“Điểm tựa” tinh thần cho người bệnh

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Có rất nhiều câu chuyện xúc động về nghị lực vươn lên của những bệnh nhân ung thư nói chung, ung thư máu nói riêng trên hành trình vượt qua chông gai, chiến đấu với bệnh tật. Và trên hành trình ấy, cùng với gia đình, người thân, các y, bác sĩ không chỉ nỗ lực từng ngày về chuyên môn mà còn trở thành điểm tựa tinh thần, “người đồng hành” trên con đường tìm lại hy vọng của người bệnh.

“Ngôi nhà thứ hai” của bệnh nhân

Tháng 7/2019, Thanh Thảo (sống tại Hải Dương) chính thức nhập Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để điều trị căn bệnh ung thư máu. Cũng từ ngày đó, bà nội Thảo đã đồng hành cùng cô bé trên suốt chặng đường điều trị đầy gian nan. Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, bà nội Thanh Thảo đã chia sẻ với các y bác sĩ tại Viện những suy nghĩ, cảm xúc từ sâu trong trái tim mình: “Khi mùa xuân về, tôi cầu mong cho người bệnh ung thư được có thêm những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc và bình an!

Bình an - đó là khao khát, là hy vọng của tất cả những người bệnh ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ai đã từng đến đây, ở đây mới hiểu được cái giá của sự chờ đợi! Vừa mong manh, vừa lo sợ, vừa kiên gan... Và cứ thế, họ trở thành những chiến binh dũng cảm!

Tôi viết những dòng này để tri ân các y bác sĩ đã ngày đêm chăm sóc cho cháu tôi. Công lao của họ không gì sánh được! Bất kể ngày đêm, bất kể các con gào khóc, giãy giụa những khi lấy ven, lấy máu..., các bác sĩ, điều dưỡng vẫn luôn nhẹ nhàng, vừa dỗ dành, nựng nịu các con, vừa tỉnh táo làm chuẩn xác từng thao tác chuyên môn.

“Điểm tựa” tinh thần cho người bệnh - ảnh 1
Với nhiều bệnh nhân, bệnh viện thực sự là “ngôi nhà” ấm áp thứ 2, tiếp thêm cho họ nghị lực trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư. Ảnh: Thịnh Nguyễn

Đêm đêm, quầy trực luôn sáng, cứ vài chục phút lại có người nhà gọi “cô ơi, bác ơi, cháu... sốt!”. Và sau đó là tiếng bước chân khẩn trương của các y bác sĩ rời phòng trực đi về phía buồng bệnh. 

Tôi đã nhiều lần đứng nhìn theo bước đi của họ: Luôn vội vã, khẩn trương. Tôi ngưỡng mộ, thán phục và biết ơn họ!

Tôi muốn gửi lời biết ơn tới các cô, các bác ở Phòng Công tác xã hội. Với các bệnh nhi, các cô như là cô tiên có phép màu nhiệm trong truyện cổ tích luôn đem đến cho các con quà tặng bất ngờ, ấm áp!”.

Đó cũng là tâm sự, tình cảm của bệnh nhi Lý Thị Thu Hoài (trú tại Tuyên Quang). Mắc ung thư máu từ khi 12 tuổi, sau cú sốc đầu đời, cuộc sống của Hoài và gia đình đã thay đổi rất nhiều. Cũng có rất nhiều nỗi sợ mà con gặp ở viện như: Tiêm tủy, chọc tủy, lấy máu. 

“Nhưng nhờ có bố mẹ, nhờ các y bác sĩ tâm lý, luôn làm cho con cười, con đã dần chiến thắng những nỗi sợ đó. Con không có cảm giác cô đơn hay buồn phiền nữa. Con cảm thấy ở Viện có rất nhiều niềm vui và cảm động trước sự quan tâm của các cô chú, anh chị khi ở bên chúng con, lúc dạy học cho chúng con.

Con còn được biết thêm về các chế độ dinh dưỡng, cách giữ vệ sinh... Điều cần nhất với bệnh ung thư máu đó là ăn uống đủ chất, hợp tác với các bác sĩ để chữa bệnh, suy nghĩ tích cực, vô tư, yêu đời, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, không ăn những đồ ăn có hại cho sức khỏe.

Con cảm ơn các y bác sĩ đã luôn tận tâm chăm sóc và dành những điều tốt nhất có thể cho chúng con. Con chúc các bác luôn mạnh khỏe, hạnh phúc bên gia đình và con mong các y bác sĩ sẽ luôn thất nghiệp để không ai là bệnh nhân của các bác nữa” – bé Thu Hoài gửi gắm tâm sự.

“Điểm tựa” tinh thần cho người bệnh - ảnh 2
Điều Dưỡng Cấn Trung Kiên (thứ 2 từ trái qua) hỏi han, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc con trong những ngày nằm viện điều trị. Ảnh: Thảo Hương

Với chúng tôi, bệnh nhân như người nhà của mình
Nếu như mong ước của người bệnh là y bác sĩ thất nghiệp, thì y bác sĩ lại luôn mong bệnh nhân sẽ thật khỏe mạnh, không cần phải trở lại bệnh viện, hoặc giản dị hơn đôi khi chỉ là trở lại viện đúng lịch hẹn thay vì phải vào điều trị sớm hơn.

Đã nhiều năm gắn bó với khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, điều dưỡng Đoàn Thị Thu Huyền đã điều trị và chăm sóc không ít bệnh nhi ung thư máu. Công việc ở khoa nhiều áp lực, mà theo chia sẻ của chị Huyền “phải tinh thần thép mới làm được” vì nhiều người nhìn thấy các con đau đớn không thể cầm lòng… Nhưng không vì thế khiến cảm xúc của chị trở nên chai sạn, hay tình yêu thương dành cho bệnh nhi trở nên ít đi.

Chị Huyền chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã mong muốn được làm nghề y, ước mơ được điều trị và nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân khi họ khỏe mạnh xuất viện. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng đẹp như mơ. Thời điểm mới về viện, tôi cũng bị áp lực một thời gian, đôi lúc suy sụp khi chứng kiến nỗi đau người bệnh ra đi vì không thể cứu chữa. Nhưng rồi chính những bệnh nhân, nhất là các bé ung thư máu đã tiếp thêm cho chúng tôi động lực, nghị lực, thôi thúc trong tôi ngọn lửa yêu nghề, để bản thân nỗ lực, cố gắng làm thật tốt công việc của mình, trở thành “điểm tựa” lẫn nhau trong cuộc sống.

Trong những ngày làm việc tại Viện, chúng tôi luôn được nhắc nhở và thấm nhuần lời dặn rằng: “Hãy coi người bệnh như người nhà mình, coi nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính người thân và người nhà trong gia đình mình”.

Hơn nữa khi bệnh nhân tới đây, họ đã gửi gắm hết niềm tin vào y bác sĩ, nên với lương tâm và trách nhiệm người làm nghề, tôi cũng như bao đồng nghiệp khác luôn dành hết tâm huyết vào công việc, đơn giản như mỗi lần lấy ven hay tiêm truyền cố gắng nhẹ nhàng, chuẩn xác nhất để họ giảm bớt đau đớn. Bất kể lúc nào có thời gian, chúng tôi lại tranh thủ trò chuyện, chơi đùa cùng các con để chúng quên đi bệnh tật, nỗi đau thể xác, có tinh thần thoải mái, cảm thấy ở viện cũng ấm áp như ở nhà” – điều dưỡng Huyền trải lòng.

“Điểm tựa” tinh thần cho người bệnh - ảnh 3
Điều dưỡng Đoàn Thị Thu Huyền trò chuyện, chăm sóc các bệnh nhi trong những phút giải lao. Ảnh: Thảo Hương

Nếu như với điều dưỡng Huyền, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các chị còn chăm sóc bệnh nhi bằng tấm lòng yêu thương của người mẹ dành cho các con, thì nam điều dưỡng Cấn Trung Kiên –  khoa Bệnh máu trẻ em lại giống như người anh, người cha tin cậy. Chỉ cần nhìn cách anh tới từng giường bệnh, hỏi han tỉ mỉ từng cháu bé, ân cần dặn dò người nhà, thi thoảng lại kể những câu chuyện hài dí dỏm khiến lũ trẻ dù khó chịu, mệt mỏi vì truyền hóa chất cũng phải bật cười khanh khách… là đủ để thấy anh tâm huyết, yêu thương bệnh nhân của mình thế nào.

Điều dưỡng Kiên tâm sự: “Với quan điểm của tôi, giống như các đồng nghiệp khác là nam, phẩm chất người điều dưỡng nữ thế như nào thì điều dưỡng nam cũng vậy. Bản thân là trưởng nhóm, mọi thứ phải chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và bác sĩ; vững về chuyên môn, chắc từ kỹ thuật nhỏ tới kỹ thuật lớn; những kỹ thuật cần tỉ mỉ khéo léo không chỉ bằng mà cần hơn các bạn nữ… mới được bệnh nhân tin tưởng.

Ai cũng vậy, khi mới vào viện đều rất hoang mang và lo lắng, họ chưa biết bệnh máu, ung thư máu là như thế nào. Những lúc này họ cần sự động viên, chia sẻ, giải thích của bác sĩ; không chỉ tư vấn chuyên môn mà còn là sự lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn; từng bước động viên, giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng, lấy lại niềm tin, trở nên lạc quan, tư tưởng thông thoáng, sống nghị lực, yêu đời hơn. Không riêng với bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, bất cứ lúc nào nếu các bố mẹ hay bệnh nhân cần tư vấn tôi đều sẵn sàng, điện thoại luôn mở 24/24. Bởi với chúng tôi, được nhìn thấy nụ cười, sự tiến triển từng ngày về sức khỏe của bệnh nhân là hạnh phúc và nguồn động lực to lớn nhất”. 

Trách nhiệm, sự tận tâm, tình yêu nghề của những y bác sĩ ấy đã đem đến mùa xuân cho biết bao người bệnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.