Du lịch văn hoá, khám phá di sản nội đô “hút” khách

Chia sẻ

Dù việc “xê dịch” trong thời điểm hiện nay bắt buộc du khách phải tuân thủ các quy định phòng dịch nhưng không làm giảm niềm đam mê khám phá, trải nghiệm của những người yêu thích du lịch. Ngược lại, nhiều tour tuyến mới được giới thiệu, được du khách hưởng ứng góp phần làm cho hoạt động du lịch tại Hà Nội trở nên sôi động, là tín hiệu cho thấy ngành kinh tế “xanh” đang dần phục hồi rất nhanh.

Những trải nghiệm mới của du lịch nội đô

Trong khi nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay ở khu vực ngoại thành đã kín phòng trong những ngày cuối tuần để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, khám phá thiên nhiên rộng lớn của du khách, thì ở nội thành, hoạt động du lịch cũng có sự khởi đầu tốt đẹp với nhiều sản phẩm được thiết kế đặc sắc, hấp dẫn, mang lại cho nhiều du khách những trải nghiệm thú vị, khác hẳn với cách thức tổ chức du lịch truyền thống trước đây.

Trong khi những chuyến đi xa chưa thực hiện được do các đường bay chưa phục hồi hoàn toàn thì du lịch nội đô là sự thay thế hợp lý. Đặc biệt, với thành phố “sở hữu” kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể mang nhiều giá trị tầm quốc tế như Thủ đô Hà Nội thì những sản phẩm du lịch văn hoá nội đô với sự đầu tư công phu luôn để lại những dấu ấn, có sức cuốn hút mạnh mẽ với du khách. Điển hình là tour bộ hành tham quan kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội của công ty lữ hành Hanoitourist và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện với chuyến đi không cần chuẩn bị quá nhiều, không tốn kém chi phí cho việc vận chuyển, du khách vừa thảnh thơi dạo phố vừa khám phá nét kiến trúc đặc sắc, lĩnh hội nhiều kiến thức lịch sử của các công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn và tòa Nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ).

Vẻ đẹp cầu Long Biên vào mùa thuVẻ đẹp cầu Long Biên vào mùa thu

Sau tour đi bộ, tour đạp xe tìm hiểu nét đẹp văn hoá của Thủ đô cũng được nhiều người quan tâm. Trên phương tiện giao thông vốn rất quen thuộc với người dân Thủ đô từ thời bao cấp, đạp xe quanh Hà Nội không chỉ là cách thức rèn sức bền, tập thể thao mà trên hành trình dài hơn 40km, du khách đi qua nhiều địa danh nổi tiếng của TP, dừng xe tại các địa điểm để được nghe những câu chuyện, thông tin thú vị liên quan, hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hoá của những di sản. Đặc biệt, câu chuyện được kể lại không phải qua hướng dẫn viên, nhà nghiên cứu mà được truyền thụ bởi người dân bình thường, những người “sống cùng di sản” một cách chân thực, gần gũi. Tour xe đạp thể thao có tên gọi là “Một ngày khác lạ giữa lòng Hà Nội quen”, song thực chất đó là một ngày “sống chậm” cùng thành phố di sản. Những danh thắng mà đoàn khách 10 người (nhằm đáp ứng tiêu chí an toàn phòng dịch) đạp xe qua là cầu Long Biên để nghe những câu chuyện ít biết ẩn giấu trong từng nhịp, từng vòm, từng chiếc đinh ri-ve giữ cho cây cầu hiên ngang nằm vắt qua sông Hồng suốt hơn 100 năm; qua những bờ bãi xanh ngút ngàn, khám phá một góc Hà Nội thật khác, hoang sơ, trải rộng phía sau con đê dài mà thường ngày, người dân nào cũng đi qua nhưng cuộc sống tấp nập, bộn bề không cho phép dừng lại để tìm hiểu. Đó là không gian trăm tuổi của làng Kẻ Vẽ (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) và tìm hiểu về truyền thống hiếu học của ngôi làng có nhiều người được phong tiến sĩ nhất nhì Việt Nam; Gặp gỡ, trò chuyện với một nhà trí thức là cựu học sinh của trường trung học Albert Sarraut (nay là trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) để lắng nghe, cảm nhận những câu chuyện sống động về các thay đổi mang tính lịch sử của TP; Ghé thăm ngôi nhà đặc biệt là bối cảnh chính trong bộ phim “Trở về giữa yêu thương” và “Phố trong làng”; ăn trưa trong không gian ấm cúng, chân thật, tràn đầy tình người tại gia đình bác Nguyễn Bảo.

Với chương trình du lịch được chọn lọc kỹ các nội dung trải nghiệm, giá thành tour cho một ngày trải nghiệm không rẻ (1,3 triệu đồng/người) nhưng các đoàn khách khá hào hứng, kể cả với những người đã từng có nhiều kinh nghiệm rong ruổi ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển. Tour khám phá Hà Nội nói chung sẽ không khiến du khách phải đối mặt với nắng cháy mưa sập, với những hành trình dày đặc và vội vã mà thiên về trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu về kiến thức lịch sử, văn hoá, xã hội của mảnh đất giàu truyền thống. Sự đan xen giữa hoạt động thể thao (đi bộ, đạp xe) với trải nghiệm trong thời điểm cuối thu đầu đông là hợp lý để du khách cảm nhận vẻ đẹp khác của Hà Nội và “đổi món” cho hoạt động du lịch.

Sau gần 20 năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội, chị Đoàn Bảo Ngọc ở chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân đã thốt lên: “Tôi đã bỏ quên thành phố cho đến khi tôi dành thời gian để đi khám phá Thủ đô. Có những góc phố hay công trình quen thuộc mỗi ngày đi qua mà nhắm mắt cũng có thể đọc tên lại là nhân chứng lịch sử chứng kiến rất nhiều những câu chuyện đời, chuyện người của biết bao thế hệ”. Rong ruổi trên chiếc xe đạp qua những bãi chuối bờ ngô, những ngôi làng cổ với các mái nhà lợp ngói rêu phong, ở tuổi ngoài 45, chị Ngọc như tìm về tuổi thơ, về ký ức của năm tháng ấu thơ cùng gia đình.

Phát huy giá trị khu phố cổ

Sau các tour đi bộ, đạp xe khám phá Hà Nội cùng với các chương trình trải nghiệm đã được thực hiện thành công tại Nhà tù Hoả Lò, Hoàng Thành Thăng Long, trong tháng 11, những sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của thành phố, nhất là khu phố cổ Hà Nội được giới thiệu với du khách. Mới đây, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội, công ty lữ hành Hanoitourist tổ chức khảo sát các điểm di tích, di sản quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội.

Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất của Hà NộiÔ Quan Chưởng - cửa ô duy nhất của Hà Nội

Là di sản quốc gia đặc biệt, khu vực hồ Hoàn Kiếm lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến như: đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Tháp Rùa; Đền thờ vua Lê, đình Nam Hương, tháp Hòa Phong, tượng đài vua Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhà hát Lớn… Tất cả những di tích, danh thắng này đều nằm trong khu vực lõi của quận Hoàn Kiếm, kết nối khu phố cổ và khu phố cũ. Trong đó, riêng khu phố cổ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội; “sở hữu” kho tàng giá trị vật thể đặc sắc gồm 121 di tích (có 25 di tích đã được xếp hạng Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… cùng 50 đình thờ tổ nghề như đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, đình Tú Thị.

Bên cạnh đó, khu phố cổ cũng chứa đựng nhiều giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như: các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân, ẩm thực, các hoạt động vào những buổi tối cuối tuần, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống như: ca trù, hát xẩm…; Những lễ hội truyền thống như lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ hội kim hoàn 5 năm một lần… góp phần tạo dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Trong những năm qua, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ luôn thu hút 2/3 du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ) cùng các điểm di tích nổi tiếng của phố cổ Hà Nội như: đình Đồng Lạc, đền Quan Đế, đình Kim Ngân, ngôi nhà Di sản đã trở thành điểm đến của các du khách để thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động văn hóa như triển lãm, trưng bày, biểu diễn ca trù, chầu văn, giới thiệu làng nghề tại các điểm di tích, di sản.

Thích ứng với tình hình dịch bệnh trong giai đoạn mới, cùng với việc duy trì các hoạt động thường niên, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với công ty lữ hành Hanoitourist xây dựng nhiều sản phẩm, tour du lịch mới bằng xe điện, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng cư dân để tăng tính trải nghiệm truyền cảm hứng và tình yêu Hà Nội cho du khách. Dự kiến, trong tháng 12, sẽ có 1 - 2 sản phẩm mới đặc sắc, độc đáo và khác biệt cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan khu phố cổ Hà Nội.

Tháng 11, du lịch nội địa có nhiều lựa chọn
Sau một thời ngắn “khởi động”, từ tháng 11, một loạt các tỉnh, thành trong cả nước “mở cửa” cho du khách, không giới hạn khách nội tỉnh, nội thành như trước đây. Tại tỉnh Bắc Giang, sau khi đón đoàn khách đầu tiên từ Hà Nội đi theo hình thức tour khép kín mới với chủ đề “Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật hoàng” sẽ có nhiều tour an toàn được triển khai như sản phẩm trải nghiệm du lịch sinh thái nông thôn tại vùng cây ăn quả Lục Ngạn, tour du lịch bằng xe tự lái (caravan) kết nối Hà Nội - Lạng Sơn - Bắc Giang, hành trình khám phá di sản Bắc Ninh - Bắc Giang - Hải Dương… Tại tỉnh Hà Giang, Hiệp hội Du lịch Hà Giang phối hợp tổ chức đoàn xe du lịch caravan Hà Nội - Hà Giang mùa hoa tam giác mạch đi qua những cung đường và điểm đến nổi tiếng như Vị Xuyên, dốc Thẩm Mã, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, sông Nho Quế…

THẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.