Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em:

Đừng bao giờ “làm ngơ”

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hành trình bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục cũng như hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân chắc chắn còn nhiều gian nan, vất vả, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó có vai trò của chính những bậc làm cha, làm mẹ…

Nỗi đau còn mãi…

Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) từng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bé gái 10 tuổi bị xâm hại tình dục ở một huyện ngoại thành Hà Nội kể, để đưa vụ án này ra trước pháp luật, chị đã cùng đồng nghiệp của mình mất ròng rã 7 tháng trời đi tìm công lý cho nạn nhân. Kết quả của những tháng “chiến đấu”, yêu râu xanh đã phải trả giá bằng mức phạt Chung thân cho tội danh Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Lần đầu tiên đến gặp gia đình cháu bé, chị cùng các đồng nghiệp và nhà báo lúc đó đã vô cùng xót xa trước tình cảnh của cháu bé: Một bên cánh tay bị gãy phải băng bó, những vết bầm tím trên cơ thể, đôi mắt sưng húp vì bị đánh đập… Từ một cô bé hoạt bát, năng động, cháu bé trở nên sợ hãi, nhút nhát, không dám tiếp xúc với ai. Bố mẹ cháu bé phải nghỉ làm để theo dõi, chăm sóc con gái, đồng thời gõ cửa hết các nơi để tìm công lý cho con. Lần ấy, khi nhà báo muốn công khai vụ việc trước công chúng, mẹ cháu bé vừa khóc, vừa nói: Từ ngày con gái bị xâm hại tình dục, gia đình chị chịu rất nhiều điều tiếng. Các em của cháu đi học cũng bị bạn trêu đùa. “Tôi sợ nếu viết báo, cuộc đời của cháu sẽ có vết nhơ…” – chị nói. Phải thuyết phục rất nhiều, mẹ cháu bé mới đồng ý đưa vụ việc ra ánh sáng, trong đó, phải đảm bảo giữ kín thân nhân của cháu bé.

Đừng bao giờ “làm ngơ” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vụ việc cháu bé bị xâm hại đã được cơ quan điều tra xử lý, thay đổi tội danh từ “Dâm ô người dưới 16 tuổi” thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, đồng thời, tên yêu râu xanh cũng bị tuyên án tù Chung thân. Công lý cho cháu bé đã được thực hiện, nhưng có lẽ, nỗi đau về thể xác và tinh thần của cháu vẫn còn tồn tại dai dẳng…

Tại một buổi tọa đàm về phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, khi kể về quãng thời gian thơ ấu đầy nước mắt của mình, H.T – một nạn nhân bị bạo lực tình dục từ năm 13 tuổi nghẹn ngào kể: “Đó là một tuổi thơ đầy nước mắt và sự tủi nhục. Em bị lợi dụng bởi một người anh họ. Sau những lần bị xâm hại, em đều rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi vì không biết làm cách nào để diễn đạt nỗi đau của mình. Nhiều lần bị quấy rối và xâm hại, em mới biết hành động đó được quy định trong pháp luật và kẻ gây ra sự việc đáng bị trừng trị, nhưng cũng không biết phải diễn đạt thế nào cho bố mẹ hiểu…” – T nói. T đã âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần đó cho đến khi vào đại học, rời xa quê hương xuống Hà Nội học tập, sinh sống… 

Tại một phiên tòa xét xử vụ án Hiếp dâm trẻ em và Giao cấu với trẻ em, chị T – mẹ nạn nhân kể, chị biết việc con gái bị xâm hại khi phát hiện con đã có thai. Hỏi ra mới biết, con gái chị bị một người họ hàng đã 68 tuổi xâm hại trong suốt hơn 1 năm trời. “Lúc đó, tôi thấy bụng cháu to hơn bình thường. Đi khám, bác sỹ bảo con gái tôi có thai 26 tuần mà tôi sốc không thể tin nổi, ngất lịm tại chỗ. Con mình ngoan chứ có hư hỏng gì đâu mà ra nông nỗi này…” – chị T rơm rớm nước mắt. 

Khi chuyện vỡ lở, vì là người trong dòng họ, nên ban đầu, chị chấp nhận giải quyết mọi chuyện một cách ít ồn ào nhất có thể, rồi tìm cách đưa con đi đâu đó một thời gian để sinh nở, lấy cớ là đi chữa bệnh. Quãng thời gian chăm sóc con chửa đẻ, gia đình tên yêu râu xanh kia còn tung tin con gái chị hư hỏng, dụ dỗ đàn ông dẫn đến có bầu. Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng, chị làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Cơ quan công an lấy lời khai, giám định ADN. Trước các chứng cứ sắc bén, cơ quan công an quyết định khởi tố vụ án Hiếp dâm trẻ em và Giao cấu với trẻ em với tên yêu râu xanh này. 

Chị T cho biết, vừa chăm con chửa đẻ, vừa theo đuổi hành trình đòi công lý cho con là những ngày tháng u ám của chị. Con gái còn nhỏ dại, chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, nên không khóc lóc, phàn nàn câu gì trong thời gian chờ ngày làm mẹ bất đắc dĩ. Vốn đã ít nói, con bé càng khép nép, trầm tính hơn. Bạn bè, thầy cô đến thăm, em đều trốn trong nhà không chịu ra gặp. “Nó thậm chí còn không biết bồng con, cũng không chịu bồng con. Tối nằm ngủ, nó ôm gối quay ngược đầu lại, không chịu nằm cạnh thằng bé” – chị T kể. Sau phiên tòa xét xử, chị T đã làm thủ tục cho người nhận đứa bé (lúc đó được 6 tháng tuổi) làm con nuôi ở một nơi xa để cháu bé lớn lên không phải nghe người ta xì xào và nó có tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác, đồng thời, cũng là để cho con gái có một tương lai mới không còn nỗi đau và ám ảnh bị xâm hại từ tuổi thơ.

Đừng để con trẻ bơ vơ

Nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều. Thế nhưng, không phải người mẹ nào cũng biết cách dạy con nhận diện kẻ xấu để con phòng tránh. Kẻ xâm hại không chỉ có người ngoài mà còn chính là người thân trong gia đình.

Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, ai cũng có vai trò trong việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất, là lá chắn bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ. Cha mẹ hãy luôn tin tưởng, đồng hành cùng con, tìm hiểu tâm lý của con để biết được con đang gặp các rủi ro gì. Đặc biệt, hãy hướng dẫn con trẻ và để con biết rằng cơ thể con bất khả xâm phạm, kể cả người thân nếu con không muốn. Nếu có vấn đề gì, con hãy kể ngay với những người mà mình tin tưởng.... “Nếu chẳng may con em mình bị xâm hại tình dục, chúng ta cũng không thể thỏa hiệp mà phải đương đầu, phải trình báo để các cơ quan chức năng vào cuộc bắt kẻ thủ ác, đó cũng là cách bảo vệ con mình và cũng bảo vệ để không có trẻ em nào khác nữa bị xâm hại tình dục” – bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh.

Đừng bao giờ “làm ngơ” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia tâm lý, để nhận diện kẻ xâm hại, cha mẹ cần dạy con về những rủi ro mà trẻ dễ gặp phải trong cuộc sống, như có thể thay từ “xâm hại tình dục” bằng “xâm hại cơ thể” cho các con dễ hiểu. Đó đơn giản là “những hành vi động chạm đến con mà con không cảm thấy thoải mái, thấy khác thường, cảm thấy không đúng đắn…”. Cha mẹ hãy bắt đầu dạy con về “Phát hiện và tránh môi trường nguy hiểm” như nơi vắng vẻ, khó phát hiện, khó kêu la và quan trọng là “khó có người trợ giúp”… Đồng thời, cha mẹ hãy cảnh báo con về việc, kẻ xâm hại có thể là người tốt hoặc xấu, họ có thể là người lạ hoặc là người mà con biết và tin tưởng, nhưng đều có điểm chung là “phải chọn môi trường nguy hiểm” mới có thể thực hiện được những điều không tốt. Vì vậy, điều con cần luôn nhớ là tránh xa những môi trường nguy hiểm để giảm nguy cơ nhiều nhất bị xâm hại tình dục…

Có một thực trạng đang diễn ra phổ biến là tuy rất nhiều vụ việc đã được trình báo và tố tụng, nhưng sau đó lại có xu hướng chìm đi hoặc kéo dài, khiến cho gia đình và nạn nhân cảm thấy nản chí và không muốn tiếp tục. Chia sẻ về vấn đề này, luật sự Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Đối với trường hợp những sự việc kéo dài, nguyên nhân chủ yếu là do trình báo chậm trễ. Nếu không trình báo sớm thì việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Một số trường hợp gia đình không phối hợp trong quá trình điều tra vì họ không đủ tin tưởng để hợp tác và cũng có thể do họ bị đe dọa không được khai báo, trình báo, hoặc nạn nhân có thể có những thay đổi tâm lý, không muốn hợp tác điều tra. Nhưng nếu im lặng, nạn nhân có thể tiếp tục bị xâm hại. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người tố tụng cũng phải nâng cao hơn nữa thì mới có thể hỗ trợ tốt nhất cho nạn nhân và gia đình”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.