Đôi bờ

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Quang Dũng (1921- 1988) là nhà thơ chiến sĩ tài hoa, lãng mạn. Bên cạnh tượng đài bất hủ về người lính “Tây Tiến”, ông còn có bài "Đôi bờ", một sáng tác đặc sắc nhiều người yêu thích. Qua những vần thơ chan chứa cảm xúc, thi sĩ bày tỏ niềm đồng cảm, tiếc thương một tình yêu đẹp nhưng bị cách trở, phân ly.

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?

Sông xa từng lớp lớp mưa dài

Mắt kia em có sầu cô quạnh

Khi chớm heo về một sớm mai?

Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự

Bên này em có nhớ bên kia

Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến

Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề

 Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa

Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ

 Xa quá rồi em người mỗi ngã

Bên này đất nước nhớ thương nhau

Em đi áo mỏng buông hờn tủi

Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

                                      Quang Dũng

Đôi bờ - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Thi phẩm hấp dẫn người đọc ngay từ những câu hỏi tu từ liên tiếp trong đoạn mở đầu cũng như toàn bài. Chủ thể trữ tình cất tiếng hỏi người con gái dấu yêu: "Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?/ Sông xa từng lớp lớp mưa dài/ Mắt kia em có sầu cô quạnh/ Khi chớm heo về một sớm mai?" . Bạn đồng hành của tình yêu là nỗi nhớ giờ đây choán đầy tâm tưởng, cả nội tâm và ngoại cảnh đâu cũng gợi nhớ, gợi thương. Những lời thơ trên đọc lên thấy da diết buồn thương, câu đầu có nhiều (5/7) thanh bằng. Hình ảnh dòng sông xa hiện lên qua lớp lớp mưa bụi trải dài rộng xa mờ, khiến thi sĩ nhớ tới mắt người trong mộng liệu có "sầu cô quạnh" như không gian đợt heo may mỗi sớm mai về? Ngôn ngữ ở thơ dạng câu hỏi tu từ - hỏi mà không đợi trả lời - bộc lộ nỗi nhớ sâu lắng, nhất là cái rét đang đến gần: "Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự/ Bên này em có nhớ bên kia/ Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến/ Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề”. Các từ láy giăng giăng và hiu hắt gợi tả không gian mưa rộng lớn, vắng lạnh và buồn. Hình ảnh đôi bờ sông Đáy quê hương nhà thơ và bao dòng sông khác, lúc nào cũng gần nhau nhưng chẳng được giao lưu đã tương đồng, cộng hưởng với cảnh ngộ và lòng người trống vắng, yêu nhau mà chẳng được gần nhau, yêu nhưng phải sống trong cách trở, chia cắt.

Điều ấy bởi đâu và do ai? Những câu thơ tiếp một phần nói rõ điều ấy“Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề”. Bài thơ ra đời 1948, thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, khi ấy Quang Dũng vào bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, lời thơ nhắc tới bến Tề, chỉ vùng bến bên kia sông, nơi chính quyền làng xã bị Pháp chiếm đóng. Nhà thơ cũng như nhiều đôi lứa khác nữa, đẹp đôi vừa lứa nhưng phải cách trở bởi loạn ly, chiến tranh để lại bao sầu thương. Ở một chừng mực nào đó, bài thơ lên án chiến tranh khiến bao người phải sống trong bất hạnh. Hình ảnh không gian mưa bụi giăng đầy đồng điệu với lòng người càng cộng hưởng và gia tăng cấp số về nỗi buồn thương. Đôi bờ của dòng sông song hành không gặp gỡ khiến cảnh vật vắng lặng, buồn hiu hắt. Với cái nhìn lãng mạn, thi nhân thả hồn trong miền ký ức xưa, thấy ẩn hiện bóng em nói cười trong mơ: “Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa/ Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ/ Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ”. Không yêu thương, trân quý sâu nặng một người con gái, thi nhân không thể có tâm trạng ấy, cảm xúc ấy.

Theo ái nữ của ông là nhà giáo Bùi Phương Thảo, nhân vật khơi nguồn cảm hứng thơ trong bài chính là bà Bùi Thị Thạch - người yêu, sau là vợ nhà thơ, bà đã dành cả một đời hy sinh, chăm lo con cái vì sự nghiệp của chồng. Đáng nói là ẩn chứa trong lời thơ đẫm nhớ  thương ấy bao giờ cũng chan chứa một tình quê sâu lắng khiến bạn đọc càng thêm yêu quý và ngưỡng mộ Quang Dũng, một con người tài hoa nhưng cuộc đời không ít truân chuyên.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ già

Mẹ già

(PNTĐ) - Một năm trước, khi sắp kết thúc thời gian nghỉ sinh, Thoa bàn với chồng: “Mình thuê người trông con thêm đôi tháng. Em tính khi con được ngoài năm thì gửi con đi trẻ. Gần nhà mình cũng có địa điểm trông trẻ nhỏ anh ạ”.
Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

(PNTĐ) - Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới

(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.