Dở khóc dở cười chuyện phát quà của ông già Noel

Chia sẻ

Lại một mùa Giáng sinh nữa đã đến, trong nhiều gia đình, cha mẹ rục rịch chuẩn bị trang trí cây thông Noel và mua món quà theo mong ước của con. Năm nào cũng vậy, xung quanh đó là những câu chuyện dở khóc, dở cười.

Chuyện “Ông noel rụng râu” và “bà già Noel”

Trong mắt Tuấn (5 tuổi) bây giờ, ông già Noel chính là… bố cậu. Cậu phát hiện sự thật “động trời” này là do năm ngoái, khi ông già Noel đang say sưa kể chuyện về giáng sinh cho cậu thì bị “rụng râu”. Số là, khi Tuấn 3 tuổi, anh Minh – bố Tuấn đã mua một bộ đồ ông già Noel để đóng giả và phát quà cho con trai để con cảm nhận không khí giáng sinh. Trước một tháng, anh đã lên kế hoạch cho ngày lễ thật ý nghĩa với cậu con trai cưng của mình, hứa hẹn con ngoan ngoãn giúp bố mẹ dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi và không được đánh em nhỏ, ông già Noel sẽ tặng quà. Hằng ngày, anh Minh cứ nhắc đến hình ảnh ông già Noel, mở các bài hát về giáng sinh cho con nghe. Tuấn thích siêu nhân, nên lần nào bố nhắc đến quà mà ông già Noel sẽ tặng cho bạn nào ngoan và biết nghe lời cha mẹ, Tuấn đều nói muốn tặng một siêu nhân nhện.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm đó, anh Minh đứng trước cửa nhà, chìa món quà được đặt cẩn thận trong một túi hình chiếc tất mà anh kỳ công đặt cho Tuấn, dặn dò sẽ phải ngoan hơn, ăn nhiều và nghe lời bố mẹ ông bà. Đến “tiết mục” ông già Noel chơi và kể chuyện cho hai đứa trẻ thì chẳng may, râu của “ông già” bị vướng vào đồ chơi, rơi xuống. Vậy là hình ảnh ông già Noel không râu xuất hiện trước mắt Tuấn. Tuấn hét lớn: “Sao bố lại là ông già Noel thế?”. Từ đó về sau, cậu mặc định bố là ông già Noel để đòi quà.

Chồng bận công tác, mà dịch vụ tặng quà thì chưa thuê được, nên đến tận sát ngày chị Lan Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) đành phải đóng giả làm “Ông già Noel” tặng quà cho con trai đang học lớp 4. Chị Lan Anh tâm sự: Con trai tôi ngay từ đầu tháng đã bảo, con sẽ cố gắng đạt điểm cao trong kỳ thi Olympic Toán và tiếng Anh của trung tâm để được ông già Noel tặng quà. Đợt thi vừa rồi, con trai chị đạt giải cao. Vậy là cậu háo hức viết một lá thư kể về thành tích học tập của mình, đồng thời mong muốn ông tặng cho một chiếc đàn ghita nhỏ. “Khi vào vai “Bà già Noel”, tôi đã cẩn thận nói ít để con không nhận ra, vậy mà con biết đây là bà già Noel chứ không phải là ông già Noel như tưởng tượng. Thậm chí, con trai còn nói: “Sao trông bà già Noel lại giống mẹ của con thế?”. Chị phải nhanh chóng rời đi, để con không nghi ngờ, để hình ảnh ông già Noel luôn đẹp trong mắt các con chứ không phải là người thân đóng giả” – chị Lan Anh nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khóc mếu khi được… tặng quà

Mùa Giáng sinh đồng nghĩa với những ngày nhiều ông bố bà mẹ băn khoăn về câu chuyện tặng quà Giáng sinh cho lũ trẻ. Các dịch vụ đóng giả ông già Noel theo đó “ăn nên làm ra”. Nhưng câu chuyện về những ông già Noel này đã gây ra vô số tình huống dở khóc dở cười cho cha mẹ trước những câu vặn vẹo của bọn trẻ. Có bé khi ông già Noel gõ cửa, đã khóc thét lên. Có bé thay vì vui sướng khi được “ông già Noel” tới nhà tặng quà thì lại chạy thẳng vào phòng bởi thấy “ông già Noel” đi xe máy. “Con không thích ông già Noel đi xe máy. Con thích ông cưỡi tuần lộc. Con không thích quà của ông già Noel này...”. Nhìn con mếu máo làm bố mẹ cũng... mếu theo. Còn có bé vặn vẹo làm bố mẹ toát mồ hôi khi “chú Noel” không có râu mang quà tới nhà: “Ơ, đây là chú bảo vệ mà mẹ. Sao mẹ lại gửi thư của con gửi ông già Noel cho chú bảo vệ?”. Thế rồi mẹ càng giải thích, cô bé càng không tin: “Người ta bảo không có ông già Noel. Mẹ chỉ giỏi nói dối thôi!”. Có cô bé lại cương quyết: “Hay là bố mua đấy? Vì con không tin ông già Noel ở Việt Nam lại có phép thuật” sau khi thấy món quà mà mình ao ước trên xe của bố.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đừng để hình ảnh ông già Noel trở nên “nhếch nhác” trong mắt trẻ

Anh Nguyễn Hoàng Quyền, Chuyên viên tâm lý học đường, giảng viên kỹ năng sống tổ chức OpenM cho rằng, thông thường, cha mẹ nhắc đến việc ông già Noel chỉ tặng quà cho trẻ ngoan và làm được điều gì đó tốt. Ý nghĩa của quà Noel là phần thưởng cho sự nỗ lực của trẻ. Do đó, cha mẹ đều đợi đến ngày Noel để tặng một phần quà cho con, để con viết lên mong ước về món quà yêu thích mà cả năm nỗ lực trở thành cô bé, cậu bé ngoan mới có được. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người lạm dụng việc tặng quà cho con. Nhiều đứa trẻ đòi những món quà đắt tiền, không phù hợp với độ tuổi của trẻ và kinh tế của bố mẹ. Nhiều cha mẹ lại quá chiều chuộng con, con đòi gì được nấy. Điều đó khiến cho trẻ không còn coi trọng món quà để cố gắng nữa.

Không những thế, trên các nẻo đường, hình ảnh ông già Noel nhếch nhác với việc phóng xe máy tốc độ cao, hay những bộ râu gắn lệch, những cử chỉ thái độ khiếm nhã… khiến nhiều trẻ cảm thấy hình ảnh ông già Noel trở nên méo mó. Nhiều trẻ tưởng cha mẹ “lừa” chúng vì đó không phải là ông già bụng bự, râu tóc dài bạc phơ đi trên chiếc xe tuần lộc…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo anh Hoàng Quyền, cha mẹ tặng quà cho con trong ngày lễ Giáng sinh hãy đặt sự “ghi nhận” của ông già Noel cho những đứa trẻ đã nỗ lực hoàn thiện mình và là động lực để trẻ tiếp tục cố gắng. Trước ngày Noel khoảng 1 tháng, cha mẹ có thể đưa ra một nhiệm vụ để trẻ hoàn thành và nhận quà, nếu trẻ không hoàn thành thì có thể kiên quyết để món quà của trẻ thích trong năm nay sang năm sau. “Nhiệm vụ cần có ba điều kiện, một là trẻ cần có sự nỗ lực mới hoàn thành, hai là không quá khó dẫn đến sự chán nản và ba là có sự đồng thuận của trẻ. Để đạt được sự đồng thuận đó thì cha mẹ phải hiểu và biết con thích món quà gì để đưa ra nhiệm vụ tương xứng” – chuyên gia tâm lý trẻ em Hoàng Quyền cho biết.

Về vấn đề hình ảnh ông già Noel, theo chuyên gia tâm lý, hình ảnh ông già Noel này khác xa trong những câu chuyện của trẻ nhỏ. Nhiều ông bố bà mẹ cố gắng tạo cho con một món quà Noel ý nghĩa nhưng lại phản tác dụng vì bị lộ. Sau một mùa Noel, nhiều đứa trẻ trong độ tuổi “dễ bị lừa” (3-7 tuổi) đã phát hiện ra bố mẹ nói dối. Mặc dù đây là chuyện nói dối vô hại bởi ông già Noel là một biểu tượng về việc ban phát tình yêu thương. Tuy nhiên, nếu hình ảnh ông già Noel quá nhếch nhác thì cha mẹ có thể xem xét lại cách tặng quà. Cha mẹ không nhất thiết phải thuê dịch vụ chuyển quà mà có thể bỏ món quà vào trong chiếc tất, chiếc túi nào đó rồi giấu dưới ngăn bàn của con hoặc đầu giường để tạo bất ngờ. “Quan trọng là cảm giác nhận được quà chứ không phải là hình thức nhận quà” – anh Hoàng Quyền nói.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.