Đồng tiền lẻ của bố

NGUYÊN AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sống bên nhau tròn 10 năm, bố mẹ bỗng dưng “muốn ở xa nhau”. Mẹ chan hòa hai dòng lệ xách vali ra nước ngoài, bỏ lại tôi ở với bố.

Cơn mưa chiều mùa đông giăng mờ lối con đường trước đây vốn có bóng ba người trong một gia đình hạnh phúc. Giờ đây gia đình thiếu đi người phụ nữ, bước chân người đàn ông và cô con gái nhỏ cứ liêu xiêu như nghiêng về một phía. Bố tôi cúi xuống, cặp mắt đỏ ngầu nhưng khóe miệng cố cười cho con yên lòng:

- Nỗi đau rồi cũng sẽ nguôi ngoai thôi con. Bố luôn ở cạnh con, yên tâm…

Hai bố con ôm lấy nhau khóc nghẹn trong cơn mưa lạnh giá. Tôi hiểu một điều rằng từ nay tôi mãi mãi chỉ còn bố. 

Có người quen đi nước ngoài về kể rằng mẹ tôi ở bên đó chơi bời trác táng, hộp đêm hay sòng bạc nào cũng có mặt điểm danh. Thắng được tiền thì lại nướng vào, hăng quá thì lại thua, thua lại cố gỡ, nợ nần chồng chất. Bố con tôi lờ đi không nghe thấy. Tôi biết ông đau lòng, không phải đau buồn cho người vợ cũ mà là đau lòng cho con gái, còn ít tuổi đã phải nghe những chuyện không hay về mẹ mình.

Đồng tiền lẻ của bố - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi động viên bố. Thương bố quá, nên tôi càng cố gắng học hành chăm chỉ. Vì nhạy cảm, vì gia đình không trọn vẹn, tôi gửi tâm hồn mình vào những trang nhật ký. Tôi yêu văn, tôi yêu tất cả những gì thuộc về văn chương. Năm ấy lên lớp 9, tôi mơ ước có một cuốn sách của tác giả nổi tiếng, thế nhưng nó lại chỉ còn một cuốn duy nhất trong cửa hiệu. Dẫu biết rằng số tiền ít ỏi của mình không đủ để mua cuốn sách đó, nhưng tôi vẫn cố xin cô chủ quầy giữ hộ, vài hôm sau có đủ tiền sẽ đến mua.

Đứng trước cửa phòng bố, tôi không dám bước tiếp, chỉ dám đứng ngoài nhìn vào. Bố gầy đi nhiều, tóc còn có vài sợi đã chuyển bạc. Người ta thuê bố quay phim nhưng chưa đến ngày thanh toán. Bố luôn là người biết tôi cần gì. Ông nở nụ cười, và đưa cho tôi một xấp tiền. Hai trăm ngàn đồng. Số tiền này đủ để mua cuốn sách kia, nhưng toàn tiền lẻ kẹp vào với nhau, tiền cũ nhưng được vuốt rất phẳng phiu.

Cảm ơn bố, tôi quay người bước đi. Từ nhà ra hiệu sách chỉ vài con ngõ nhỏ, mà tôi có cảm giác như mình đang đi bộ đến chục cây số. Từng bước chân cứ nặng trịch, nước mắt rơi tràn trên má. Số tiền này là những đồng tiền cuối cùng trong tháng này của bố, cũng chính là tiền đi chợ, mua thức ăn của hai bố con. Cầm trên tay cuốn sách được mua bằng tiền ăn mấy ngày liền của hai bố con, tôi dằn vặt mãi không thôi. Nỗi ân hận, day dứt này tôi giữ trong lòng cho đến tận bây giờ.

Đồng tiền lẻ của bố - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tốt nghiệp đại học, tôi kiếm được công việc ưng ý, đúng chuyên môn. Bố tạm yên tâm, không ngừng tự hào về con gái. Khách đến chơi nhà, gặp ai bố cũng nói về tôi như một thành công lớn của cuộc đời ông. Thế nhưng đã bao giờ tôi để bố hết lo lắng về mình đâu. Vợ chồng tôi xây nhà, thiếu thốn đủ bề. Bố thương con gái, bán luôn một chiếc máy quay phim đi, lấy được tiền, ông dành ra 5 triệu đưa tôi, nói rằng để mua sữa, mua thức ăn cho mấy đứa trẻ con.

Lại một lần nữa tôi làm khổ bố. Bố có tuổi, thu nhập chẳng còn được như trước, vậy mà vẫn hết lòng vì con. 

- Mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi bố luôn bên con

- Con yên tâm có bố đây rồi

- Không sao đâu vẫn có bố mà

Bố gửi cho tôi những đoạn tin nhắn không dấu chấm phẩy, cũng như tình yêu ông dành cho đứa con gái bé bỏng là tình cảm mãnh liệt không ngừng nghỉ, không gì ngăn cách được. Bề ngoài của ông là một người cứng nhắc, nhưng chưa bao giờ ông không xúc động, ông không lo lắng trước những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của tôi.

Vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm bạn đồng hành, những việc này với một người đàn ông không bao giờ là dễ dàng. Cũng có lúc tôi nhớ mẹ, nhưng nhìn lại, tôi lại thấy thương bố nhiều hơn. Ông không quản ngại bất kỳ việc gì để cho con có điều kiện sống và học tập ở mức tốt nhất có thể. Tôi không dám nghĩ một ngày nào đó không còn bố, tôi sẽ sống thế nào. Tôi có đau khổ, có cảm thấy như cả bầu trời sụp xuống dưới chân hay không.

Hai trăm ngàn đồng năm tôi học lớp 9, hay năm triệu khi tôi thiếu tiền đi chợ mua đồ cho con, bố đều chuyển cho tôi một cách dứt khoát, không suy nghĩ tính toán. Nếu bố có nhiều hơn, có thể ông cũng đưa cho tôi hết. Tôi luôn thấy mình quá nhỏ nhoi, quá bé dại trước tình yêu trời bể của bố mình. Đó là ơn nghĩa không bao giờ tôi trả hết được. Bao đời nay, nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi…

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.