ĐÔI DÉP

Chia sẻ

Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khăng khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia...
                                           Nguyễn Trung Kiên

ĐÔI DÉP - ảnh 1

LỜI BÌNH:
Đôi dép quen thuộc với mọi người nên dường như không ai để ý đến nó. Vậy mà bất ngờ và thú vị thay, vật bình dị này lại khơi nguồn cảm hứng cho người làm được thơ hay. Tác giả ấy là Nguyễn Trung Kiên và thi phẩm đó có nhan đề "Đôi dép".

Bài thơ gồm hai lớp nghĩa rõ rệt: lớp nghĩa thực nói về đôi dép, lớp nghĩa ẩn nói về tình cảm lứa đôi, đời sống vợ chồng. Bằng thể thơ tự do, mượn lời tâm sự với nhân vật trữ tình "em", tác giả nói về thuở ban đầu dép có nhau, cũng như anh đến với em do duyên phận: "Hai chiếc kia có gặp gỡ bao giờ/ Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/ Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/ Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau/ Cùng bước, cùng mòn không kẻ thấp người cao/ Cùng chia sẻ sức người chà đạp/ Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác”. Dùng nghệ thuật ẩn dụ, nhân hoá, tác giả thổi linh hồn vào đôi dép để biến chúng thành những sinh thể có tình cảm, nghĩ suy như con người. Hai chiếc dép trước đó chưa hề "gặp gỡ", cũng chẳng yêu nhau nhưng như duyên kiếp tiền định, chúng trở thành một đôi khi có người sở hữu. Từ đó, đôi dép luôn bên nhau như bóng với hình.

Trong đoạn thơ, điệp từ "cùng" điệp tới 5 lần, chưa kể vài chỗ ẩn đi, từ "cùng" luôn kết hợp với các động từ: gánh vác, lên, xuống, bước, chia sẻ "dẫu vinh" hay "nhục", "Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia". Các ẩn dụ liên tiếp xuất hiện như: nẻo đường, thảm nhung, cát bụi, thấp cao nói về sự gắn bó sẻ chia tất cả vui buồn, sướng khổ. Đôi dép, vật vô tri còn biết bên nhau như thế, vợ chồng sống với nhau càng phải như và hơn thế. Vợ chồng là nghĩa tào khang, đắng cay cùng chia, ngọt bùi cùng hưởng, tuy hai mà một. Không dừng ở đó, bài thơ còn nêu lên giả định: “Nếu ngày nào "một chiếc dép mất đi/ Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng".

Vợ chồng cũng như vậy, nếu chẳng may một trong hai người thiệt phận, người còn lại có tái giá hay tục huyền với ai đó thì trong lòng vẫn là sự thiếu hụt không gì có thể bù đắp, vẫn thấy thương người cũ từ trong sâu thẳm trái tim: "Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi/ Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng/ Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết/ Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu". Đoạn này tác giả dùng từ láy "khập khiễng" và trong đoạn dưới dùng “hụt hẫng”, “chênh vênh” thật tài tình vì nó khắc sâu sự trống vắng.

Đặc biệt từ “nghiêng” trong câu “Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía” thật chính xác, không chỉ nói đến sự xô lệch, mất cân bằng của cơ thể khi đi hai chiếc dép cũ - mới mỏng dày khác nhau, mà còn nói tới tình cảm của người còn lại cứ nhớ tiếc mãi người đã ra đi… Khổ thơ ấn tượng nữa trong bài là: “Đôi dép vô tri khăng khít song hành/ Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối/ Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội/ Lối đi nào cũng có mặt cả đôi”. Lối điệp cú pháp "chẳng... mà..." ở đây đã khắc sâu về sự tồn tại, gắn bó song hành của đôi dép. Lối lập luận theo phản đề trong bài thơ quả vô cùng độc đáo.

Bài thơ về đôi dép thực chất là bài thơ tình yêu ngợi ca tình nghĩa lứa đôi - vợ chồng bền chặt, thủy chung. Đó cũng là phẩm chất đáng quý trọng và ngợi ca của con người và dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.