Điều kiện thành lập hợp tác xã nông nghiệp

Luật sư Trần Thu Thủy
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Gia đình tôi là gia đình thuần nông, canh tác bưởi và một số cây ăn quả với số lượng lớn. Xin hỏi nếu tôi muốn thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, gia nhập liên minh hợp tác xã nông nghiệp thì cần những điều kiện, thủ tục gì? Hình thức góp vốn để thành lập và duy trì hoạt động như thế nào? 

Phùng Thị Mến (Ba Vì)

Trả lời:
Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có hiệu lực từ 1/7/2013, việc thành lập Hợp tác xã thì cần phải có 7 thành viên thành lập, cùng có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân cũng có thể trở thành thành viên hợp tác xã. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên hợp tác xã phải là cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam. Người đại diện của pháp nhân tại hợp tác xã là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân đó. 

Thủ tục thành lập hợp tác xã, tại Điều 6 của Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 có hiệu lực từ 27/01/2014 quy định về cơ quan đăng ký hợp tác xã:

“Điều 6

1. Khi thành lập, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã phải tiến hành đăng ký tại cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dự định thành lập đặt trụ sở chính;

a) Liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đăng ký tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư;

b) Hợp tác xã đăng ký tại phòng tài chính - kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện...”

Hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo Khoản 2 Điều 13 Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 bao gồm:

“2. Hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

b) Điều lệ;

c) Phương án sản xuất, kinh doanh;

d) Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

đ) Nghị quyết hội nghị thành lập.”

Người đại diện hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 123 Nghị định 193/2013/NĐ-CP và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.

Về việc góp vốn của thành viên hợp tác xã, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/05/2014 Thông báo về việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã:

1.Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi góp vốn, mua cồ phần thành lập doanh nghiệp thì hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản theo mẫu quy định (theo mẫu) đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.
Kèm theo thông báo phải có nghị quyết của đại hội thành viên về việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã.

2. Khi nhận thông báo, cơ quan đăng ký hợp tác xã trao giấy biên nhận và bổ sung vào hồ sơ đăng ký của hợp tác xã.

Mọi hoạt động của hợp tác xã được duy trì theo Điều lệ của mình.

Việc góp vốn của xã viên hợp tác xã được thực hiện theo Điều 17 của Luật Hợp tác xã.

“Điều 17. Góp vốn điều lệ và giấy chứng nhận vốn góp

1. Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

2. Đối với liên hiệp hợp tác xã, vốn góp của hợp tác xã thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã.

3. Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 6 tháng, kể từ ngày hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.

4. Khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

b) Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình.

Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Đối với hợp tác xã thành viên thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký của hợp tác xã thành viên; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên;

d) Tổng số vốn góp; thời điểm góp vốn;

đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

5. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận vốn góp do điều lệ quy định”.

Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã. Sự hoạt động của liên hiệp hợp tác xã chịu sự điều chỉnh chung trong Luật Hợp tác xã.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.