Du lịch Hải Phòng tạo sức hút từ “food tour”

THẢO NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thành phố hoa phượng đỏ đang thu hút lượng khách rất lớn đến tham quan, trải nghiệm bằng sản phẩm du lịch độc đáo - du lịch ẩm thực (food tour). Sản phẩm này đang tạo nên trào lưu du lịch hấp dẫn các bạn trẻ với nhiều thông điệp (slogan) ấn tượng như “Cùng Hải Phòng - Lòng vòng ẩm thực”, “Đi một nơi, vô số món”…

Làm mới những giá trị cũ

Cách Hà Nội hơn 100km nên thời gian di chuyển đến Hải Phòng chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, du khách di chuyển bằng ô tô, xe khách chỉ mất hơn 90 phút là có thể “check-in” ở Hải Phòng. Có thể nói, chưa bao giờ việc đi lại giữa hai TP lại dễ dàng và nhanh chóng như hiện nay.

Tuy nhiên, trong các phương tiện giao thông, tàu hỏa vẫn đang có sức hút đặc biệt. Khác với xe khách, ô tô di chuyển vun vút trên đường cao tốc thênh thang và vắng vẻ thì tàu hỏa lại đi qua rất nhiều địa hình như đường phố, khu dân cư, cánh đồng… cho phép du khách có thể thư giãn ngắm nhìn cảnh sắc hai bên đường. Trên quãng đường di chuyển, tàu dừng lại dăm bảy phút ở một số ga chính, ga xép để đón khách, trong đó điểm dừng ở ga Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương gắn liền với câu chuyện “Hai đứa trẻ” trong tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Thạch Lam. Trải qua nhiều năm tháng, cuộc sống thời hiện đại đã khác xưa rất nhiều nhưng hình ảnh ga xép với chuyến tàu từ Hà Nội về vẫn phảng phất như trong câu chuyện mà nhiều thế hệ học sinh đã được học trong sách giáo khoa phổ thông.

Du lịch Hải Phòng tạo sức hút từ “food tour” - ảnh 1
Bánh đa cua - một trong những món phải thưởng thức của food tour

Với thế hệ 7X, 8X, tàu hỏa là phương tiện giao thông quen thuộc nhưng với các bạn nhỏ hiện nay chỉ biết đến tàu hỏa qua sách báo, tivi do lâu nay bị lãng quên trước sự phát triển lấn át của các phương tiện giao thông khác. Vì thế, vào dịp cuối tuần hay trong kỳ nghỉ hè, các gia đình có con nhỏ đều tranh thủ cho con lên tàu để đi chơi. Từ Hà Nội du khách có thể lên tàu đến nhiều tỉnh, thành như Hà Nam, Nam Định… nhưng chặng Hà Nội - Hải Phòng đến nay vẫn tấp nập nhất bởi lẽ cả hai ga chính để đón trả khách ở Hà Nội và Hải Phòng đều nằm ở trung tâm thành phố, thuận tiện để du khách trải nghiệm food tour mà không mất nhiều thời gian di chuyển. Tàu hỏa hiện nay đã thay đổi, sạch sẽ, mát mẻ, giá hợp lý và dễ đặt vé. Du khách có thể “book” vé trên trang web của công ty đường sắt Hà Nội, cùng nhiều chính sách giảm giá vé cho người cao tuổi, đặt vé tập thể… 

Theo kinh nghiệm của nhiều người, thời gian để ăn “sập” Hải Phòng là một ngày. Lựa chọn phương tiện tàu hỏa, du khách đi chuyến sớm nhất, khởi hành từ ga Hà Nội đúng 6 giờ để có mặt tại Hải Phòng lúc 8 giờ 25 phút. Rời Hải Phòng, du khách đi chuyến 18 giờ 40 và về tới Hà Nội lúc 21 giờ 6 phút. Với 10 tiếng ở đây, nếu khéo sắp xếp, du khách có thể di chuyển ra Đồ Sơn để tắm biển hoặc tham quan một số điểm du lịch quanh thành phố trước khi lên tàu về Hà Nội. 

“Gét gô - ăn “sập” Hải Phòng”

Gét gô là cách nói chệch của câu mời quen thuộc trong tiếng Anh: Let’s go - Bắt đầu thôi, đi nào và là câu cửa miệng được nhiều bạn trẻ rủ nhau đến Hải Phòng để thưởng thức ẩm thực. Food tour trở thành trào lưu sau khi dịch Covid-19 được khống chế và gắn liền với những trải nghiệm tàu hỏa của giới trẻ. Bên cạnh đó, không thể không kể đến hiệu ứng quảng bá rất tốt của mạng xã hội và các nền tảng số như facebook, tiktok đã lan truyền nhiều hình ảnh, video giới thiệu, đánh giá về ẩm thực Hải Phòng.

Du lịch Hải Phòng tạo sức hút từ “food tour” - ảnh 2
Bản đồ ẩm thực Hải Phòng - cẩm nang dành cho du khách

Trong danh sách các món ăn nhất định phải thử khi đến Hải Phòng mà các bạn trẻ truyền nhau, có tới hơn 20 món ăn từ đồ ăn mặn đến quà vặt, đồ ăn ngọt được giới thiệu. Các món ăn không tạo cảm giác quá no hay chắc bụng nên du khách có thể dùng vào bữa sáng, bữa trưa, bữa xế trong ngày. Tùy vào sở thích, nhu cầu mỗi người tự thiết kế food tour riêng của mình. Với các bạn trẻ, có thể là  bún cá cay, bánh mì cay, bánh bèo, hải sản, chè dừa dầm hay cà phê cốt dừa... Với các gia đình có con nhỏ, nem cua bể, bánh đa cua, bánh mỳ que, nem chua… là sự hợp lý. Nếu muốn thưởng thức “vị” biển, du khách có thể chạy xe nối tuyến từ thành phố thêm 30km nữa là đã có mặt tại Đồ Sơn, thưởng thức hải sản bên bờ biển sóng vỗ ì oạp… Đặc biệt, đa phần là các món ăn đường phố, bình dân nên giá thành hợp lý, từ vài ngàn đồng cho một chiếc bánh mỳ que đến vài chục ngàn. Vì thế, chỉ cần dăm trăm ngàn là du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn ở đây. Theo kinh nghiệm được truyền miệng, du khách chỉ cần mang theo “chiếc bụng đói” đến Hải Phòng để thưởng thức trọn vẹn ẩm thực phong phú của thành phố biển và mang về cảm nhận khó quên. 

Food tour trở thành trào lưu, nhiều quán ăn bình dân ở Hải Phòng rất đông khách nhưng theo đánh giá của các thực khách thì không có tình trạng chen lấn, chặt chém, trái lại du khách xếp hàng chờ đến lượt. Tuy nhiên, cái hay của ẩm thực đường phố Hải Phòng là có một số quán ăn chỉ dân địa phương mới biết, du khách các nơi ít hoặc không biết đến và thường bán một số giờ nhất định. Trong đó, có những món “độc” mà du khách khó có cơ hội thưởng thức ở một nơi khác; thậm chí ngay ở Hải Phòng cũng chỉ còn vài quán bán món ăn này mà thôi như giá bể xào, cháo khoái. 

Giá bể là loài nhuyễn thể sống vùi dưới lớp cát trên bãi biển, trông giống như cây giá đỗ. Giá bể có vị ngọt, thơm đặc trưng của hải sản nhưng qua cách chế biến khéo léo của các đầu bếp tạo thành món ăn ngon, đậm đà, hòa quyện giữa vị giòn ngọt của giá bể với nước sốt sánh mịn có vị chua cay mặn ngọt cân đối. Tại Hải Phòng, giá bể bán ở vài nơi như chợ Lương Văn Can, phố Dư Hàng… Tương tự là món cháo khoái - món cháo sườn bột được tạo màu xanh từ lá rau ngót hoặc lá dứa xay nhuyễn. “Topping” (đồ ăn kèm) của bát cháo không phải là quẩy, ruốc, sườn sụn như thường thấy mà là đỗ xanh tán nhuyễn xắt mỏng và hành tím thái nhỏ phi thơm vàng ruộm. Bát cháo khoái - thứ quà chiều ở chợ Cột Đèn, chợ Bốt Tròn mang vị ngọt của nước xương ninh, vị thanh mát của rau ngót, vị bùi của đỗ xanh không thể lẫn với bất kỳ loại cháo nào khác. 
Không phải là món ăn “độc” nhưng chí chương - một loại gia vị “độc” của riêng Hải Phòng đã góp phần làm nên sức hút cho các món ăn đặc trưng của Hải Phòng như bánh mỳ cay, bánh đa cua, bún cá cay. Chí chương về cơ bản giống như tương ớt nhưng có vị cay đậm, sánh và thơm hơn. Thiếu chí chương, các món ăn trên sẽ khó tròn vị bởi lẽ, chữ cay xuất hiện trong món bánh mỳ cay, bún cá cay được bắt nguồn từ chí chương mà ra.

Du lịch Hải Phòng tạo sức hút từ “food tour” - ảnh 3
Điểm check-in của nhiều du khách khi đến Hải Phòng

Đưa food tour trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Hải Phòng

Nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, TP Hải Phòng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng du lịch mới để xây dựng food tour thành sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc. Để giữ tiếng thơm cho food tour, đồng thời để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng với việc phối hợp quảng bá qua nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội, hội nhóm du lịch, mới đây, Sở Du lịch Hải Phòng đã công bố bản đồ ẩm thực trực tuyến và bản in phát miễn phí tại ga Hải Phòng cho du khách. Bản đồ được thiết kế hiện đại, mỗi nhóm món ăn được xếp theo chủ đề: Quà sáng, món ăn trưa, món ăn cho bữa xế, quà mang về nhà… Đi kèm với đó là các cửa hàng, địa chỉ, thời gian phục vụ giúp du khách dễ lựa chọn hàng quán theo khẩu vị, khu vực. Những quán ăn được lựa chọn giới thiệu với du khách đáp ứng tiêu chí: Thơm ngon, được người địa phương công nhận và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Du lịch Hải Phòng sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành để xây dựng tuyến xe điện chở khách từ ga tàu tới các hàng ăn với giá phải chăng. Ngoài ra, trước tình trạng đông khách thưởng thức, TP Hải Phòng sẽ bố trí công an mặc thường phục để đảm bảo an ninh trật tự tại các địa chỉ nổi tiếng mà vẫn tạo cảm giác thoải mái cho du khách.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.