Đi đâu Tết này?
(PNTĐ) - Du lịch Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch là hành trình. Thành phố rực rỡ. Không cần đi đâu xa, ngay tại Hà Nội vẫn có những điểm vui chơi cực ý nghĩa và thú vị trong dịp Tết Dương lịch. Những điểm check-in thú vị này sẽ giúp du khách khám phá vẻ đẹp lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội “nghìn năm văn hiến”, thành phố hòa bình, sáng tạo.
Làng cổ Đường Lâm
Chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50km, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là nơi đậm đặc các di sản văn hoá cổ truyền. Hiếm nơi nào có đầy đủ các công trình liên quan đến đời sống văn hoá, xã hội, tâm linh từ xưa để lại như người dân nơi đây: Cổng làng, đình, chùa, quán, giếng cổ, nhà thờ họ… Ở Đường Lâm các thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm là nơi tập trung nhiều di tích, nhà cổ. Trong đó, hoàn chỉnh nhất, đẹp nhất là thôn Mông Phụ.
Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách ngoài việc được thả hồn vào không gian mang đậm nét truyền thống thì không khí dịp Tết nơi đây cũng vô cùng ấm cúng và bình yên nhưng không kém phần tấp nập với các phiên chợ bán sản phẩm thủ công truyền thống, các món ăn đậm chất quê hương như kẹo lạc, bánh gai, bánh tẻ…
Cùng với đó, trong phạm vi gần quanh làng cổ còn có một số điểm tham quan thú vị như chùa Mía - Sùng Nghiêm Tự, một trong những ngôi chùa cổ và đẹp nhất tại xứ Đoài cũng như Việt Nam. Ngôi chùa hiện đang lưu giữ 287 pho tượng quý có niên đại lâu năm, mỗi pho tượng đều thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ xưa.
Ngoài chùa Mía còn có Thành cổ Sơn Tây. Tòa thành cổ được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1822 bằng chất liệu đá ong. Đến đây, quý khách được nghe về câu chuyện lịch sử về quá trình xây dựng thành, cũng như tham quan những hiện vật có giá trị lịch sử: Súng thần công bằng đồng...
Vườn bưởi Phú Diễn
Thời điểm Tết Dương lịch cũng là khoảng thời gian vườn bưởi Diễn (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào vụ chín vàng. Cánh đồng bưởi nằm ngay gần trung tâm Thành phố. Giá vé vào cửa cũng vô cùng phải chăng, chỉ 50.000 đồng/người là khách tham quan có thể ghé vào chiêm ngưỡng vườn bưởi không giới hạn thời gian.
Ngoài chụp ảnh, du khách có thể tìm mua bưởi Diễn tại vườn. Giá bưởi tùy kích thước mà giá khác nhau. Chẳng hạn, bưởi loại 1 thường có giá khoảng 35.000-60.000 đồng/quả, bưởi loại 2 có giá khoảng 20.000-30.000 đồng/quả. Thời điểm các nhà vườn thu hoạch rộ nhất là khoảng Tết Dương lịch đến sát Tết Nguyên đán. Khác với các giống bưởi thông thường, bưởi Diễn sau khi hái xuống, để càng lâu sẽ càng ngọt đậm.
Làng hương Quảng Phú Cầu
Làng tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nằm ven Quốc lộ 21B, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 35km. Đây là làng nghề tăm hương truyền thống duy nhất còn tồn tại ở Thủ đô sau hơn 100 năm.
Nghề làm tăm hương ở đây nhộn nhịp suốt cả năm nhưng sôi động hơn cả là vào những ngày xuân. Trên khắp các nẻo đường dẫn vào các thôn xóm, rất dễ để bắt gặp những hộ gia đình, những xưởng sản xuất tăm hương vừa và nhỏ. Những bó hương rực sắc đỏ, sắc hồng được bà con phơi dọc đường làng, bờ kênh đến bãi đất trống...
Ban đầu, nghề làm hương chỉ tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng, dần dần nghề này đã lan rộng khắp nghề ra các thôn trong xã như Cầu Bầu, Đạo Tú… Những năm gần đây, nhờ vẻ đẹp siêu ấn tượng bởi màu sắc rực rỡ, hương thơm nồng nàn, cùng với sự mến khách, chăm chỉ của người dân mà làng hương Quảng Phú Cầu đã trở thành một trong những điểm điểm check-in, du lịch siêu nổi bật của nhiều du khách cả trong và ngoài nước.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) du khách sẽ bất ngờ trước vẻ đẹp văn hóa muôn màu của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Điểm nhấn đáng chú ý, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong dịp Tết Dương lịch sẽ diễn ra "Chợ phiên vùng cao-Chào năm mới 2025”. Sự kiện giúp du khách cảm nhận những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là chương trình “Chào năm mới 2025” với nhiều trải nghiệm thú vị như: Tái hiện Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên; chương trình dân ca dân vũ “Niềm vui đón năm mới”; chương trình dân ca dân vũ “Bản Mông vui đón Tết”; chương trình giới thiệu “Món ngon vùng miền - Chào năm mới 2025". Đến với không khí ngày Tết Nào Pê Chầu, du khách có thể tìm hiểu và khám phá những loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể, trong đó có các nghi lễ trong ngày Tết, thưởng thức ẩm thực với những món ăn theo cách chế biến của người Mông hay hương vị thơm ngon của những chiếc bánh dày được làm bằng các thao tác cầu kỳ; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống...