tổ hợp tác thực hiện chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử, tham gia nền kinh tế số… Các cấp Hội PN cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, chương trình/kế hoạch/đề án phù hợp với tình hình địa phương; tuyên truyền hướng dẫn thành lập mới và phát triển mô hình tiết kiệm vay vốn thôn bản đã có thành các mô hình tiết kiệm vay vốn thôn bản tích hợp thêm các giải pháp đổi mới và lồng ghép giới. 

Ngoài ra, một số điểm mới trong nhiệm kỳ 2022-2027 đó là, với phương châm hoạt động “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ” cũng sẽ được các cấp Hội triển khai, nhằm nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của hội viên và giải quyết nhanh nhất từ các cấp cơ sở; đẩy mạnh việc thu hút tập hợp hội viên phụ nữ trên không gian mạng; thí điểm mô hình phối hợp giữa Hội Phụ nữ cơ sở và Hội đoàn tôn giáo địa phương trong công tác xã hội, từ thiện, lồng ghép các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới trong gia đình, phát triển kinh tế cho phụ nữ tôn giáo… Đây là nhiệm kỳ đầu tiên áp dụng bộ máy Ủy ban Kiểm tra ở các cấp Hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách các cấp Hội. 

2 điều mới trong Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII

Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thông tin: Đây là văn kiện chính trị có tính pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội, là cơ sở để cán bộ hội, hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức Hội và triển khai hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật, đồng thời thể hiện sự thống nhất ý chí, hành động trong toàn hệ thống Hội. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết thêm, Điều lệ khóa XIII có bổ sung 2 điều mới. Cụ thể, tại Điều 22: Ủy ban Kiểm tra. Mục đích là nâng cao chất lượng, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của Ủy viên BCH trong kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, Điều lệ, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm; bảo đảm đồng bộ với các đoàn thể chính trị xã hội khác (hiện còn duy nhất Hội LHPN trong khối đoàn thể chính trị - xã hội chưa thành lập Ủy ban Kiểm tra). Điều 26: Tài sản của Hội. Mục đích là khẳng định quyền và trách nhiệm của Hội về tài sản.

Để Nghị quyết Đại hội XIII  thực sự “thấm” vào từng cán bộ, hội viên phụ nữ - ảnh 3
Tháng 1/2022, Hội LHPN huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ ra mắt HTX Chè Vân Lĩnh do phụ nữ là chủ nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm chè
Ảnh: HPN

Ngoài ra, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII còn một số điều bổ sung, sửa đổi cơ bản. Theo đó, ở Điều 8: Bổ sung thêm nhiệm vụ của tổ chức thành viên (điểm e khoản 4): Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác Hội và phong trào phụ nữ cùng cấp. Điều 19 có bổ sung khoản 3 và 4. Cụ thể, khoản 3 nêu rõ: Đối với một số địa phương, đơn vị đặc thù, nơi không có đơn vị hành chính cấp cơ sở và tương đương thì chi hội được coi tương đương Hội LHPN cấp cơ sở. Khoản 4: Hội LHPN các cấp có thể thành lập các tổ chức Hội cơ sở đặc thù theo ngành nghề, lứa tuổi, sở thích… thuộc sự quản lý, điều hành của Đoàn chủ tịch hoặc Ban Thường vụ Hội LHPN cùng cấp. Điều 24: Nâng mức hội phí lên 2.000 đồng/hội viên/tháng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.