Giá như ngày đó bố mẹ bao dung với con...!

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thấy đứa con gái ngơ ngẩn ngồi bên cạnh nhưng ánh mắt lại da diết nhìn vào mấy đứa trẻ đang nô đùa trước mặt, lòng bà chua xót, bất giác đưa tay lên vuốt tóc con, miệng thì thầm “giá như ngày đó gia đình bao dung với con thì có lẽ cuộc đời con không đau khổ như thế này…”.

Tôi tình cờ gặp bà trong chuyến du xuân đầu năm, hôm đó bà dẫn theo cô con gái đến các điểm thờ tự để lễ Phật cầu an. Bà nói, mấy năm nay, cứ đầu năm là bà dẫn con gái đi lễ Phật những mong Phật chứng giám lòng thành mà mở đường chỉ lối cho một ngày nào đó con gái bà tỉnh táo lại, tìm được đứa con bị thất lạc. 

Cách đây gần chục năm về trước, Hồng - con gái bà vốn dĩ đã có thể có một tương lai tươi sáng. Nó là đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi, trúng tuyển mấy trường đại học vào loại top đầu. Hồng chọn học trường Đại học Ngoại thương, tốt nghiệp loại giỏi. Vừa ra trường đã có một doanh nghiệp nước ngoài mời về làm việc với mức thu nhập rất tốt. Cả gia đình bà tự hào về con gái, cứ nghĩ tương lai của con như thế là đã sáng lạng, chỉ cần tìm được người chồng xứng đôi là mọi thứ hoàn mỹ. 

Giá như ngày đó bố mẹ bao dung với con...! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ai ngờ, đi làm được một năm, Hồng yêu rồi vướng vào lưới tình của một người đàn ông có gia đình. Khi ông bà biết chuyện thì con gái đã mang thai và bị vợ của người đàn ông đó tìm đến đánh ghen ầm ĩ. Bao đời nay, gia đình ông bà được tiếng gia giáo nên chuyện con gái không chồng mà chửa, làm kẻ thứ ba chen chân vào phá hạnh phúc người khác là một nỗi nhục lớn. Quá tức giận, ông bà bắt con gái đi bỏ thai, chấm dứt quan hệ với người đàn ông đó ngay lập tức.

Chuyện chấm dứt tình cảm ngang trái, Hồng làm theo ý bố mẹ được, nhưng việc bỏ cái thai thì không thể theo ý họ. Cô vẫn muốn sinh con ra để sau này bạn trai vì con mà quay lại đoàn tụ với hai mẹ con. Bởi trong suy nghĩ của Hồng, việc hai người chia tay nhau bây giờ chỉ là tạm thời, để người yêu có thời gian giải quyết chuyện gia đình ổn thỏa,  và chờ bố mẹ nguôi giận. Do đó, cô đã nói tuổi thai không thể phá được nữa, bắt buộc phải sinh con. Nếu họ cứ ép phá bằng được thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh nở sau này của cô. Thế là việc ép con gái bỏ thai đã không thể thực hiện theo ý của ông bà. 

Vì danh dự của gia đình, chồng bà không để con gái không chồng mà chửa, sinh con hoang sống trong nhà, ông bắt Hồng ra ngoài thuê nhà ở đến khi sinh con xong, cho người khác làm con nuôi rồi mới được về nhà.  

- Nó vẫn nghĩ sinh đứa bé ra rồi thì người đàn ông kia sẽ ly hôn để đoàn tụ với hai mẹ con nó. Nhưng sự thực là người đàn ông đó vẫn không thèm ngó ngàng đến hai mẹ con nó. Cú sốc đó cộng thêm sự cứng rắn từ gia đình, nó đành mang con cho người khác nuôi. Chúng tôi cứ ngỡ sau đó cuộc sống của con sẽ trở lại bình thường, ai ngờ… - bà xót xa nói. 

Giá như ngày đó bố mẹ bao dung với con...! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi hỏi bà đứa bé dù sao cũng là cháu ngoại của họ, sao ông bà không nghĩ đến tình máu mủ mà giữ cháu, lại ép Hồng cho con đi làm con nuôi? Bà bảo trong thâm tâm vẫn muốn nuôi cháu nhưng vì người chồng quá cố chấp không cho con mang cháu về nhà, phần bà không muốn cuộc đời sau này của con gái lận đận vì đứa con ngoài giá thú này. Vả lại gia đình nhận nuôi kia hiếm muộn, tha thiết muốn nhận con nên họ nghĩ cháu đến đó làm con cũng được sống tử tế. Gia đình đó sau khi làm hết thủ tục nhận con nuôi xong thì cắt đứt liên lạc với Hồng vì không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư sau này. 

Cho con rồi, Hồng cũng không quay về nhà sống cùng bố mẹ, vẫn thuê nhà sống bên ngoài. Cô cũng vài lần thử níu kéo tình cảm với người đàn ông kia nhưng anh ta kiên quyết rũ bỏ quá khứ với cô khiến cô càng hụt hẫng. Cuộc sống của cô bó hẹp lại sau những biến cố cuộc đời. Dù không nói ra nhưng Hồng có phần oán hận mẹ đã ép mình phải mang con cho người khác nuôi. Cô chỉ về thăm bố mẹ những lúc cần thiết rồi nhanh chóng quay về căn nhà thuê.

Bà bảo con gái đi làm rồi về co mình trong thế giới riêng, không yêu đương với ai nữa, cũng chẳng ra ngoài gặp gỡ bạn bè nhiều như trước đây. Dần dần, gia đình phát hiện ra tinh thần của Hồng có vấn đề, đi khám thì bác sĩ bảo cô bị trầm cảm nặng, những dấu hiệu của bệnh tâm thần đang xuất hiện. Hồng buộc phải nghỉ việc để chữa bệnh.

Bây giờ, ông bà mới bỏ qua sĩ diện đón con gái về nhà chăm sóc và chữa bệnh. Những ngày đưa Hồng đến bệnh viện để chữa trị, nhìn con ngơ ngẩn như những bệnh nhân tâm thần khác, lòng bà như xát muối. Hồng càng ngày càng nhớ đến đứa con mình đã cho đi, có những lúc cô phát điên vì ám ảnh tội lỗi của một người mẹ sinh con ra mà không nuôi được con. 

Đến lúc này, gia đình bà mới nhận ra sự trầm trọng của vấn đề, họ tìm kiếm tung tích gia đình đã nhận nuôi đứa cháu những mong xin lại con cho Hồng; hoặc ít ra xin để Hồng gặp gỡ con rồi yên tâm chữa bệnh. Nhưng dò hỏi bao nhiêu cũng không tìm lại được gia đình ấy nữa, mọi nỗ lực gần như bằng không khi có người bảo gia đình ấy đã ra nước ngoài định cư.

Giá như ngày đó bố mẹ bao dung với con...! - ảnh 3
Ảnh minh họa

Bệnh của Hồng ngày càng tệ do tâm thần liên tục bất ổn, ông bà rơi vào cảnh già cả chăm con gái bệnh tật, tâm cũng bất ổn theo tình trạng bệnh của con. Sự hối hận thường trực trong lòng ông bà nhưng chẳng thể làm gì khi mọi thứ đều đã muộn. Nhìn tương lai đứa con gái mỗi ngày càng chìm trong sự u uất, bà nghĩ đó là quả báo mà ông bà phải chịu. Để giải bớt nghiệp, bà thường dẫn con gái đi chùa cầu an, cố gắng làm việc thiện để tích đức. 

Gần một năm nay, bệnh tình của Hồng có chút thuyên giảm nhưng vẫn chưa thể trở lại hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Thế giới của cô vẫn chỉ quẩn quanh trong căn phòng nhỏ, bên mấy con búp bê. Mỗi lần theo mẹ đi ra ngoài thì chỉ nhìn chằm chằm vào mấy đứa nhỏ. Bà biết Hồng đang thương nhớ đứa con đã cho đi, bị cảm giác tội lỗi bỏ con cứ ám ảnh dày vò. Làm mẹ, bà thấu hiểu điều đó hơn ai hết, chỉ có điều những lúc cần bảo vệ con, bảo vệ cháu nhất thì bà đã bỏ lỡ để rồi vô tình đẩy cuộc đời con vào bi kịch sâu hơn. 

Tôi nhìn cô gái trẻ xinh đẹp, tương lai còn dài phía trước mà thầm mong những nỗ lực chạy chữa cho con gái của ông bà sẽ có kết quả. Kể ra câu chuyện của bà để nói rằng trong cuộc sống ai cũng có lúc sai lầm, nhất là con cái. Lúc đó, gia đình, bố mẹ, người thân là tấm khiên, là pháo đài để chở che, bảo vệ để con quay về nẻo thiện, làm lại cuộc đời nếu sa ngã. Sự bao dung của bố mẹ bấy giờ rất cần thiết hơn là sự nghiêm khắc độc đoán chỉ vì sự sĩ diện với xã hội, sự cố chấp ích kỷ bởi cái tôi cá nhân.

Gia phong gia đình rất quan trọng nhưng không có nghĩa đặt hết tương lai, lợi ích của con cái mình xuống, bất chấp mọi hậu quả con cái phải gánh chịu sau đó. Bởi con cái sống không hạnh phúc thì cha mẹ cũng chẳng thể sống cuộc đời yên ấm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.