Điều kiện để được quản lý giáo dục tại gia đình?

Chia sẻ

Câu hỏi
Tôi có một cháu trai 15 tuổi. Do bị bạn bè xấu rủ rê nên cháu có tham gia đánh bạc dưới hình thức chọi gà. Trước đó, cháu cũng đã vi phạm quy định về điều khiển xe gắn máy. Nếu cháu bị phạt dưới hình thức đưa vào cơ sở giáo dục tại địa phương thì lý lịch của cháu có bị ảnh hưởng gì không? Xin Báo Phụ nữ Thủ đô cho tôi hỏi về trường hợp đủ điều kiện để được quản lý giáo dục tại gia đình? Xin cảm ơn!

Phạm Thị Lài (Ba Vì)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
Theo khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 áp dụng đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép”.

Theo quy định trên, nếu như trong khoảng thời gian 6 tháng mà cháu đã có lỗi trong việc đua xe trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nay lại tái phạm lần thứ ba với cùng một hành vi vi phạm thì sẽ bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường thị trấn nơi người vi phạm cư trú; Chủ tịch UBND cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đặt trụ sở.

Các trường hợp quản lý giáo dục tại gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13/11/2020 được quy định nhằm điều chỉnh một số hành vi của lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi, nhưng chưa đến mức độ xử lý hình sự:

“1. Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 5 Điều 90 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

b) Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;

c) Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.”

Quy trình để thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, được thực hiện một cách nghiêm túc và chặt chẽ. Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 90 do trưởng Công an cấp xã tự lập hoặc trên cơ sở đề nghị của một trong những người sau đây: Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở gồm: Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc và các đơn vị tương đương. Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được lập thành văn bản và gửi đến trưởng Công an xã. Người đề nghị phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin: Địa danh, ngày, tháng, năm; họ, tên và tên cơ quan, tổ chức của người đề nghị; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nhân thân của người vi phạm; hành vi vi phạm, nơi thực hiện hành vi vi phạm, lý do đề nghị, tài liệu liên quan (nếu có); chữ ký của người đề nghị. Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên thì phải tham khảo ý kiến của công chức văn hóa xã hội chuyên trách theo dõi về lao động – thương binh và xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội hoặc cộng tác viên bảo vệ trẻ em (nếu có) và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở về đặc điểm và hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên. Nếu xét thấy đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, thì Trưởng Công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cùng cấp xem quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Ngoài ra, Trưởng Công an cấp xã phải có trách nhiệm thu thập thêm thông tin về hoàn cảnh gia đình, quan hệ bạn bè và hoàn cảnh dẫn đến vi phạm; Lấy ý kiến nhận xét của nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên đang học tập, làm việc; lấy ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, trừ trường hợp người chưa thành niên được chuyển đến cơ sở bảo trợ xã hội…

Theo khoản 2 Điều 11, Nghị định 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, thì thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên thì trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Ai cũng có những sai lầm, nhưng điều cơ bản là nhận thức ra sai lầm và biết sửa chữa sai lầm. Pháp luật rất nghiêm minh, nhưng bên cạnh sự nghiêm minh đó vẫn có tính nhân văn - đó là sự giáo dục đối với trẻ vị thành niên để các cháu hướng tới sự Chân – Thiện - Mỹ. Hy vọng với sự giáo dục, phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường, cháu sẽ nhận ra những cái sai và từ đó sẽ tiến bộ hơn. Tương lai của cháu còn rộng mở ở phía trước, hãy khép lại sự dại dột, nông nổi của tuổi trẻ để hướng tới những gì tốt đẹp nhất.

Luật sư: Trần Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.