Đóa hoa đời
(PNTĐ) - Trước lời nói gay gắt của người đàn bà, thằng Hoàng chỉ im lặng, nó đưa tay đón lấy đứa bé gái đang khóc ngằn ngặt trên tay người phụ nữ dỗ dành...
- Mày mà đánh ngã em thì cứ liệu hồn. Tao cho nhịn cơm luôn, cũng đừng có hòng mà được ngủ ở trong nhà nữa, ra hiên mà ngủ.
Trước lời nói gay gắt của người đàn bà, thằng Hoàng chỉ im lặng, nó đưa tay đón lấy đứa bé gái đang khóc ngằn ngặt trên tay người phụ nữ dỗ dành:
- Thôi nín đi nào, nín đi rồi anh cho đi chơi. Anh bắt chuồn chuồn cho. Anh vừa thấy ở đằng kia có mấy con chuồn chuồn chúa đẹp lắm..
Con bé nghe anh dỗ dành có vẻ xuôi xuôi. Nó ngừng khóc, lấy tay quệt nước mắt rồi quàng cả hai tay vào cổ thằng bé:
- Đi bắt chuồn chuồn, đi bắt chuồn chuồn - con bé nhõng nhẽo.
Nhìn cảnh hai đứa bé, ông Trí chép miệng thở dài:
- Khổ, mấy đời bánh đúc có xương…
Ông Trí thương thằng Hoàng lắm. Là hàng xóm nhà nó mấy năm nay, ông chứng kiến cảnh nó bị dì ghẻ đối xử chả ra gì. Nhiều lần nó bị đánh chửi ông sang ngăn thì bị dì nó mắng té tát:
- Con tôi, tôi dạy, chuyện nhà ông mà ông xen vào.
Cả cái khu tập thể này ai cũng tránh va chạm với dì nó, bởi hơi tí là mụ cất cái giọng the thé lên mà chửi. Mụ chả nể nang ai bao giờ. Hễ khi nào mụ đi chợ là ông gọi thằng Hoàng vào nhà chơi, cho nó khi thì quả chuối, khi thì cái kẹo. Nhưng nó không ăn mà cất vào túi quần. Có lần ông hỏi nó, nó bảo:
- Cháu để dành cho cái Na - là đứa em cùng cha khác mẹ với nó.
Bố thằng Hoàng đi làm suốt ngày, có khi đến nửa đêm mới về, dì nó cũng đi chợ từ sáng đến tận xâm xẩm tối nên việc trông đứa em chủ yếu phó mặc cho thằng Hoàng. Không biết bao nhiêu lần ông Trí nghe thấy mụ rít lên với thằng bé:
- Mày mà đánh ngã nó thì tao giết mày!
Nghe mà sợ. Nhưng, chẳng bao giờ thằng Hoàng đánh ngã con bé cả. Nó quý em gái nó lắm. Con bé ốm đau quặt quẹo luôn. Vì con bé mà nó phải nghỉ học suốt rồi đúp lớp.
Có lần nó kể với ông Trí:
- Có hôm bị dì cháu phạt, cháu đói quá, bố cháu mới lén đưa ra cho cháu một bát cơm nguội. Thế mà dì chạy ra, giằng bát cơm, đổ ngay xuống đất. Giờ thì cháu tự giác rồi: Không được phép của dì là cháu không ăn.
Thằng bé dừng, môi phảng phất một ánh cười hóm hỉnh và hiểu biết, rồi hạ giọng thủ thỉ:
- Bác ạ, cháu ấy mà, cháu không độc ác được đâu... Thấy người tàn tật, cháu thương lắm. Một bận, cháu cho hai mẹ con người đến ăn xin hai bát cơm mà dì phạt cháu đấy ạ. Mình phải biết thương người chứ, bác nhỉ?
Những câu chuyện của thằng Hoàng luôn cuốn hút ông Trí. Ở nó luôn có vẻ già dặn và khôn ngoan. Nhưng nó không làm cho ông Trí ngại ngần vì sự khôn ngoan, lọc lõi. Nó không chai lì, không tàn nhẫn. Nó nói, nó rất quý, rất yêu cái Na, đứa em cùng cha khác mẹ, mặc dầu con bé ấy nhiều khi là cái duyên cớ để dì nó hành hạ nó.
Kể về những lần bị đòn oan, thằng bé cười nhẹ tênh:
- Nhưng mà cháu không thể ghét cái Na được, bác ạ. Xa nó một ngày cháu cũng nhớ cơ. Cháu bế bồng nó từ lúc còn đỏ hỏn. Cháu giặt giũ, tắm rửa, quấy bột, bón cơm cho nó nữa. Hồi ấy, dì cháu còn nghèo lắm. Buôn thúng bán mẹt ngoài chợ ấy mà. Về ở với bố cháu chỉ có mỗi cái ba lô rách thôi. Nhưng khá lên thì lại ki bo, độc địa lên, bác ạ. Còn cháu, cháu thấy đứa trẻ nào cũng bé bỏng. Mà giờ cháu to bự như thế này, chả nhẽ lại không nhường được em cháu?
Ông Trí bật cười đưa mắt ngắm nhìn cái đứa bé tự coi mình là “to bự”. Thật ra, nó hơi còi cọc, nhưng vẻ lam lũ chỉ thoáng qua rồi bị lu mờ ngay vì khuôn mặt trái xoan có đôi mắt sáng ngời ngợi hồn hậu, thơ ngây, lấp lánh tình yêu thương và niềm vui bất ngờ.
Thằng Hoàng hay bế em đến nhà ông Trí chơi vào các buổi chiều sau khi đã làm xong việc nhà. Nhiều hôm nó ngồi buồn xỉu, những hôm ấy mặt nó có vết tím, người bơ phờ mệt mỏi, dấu vết của những ngày phải sống trong sự thiếu yêu thương. Thường nó hay tha thẩn chơi các đồ chơi của con ông, hay giúp vợ ông làm mấy việc lặt vặt và kể chuyện. Nó thật là một đứa trẻ do hoàn cảnh thúc ép mà sớm phải biết mọi chuyện đời.
Bẵng đi mấy hôm không thấy thằng bé sang chơi, tự nhiên thằng bé đến gặp ông vẻ bí mật:
- Cháu có hai triệu, mẹ cháu mới cho, cháu gửi bác giữ hộ, không cháu lại ngứa tay tiêu mất. Mẹ cháu cho cháu cả cái bánh dẻo nữa. Nhưng không cho cháu mang về, bắt cháu phải ăn ngay tại chỗ. Hình như sợ cháu đem về cho em cháu ấy.
Ông Trí cầm số tiền gặng hỏi nó:
- Có thật là tiền mẹ cháu cho không”.
Thằng bé quả quyết:
- Thật mà bác, bác cất hộ cháu không dì cháu lại lấy mất. Tiền này cháu để dành để phòng thân bác ạ.
Nghe thằng bé nói vậy ông Trí cũng yên lòng cầm số tiền và đưa cho vợ cất vào tủ.
Hôm ấy, ông Trí vừa đi làm về thì nghe vợ nói giọng hoảng hốt:
- Thằng Hoàng nó bỏ đi rồi, ông ạ. Trưa nay nó sang đây. Nó nói cho nó xin lại hai triệu. Tôi gặng hỏi mãi, nó mới nói là nó đi lên nhà chị nó ở Yên Bái.
Ông rơi mình xuống ghế:
- Sao nó đi đột ngột thế?
- Dì nó ác quá. Bây giờ tôi nghe người ta nói, tôi mới biết. Hôm nọ, họp tổ dân phố, người ta phê bình bà ấy, bà ấy về nhà trút giận lên nó.
Hai hôm sau. Ông đang ngồi trong nhà, bỗng nghe thấy huyên náo ở dưới sân. Nhìn xuống, ông nhận ra ngay chân dung người đàn bà ấy! Bà ta đứng dạng chân, vắt hai tay lên mạng sườn móp, đầu ngỏng, vừa ngoen ngoẻn chửi vừa dẫm đôi guốc bành bạch.
- Cha cao tằng tổ phụ, ông bà ông vải đứa nào xúi giục thằng Hoàng. Bà nuôi nó từ khi còn trứng nước. Con bà đẻ ra, bà cho nó ăn một thì nó ăn hai. Nó không biết ơn thì chớ, lại còn cuỗm đi của bà hai triệu đồng.
Ông Trí giật mình khi nghĩ đến số tiền mà thằng Hoàng đã gửi vợ chồng ông. Một chút suy nghĩ thoáng qua rồi ông gạt đi ngay. Thằng bé không thể là đứa ăn cắp.
Người đàn bà chửi một lúc thì ông chồng bà xuất hiện. Ông ta lờ đờ đi đến sau lưng bà ta, nói nhi nhí cái gì đó. Lập tức, người đàn bà quay ngay lại, xỉa luôn vào mặt ông ta:
- A, ông lại còn bênh nó nữa à, tiền của tôi, tôi mất thì tôi phải xót, tôi phải chửi. Đứa nào thối mồm ra cái điều thương xót nó, có giỏi thì ra ngay trước mặt bà đây mà tranh luận thử xem nào.
- Tiền của cô đây - người đàn ông vứt ra một bọc thuốc và cái hoá đơn. Sáng tôi lấy đi mua thuốc cho con Na. Đến ngày lấy thuốc của con mà cô cũng quên à. Cô làm mẹ kiểu gì vậy?
Đến lúc này người đàn bà mới ngớ ra, mụ im bặt và đi vào nhà
Mấy bà hàng xóm lắc đầu ngán ngẩm:
- Người gì mà thế. Không sợ ác giả ác báo à.
Mấy tháng sau, ông Trí đang ở nhà bỗng có tiếng gõ cửa. Mở cửa, ông bất ngờ khi thấy thằng Hoàng dắt con bé Na. Thấy ông nó nhắc:
- Em chào bác đi! Cháu chào bác a!
Vợ ông trong nhà chạy ra, mừng rỡ:
- Hoàng đấy hả cháu? Cháu ở đâu về thế? Về từ lúc nào?
- Cháu về hôm qua. Cháu đến chào hai bác, rồi còn phải vào bệnh viện thăm dì cháu ngay đây ạ.
Vợ ông bồn chồn:
- Thế hồi này cháu ở đâu?
- Chị Yến, chị họ cháu, chị ấy ở Yên Bái. Chị ấy đưa cháu lên đấy, xin cho cháu học trường nghề. Cháu vừa làm vừa học. Lớn lên cháu sẽ xin vào trường dạy nghề trên đó. Người tốt còn nhiều lắm, hai bác ạ. Nhưng cháu mới nghe tin dì cháu bị tai nạn, cháu vội về xem thế nào. Khổ! Từ hôm dì cháu nằm bệnh viện, em cháu đâm ra bơ vơ. Bố cháu thì suốt ngày rầu rĩ, cắn rứt chẳng muốn làm gì cả. Dì cháu bây giờ nằm đấy. Bây giờ ngoài cháu ra, chả có ai chăm sóc cơm nước, cũng không có người thăm nom. Nghĩ cũng tội. Suốt đời làm người khác khổ, mà mình có sung sướng gì đâu. Lần này chắc gì qua khỏi được…
Vậy là thằng Hoàng đã trở về để chăm sóc đứa em cùng cha khác mẹ và người dì ghẻ độc ác. Nó đã tự nguyện trở về mà hoàn toàn không một chút hả hê hay ngấm ngầm thích thú trước sự rủi ro của kẻ đã gây ra bao khốn khổ cho đời mình, cũng không một vẻ dửng dưng xa cách.
Chiều hôm đó ông Trí vào viện thăm dì thằng Hoàng. Dì nó bị khá nặng. Ông thấy thằng bé đang xúc từng thìa cháo đổ cho bà ấy ăn. Thấy ông người phụ nữ khẽ chớp mắt như chào hỏi. Và từ hai khóe mắt của chị ta ứa ra những giọt nước mắt. Chắc hẳn là chị ta đang rất hối hận.
Ông ngắm thằng Hoàng thật lâu, và thầm nghĩ: Đôi khi trong đau khổ vẫn nở ra những đóa hoa đời tuyệt đẹp.