Phim về lính cứu hỏa:

Đề tài hay nhưng... khó

Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không đơn thuần là những câu chuyện hấp dẫn trên màn ảnh, phim về lính cứu hỏa còn mang ý nghĩa tri ân và tôn vinh những người hùng đã không ngại đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, làm phim về người lính cứu hỏa gặp rất nhiều thách thức.

Chuyện cảm động về lính cứu hỏa lên sóng

Truyền hình K+ vừa công bố dự án phim truyền hình mới Đi về phía lửa về nghề lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, dự kiến lên sóng vào Tết Nguyên đán 2024. Phim do đạo diễn Trần Thanh Huy thực hiện, được lấy cảm hứng (remake) từ series truyền hình đình đám Đài Loan (Trung Quốc) - Nước mắt của hỏa thần (Tears On Fire).

Chuyện phim xoay quanh cuộc đời với những bộn bề, tâm tư tình cảm về nghề, về gia đình của 4 người lính trẻ tuổi trong một đội cứu hỏa địa phương. Bên cạnh việc khắc họa những ca cứu hộ, cứu nạn đầy gian nan, phải đối mặt với lằn ranh sinh tử, phim còn hé lộ cho khán giả nhiều góc khuất nội tâm và những câu chuyện giàu cảm xúc trong đời sống riêng của những người lính cứu hỏa.

Đề tài hay nhưng... khó - ảnh 1
Poster phim Đi về phía lửa

4 tên tuổi diễn viên trẻ tiềm năng được “chọn mặt, gửi vàng” cho vai chính trong dự án này là: Lãnh Thanh, Trần Ngọc Vàng, Xuân Phúc, Hồ Thu Anh. Trong đó, Lãnh Thanh hóa thân thành Đức Anh - người lính cứu hỏa chuyên nghiệp với ngoại hình rắn rỏi, tính cách quả cảm, can trường. Trần Ngọc Vàng vào vai Minh Long - chàng lính cứu hoả trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm nhưng thừa nhiệt huyết. Hồ Thu Anh sẽ đảm trách vai Thanh Hà - thành viên nữ duy nhất trong đội cứu hỏa. Còn Xuân Phúc sẽ vào vai Toàn Thắng - một người trưởng nhóm là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho đàn em trong đội lính cứu hoả, nhân vật có nhiều cảnh đấu tranh tâm lý giằng co giữa việc được theo nghề hay hy sinh đam mê và ước mơ của mình cho gia đình.

Với sự nhiệt huyết dành cho nhân vật, các diễn viên không ngại trực tiếp tham gia vào quá trình rèn luyện đầy gian khổ cùng các chiến sĩ chuyên nghiệp và đích thân thực hiện những cảnh quay hành động nguy hiểm, có độ khó cao.

Tác phẩm được xem như một sự tri ân tới những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, người lính cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn trên khắp cả nước đã không quản ngại gian khổ, vất vả, sẵn sàng đánh cược mạng sống và hy sinh cuộc sống cá nhân của mình để chiến đấu với giặc lửa, gìn giữ tính mạng và tài sản cho người dân.

Trước Đi về phía lửa, năm 2020, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam cũng phát sóng phim Lửa ấm cùng đề tài về người lính phòng cháy chữa cháy. Phim của đạo diễn Đào Duy Phúc xoay quanh bộ ba anh lính cứu hỏa là Minh (Trương Minh Quốc Thái), Tiến (Tô Dũng) và Hoàng (Mạnh Quân). Đời sống tinh thần và vật chất, sự vất vả hy sinh của những người lính phòng cháy chữa cháy và những bác sĩ cấp cứu được phản ánh sinh động trong tác phẩm. Những tình huống trong phim được lấy chất liệu từ thực tế, phản ánh đúng thực trạng các vấn đề mà họ đang phải đối mặt. 

Đề tài hay nhưng... khó - ảnh 2
Phim Lửa ấm

Đề tài đầy thách thức

Lính cứu hỏa - một trong những công việc được coi là nguy hiểm nhất thế giới - từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn, nhà biên kịch tài năng. Rất nhiều phim điện ảnh, phim truyền hình của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã thành công về đề tài người lính cứu hỏa như: Ladder 49 - Đội cứu hỏa số 49 (Mỹ, 2004), The Tower - Tháp lửa (Hàn Quốc, 2012), Only The Brave - Không lối thoát hiểm (Mỹ, 2017), The Bravest - Liệt hỏa anh hùng (Trung Quốc, 2019), Playing With Fire - Đùa với lửa (Mỹ, 2019), The Rescue - Cứu viện khẩn cấp (Trung Quốc, 2020)…

Câu chuyện về những người lính cứu hỏa luôn quả cảm, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách để cứu người, được phản ánh sinh động, chân thực trong phim. Nỗi vất vả cực nhọc của nghề, thậm chí cả những câu chuyện về sự hy sinh của các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ luôn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của người xem. Phim về người lính cứu hỏa luôn đầy sức hút nhưng cũng phải thừa nhận đây là một đề tài khó thực hiện, đầy thách thức đối với những nhà làm phim.

Với series Đi về phía lửa, đoàn làm phim đã nhận được sự hỗ trợ và tư vấn chuyên nghiệp từ chính quyền địa phương và lực lượng PC07 tại thành phố Đà Nẵng - nơi được chọn làm bối cảnh chính của bộ phim. Ê-kíp sản xuất cũng chú trọng đầu tư thực hiện tốt những cảnh quay hành động nguy hiểm, có độ khó cao, đòi hỏi các diễn viên phải có sự rèn luyện, không ngại lăn xả.

Đề tài hay nhưng... khó - ảnh 3
Phim Lửa ấm

Đại diện Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) từng chia sẻ, kịch bản Lửa ấm được ấp ủ 4-5 năm mới thành hiện thực. Phim khiến người xem thấy rõ hơn vai trò của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng nơi tuyến đầu và những người lính cứu hỏa, đem tới bình an cho xã hội. Ở đó, câu chuyện về tình người, những con người sẵn sàng xả thân cho giá trị cộng đồng xã hội cao hơn bản thân mình.

Ngoài những khó khăn trong quá trình thực hiện, phim về chuyên ngành cũng dễ gặp phải những sai sót về chuyên môn. Đơn cử phim Lửa ấm khi lên sóng đã bị chỉ lỗi tuyên truyền “sai rất nghiêm trọng” về nhiễm HIV. Cụ thể, TS Lã Thị Lan cho biết, trong phim Lửa ấm có cảnh một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện và sau đó, bác sĩ nói anh đã bị phơi nhiễm HIV là chưa chuẩn xác.

Chi tiết xử lý phơi nhiễm HIV trong bộ phim bị làm sai một cách nghiêm trọng, và theo TS Lan, những người làm phim hiểu sai nghiêm trọng về phơi nhiễm, xử lý phơi nhiễm HIV. Cùng với đó, khán giả cũng chỉ ra trong phim Lửa ấm còn có những lỗi về trang phục, bác sĩ đeo khẩu trang sai cách, cách bố trí phòng không hợp lý, sai quy trình cấp cứu...

Vẫn biết hướng khai thác phim về ngành nghề chuyên biệt khá mới mẻ và thú vị nhưng để chinh phục khán giả đòi hỏi biên kịch, đạo diễn, đội ngũ làm phim cần có sự tìm hiểu sâu để tránh những nhầm lẫn không đáng có. Bản thân các diễn viên cũng cần chăm chỉ tìm tòi để hiểu thêm về nghề và vai diễn mình đảm trách để kịp thời phát hiện và điều chỉnh sai sót nếu có về chuyên môn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo chị em tham gia.
Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(PNTĐ) -  Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.
Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.