Độ tuổi nghỉ hưu theo chế độ mới

Chia sẻ

Tôi sinh tháng 7/1970, xin báo Phụ nữ Thủ đô cho tôi hỏi, ở tuổi của tôi đã có thể nghỉ hưu chưa? Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định như thế nào? Độ tuổi nghỉ hưu theo chế độ mới được áp dụng từ bao giờ? Những ngành nghề nặng nhọc nào thì được nghỉ hưu sớm nhưng vẫn hưởng nguyên chế độ hưu trí? Xin cảm ơn quý báo!

Câu hỏi
Tôi sinh tháng 7/1970, xin báo Phụ nữ Thủ đô cho tôi hỏi, ở tuổi của tôi đã có thể nghỉ hưu chưa? Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định như thế nào? Độ tuổi nghỉ hưu theo chế độ mới được áp dụng từ bao giờ? Những ngành nghề nặng nhọc nào thì được nghỉ hưu sớm nhưng vẫn hưởng nguyên chế độ hưu trí? Xin cảm ơn quý báo!

Nguyễn Thị Phương (Cầu Giấy)

Trả lời
Ngày 20/11/2019 Quốc Hội ban hành Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Trong Bộ luật Lao động mới này có một số thay đổi cơ bản đáng kể, ngoài những quy định mở rộng quyền lợi của người lao động, còn có quy định hoàn toàn mới - về tăng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Điều 169 Bộ luật Lao động quy định về độ tuổi nghỉ hưu như sau:

“Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Do quy định độ tuổi nghỉ hưu là một vấn đề hoàn toàn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020, quy định chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu; Theo đó, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, bắt đầu được thực hiện từ ngày 01/01/2021: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Độ tuổi nghỉ hưu theo chế độ mới - ảnh 1

Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 4, Nghị định 135/2020/NĐ-CP được thực hiện theo bảng dưới đây:

Bạn sinh tháng 7 năm 1970 thì tuổi nghỉ hưu của bạn được đối chiếu theo Phụ lục I quy định về lộ trình tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, thì tháng/năm sinh tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ, thì tuổi nghỉ hưu của bạn sẽ là 57 tuổi 4 tháng, thời điểm hưởng lương hưu là tháng 12 năm 2027.

Còn trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động, khi lao động có đủ từ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt độc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2001; người lao động bị giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc thuộc danh mục độc đặc biệt nguy hiểm và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn..

Tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo bảng kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ, tuy nhiên, cách tính tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động tại bảng này là tuổi về hưu của người lao động trong điều kiện bình thường trừ đi 5 năm.

Luật sư: TRẦN THU THỦY

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.