Di tích lịch sử văn hóa Đền Lê

Nguyễn Thị Thiện
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đền Lê nằm ở tả ngạn sông Tích, thuộc địa phận thôn Lại Thượng, xã Lại Thương, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Xưa đây gọi là thôn Hạnh Đàn (hay Kẻ Sàn), cách Trung tâm Hà Nội chừng 40 km về phía Tây.

Ngôi đền thờ danh nhân Trịnh Kiểm (1503-1570). Ông là con của Trịnh Lâu và bà Hoàng Thị Dốc ở Thanh Hóa, gia đình làm nông. Năm lên 6 tuổi mồ côi cha, hai mẹ con lần hồi rau cháo nuôi nhau, năm 16 tuổi, sau khi mẹ chết, ông đi ở một nhà quan võ trong vùng. Năm ông 25 tuổi, nghe tin Nguyễn Kim dựng cờ phò Lê diệt Mạc, ông đi theo.

Được Nguyễn Kim tin dùng, ông càng phấn chấn và quyết tâm, tỏ rõ năng lực quân sự và tài năng nhiều mặt của mình. Trịnh Kiểm được chủ yêu quý, gả con gái cho và tiếp tục giao nhiều trọng trách, việc gì ông cũng hoàn thành xuất sắc. Khi Nguyễn Kim bị hạ độc chết, ông được vua Lê giao Thống lĩnh quân đội.

Trong nhiều trận chỉ huy tướng sĩ đánh quân nhà Mạc, ông đều giành chiến thắng. Khi nước nhà được bình yên, ông lại dốc sức chăm lo việc triều chính và chấn hưng đất nước: Cho người đo đạc ruộng đất, lập chế độ thuế khóa, khuyến khích phát triển nông tang, mở các khóa thi chọn người hiền tài. Ông được vua Lê Anh Tông phong làm Thái sư, chức Thượng Tướng quân Thái quốc công, tôn phong Thượng phụ. Năm Canh Ngọ, ông bị ốm nặng vì quá lao lực việc dân việc nước và mất (ngày 10/2/ 1570 Âm lịch), thọ 68 tuổi. Do có công lao 40 năm giúp sức, xả thân cho sự nghiệp Lê Trung Hưng, phục vụ 3 đời vua Lê là: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, nên khi ông mất, nghĩ đến công lao to lớn của ông, vua Lê Anh Tông phong ông là Minh Khang Thái Vương và ban hiệu Thụy Trung Huân.

Di tích lịch sử văn hóa Đền Lê - ảnh 1
Lễ hội đền Lê năm 2023

Năm Mậu Thìn (1623) Thanh Đô vương Trịnh Tráng (cháu nội của Trịnh Kiểm) tâu trình với vua Lê và được chuẩn y. Tưởng nhớ và tri ân công lao các bậc tiền nhân trong cuộc diệt Mạc, vua Lê cho xây cất, dựng Đế miếu ở Thanh Hóa, Nghệ An và các nơi khác, rước bài vị hoàng đế và tiên vương về phụng thờ. Do được vua ban và cấp tiền của xây cất đền nên dân trong vùng gọi là Đền Lê. Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 2, ngày Kỵ của Thái Vương Trịnh Kiểm, vua Lê lại cắt cử các quan về tổ chức lễ hội trọng thể và đông vui. Các địa điểm bia đá ong hiện nay vẫn còn in dấu: Nơi các quan binh Hạ mã (xuống ngựa), nhà Quan cư (nơi các quan ở), ao Quan (3 thửa, nơi các quan tắm rửa trước khi vào làm lễ ), Văn chỉ… Đặc biệt bức tượng Trịnh Kiểm làm bằng đất nện dù trải qua gần 400 năm nay vẫn còn nguyên vẹn.

Ngắm pho tượng sống động, dáng ngồi đường bệ, thư thái nhưng vẫn toát lên vẻ uy dũng, quyết đoán, người về lễ càng thêm ngưỡng mộ, khâm phục Trịnh Kiểm. Ông quả là một danh tướng thời Lê Trung Hưng, để lại cho con cháu một vương nghiệp truyền nối kéo dài 188 năm tính từ đời Chúa Trịnh Tùng (đến năm 1787). Vào thời ông, hành dinh khu vực Lại Thượng được gọi là Biện Dinh và lễ hội đền Lê là quốc lễ.  

Hằng năm, hội đền Lê thường diễn ra trong 3 ngày, được tổ chức đông vui. Vào ngày 16 tháng 2, diễn ra hội bắt đầu bằng cuộc thi dập sào đánh cá trên sông Tích. Hôm đó cũng tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các thôn. Ngày 17 tháng 2, nhân dân và du khách dâng lễ vào đền. Các xóm rước kiệu, cỗ chay và dâng hương. Sau đó tổ chức các trò chơi dân gian. Lễ vật dâng cúng trong hội đền Lê gồm lễ chay và lễ mặn  được giao cho Ban khánh tiết và ban Câu đương chuẩn bị. Lễ mặn gồm xôi trắng và thủ lợn, phải đủ cả đầu và đuôi. Thủ lợn từ 6 đến 8 kg cùng đuôi lợn kèm theo, có ý nghĩa là toàn phần con lợn.

Gia đình nào được lựa chọn có thủ lợn tiến lễ là một niềm vinh dự. Xôi trắng được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng trước đây, giờ là loại nếp nhung thơm, hạt mẩy đều, những hạt gãy được loại đi. Gạo nếp được đãi thật sạch, ngâm kỹ để có xôi dẻo thơm, dỡ ra mâm, nén chặt, dàn tròn đều. Thủ lợn bày lên trên mâm xôi ép chặt, dàn tròn đều. Lễ chay  thường là mâm ngũ quả gồm những sản vật quý ở địa phương như: Chuối, phật thủ, bưởi, cam quýt, thanh long và hoa tươi, được sắp xếp khéo léo, cách điệu đẹp mắt. Có khi còn được sắp xếp theo hình linh vật rồng phượng, cá.

Các thôn xóm gia đình và du khách cũng  dâng lễ rất nhiều loại: Bánh, oản, hoa tươi, quả ngọt, phần nhiều lựa từ cây trái vườn nhà dâng thánh: Cam quýt, bưởi, na, chuối, oản, bánh kẹo, nến hương... dâng cúng vào sáng sớm ngày Kỵ của ngài, cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà, người người có cuộc sống hạnh phúc, ấm no, xóm làng đoàn kết.  
Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng đền Lê vẫn giữ được tường, móng, hình dáng không thay đổi. Tượng thần và đồ thờ vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Đền Lê được xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp Tỉnh  năm 2005.  

Ngày 16, 17 và 18 tháng hai năm Quý Mão 2023 vừa qua, kỷ niệm 453 năm ngày mất của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và 395 năm xây dựng đền Lê, Ban Quản lý Di tích long trọng tổ chức lễ hội tỏ lòng thành kính, tri ân công đức tiền nhân. Đây cũng là dịp tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân địa phương với du khách, ôn lại nét đẹp truyền thống lịch sử cách mạng và văn hóa của quê hương. Đây là nguồn động để chính quyền và nhân dân cùng nỗ lực phấn đấu phát huy truyền thống địa phương Lại Thượng, đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.