Giữ lấy anh em
(PNTĐ) - Thế là đã mấy tháng, tính từ trước Tết, Giang không về nhà. Mặc dù từ chỗ cô làm việc và ở trọ về quê chỉ vài chục cây số. Nhưng Giang không hề muốn trở về.
Mẹ liên tục gọi điện và mắng. Trước Tết thì tỉ tê con gái, năn nỉ ỉ ôi cô về bằng được. Sau thấy không suy suyển được Giang, bà Lê - mẹ cô mắng tới tấp. Bà trách Giang không thương mẹ, trách cô “hám lợi, hám tiền”, “dăm ba ngày Tết người ta về nhà với bố với mẹ. Đằng này nhà còn mỗi mình mẹ, con cái nhận thức kiểu gì thế?”… Tóm lại bà không để Giang yên.
Nhưng Giang vẫn không về. Giờ thì đã qua cả Rằm tháng Giêng, và cô vẫn lênh đênh, mải miết với công việc làm nhiếp ảnh của mình. Giang hiểu, là con gái làm nghề này chắc sẽ nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Nhưng cô cũng thừa biết, tính khí mình hay suy nghĩ, thì chỉ có vùi đầu vào những chuyến đi cùng vô số shoot hình mới tạm quên được những ký ức không mấy đẹp đẽ.
Trước khi bố mất, Giang từng là cô bé rất lêu lổng, học hành lớt phớt rồi học đòi đi làm, đi làm rồi thì bữa đực bữa cái, chẳng đâu vào đâu. Mọi thứ đổi thay, khiến Giang phải suy nghĩ lại về cuộc đời mình kể từ ngày bố không còn trên đời nữa. Chỉ còn lại hai mẹ con, mẹ thì lo chạy chợ kiếm tiền nuôi Giang, vì cô đâu đã tự nuôi được chính mình. Cũng từ ngày bố mất, mẹ bắt đầu ăn chay, niệm Phật hàng ngày nhằm cầu mong bình an cho hai mẹ con. Giang quyết định vay mượn tiền người anh họ, đi học nghiêm túc nghề nhiếp ảnh và song hành cùng nó cho tới tận bây giờ.
Mọi chuyện có lẽ sẽ không sao cả, cuộc sống sẽ bình yên trở lại nếu một ngày sóng gió không bất ngờ ập tới. Mẹ gọi Giang về, nói nhà có việc gấp. Về nhà, Giang mới biết, mẹ cãi nhau với các bác là anh trai của bố. Bố Giang là út, cạnh nhà Giang có một mảnh đất rất rộng, và theo như mẹ Giang bảo, thì “bác cả đã đồng ý cái miếng đất ấy là của bố con rồi. Bây giờ các bác ấy lại muốn chia đều. Mẹ tức quá, cãi tay đôi luôn. Con phải về ủng hộ mẹ!”.

Với khí thế hừng hực ấy, Giang suýt nữa thì tin mẹ ngay. Nhưng cô ngẫm lại, đã bao giờ nghe bố mẹ hay bác nào nhắc đến việc mảnh đất cạnh nhà kia là của nhà mình đâu? Sau hôm đó, bác cả - người mà Giang rất kính trọng, bởi đó không những là bố của người anh họ đã cho cô vay đến mấy chục triệu đồng lo ăn học, mà còn bởi cô chưa bao giờ thấy bác cãi cọ hay đổ lỗi cho ai, gọi Giang sang nói chuyện. Thì ra, chuyện mẹ Giang bảo “miếng đất ấy là của bố Giang” là không đúng. Nó vẫn nằm trong sở hữu của bác cả. “Thực chất, lâu nay nhà ta chưa hề có chuyện tranh của ai. Là anh cả, bác đã thay bố mẹ chia đều cho các em, trong đó có bố con rồi…” Giang nghe mà lỗ tai lùng bùng. Sao cô lại thấy tin bác cả hơn nhỉ?
Về hỏi lại mẹ, mẹ cô sau một hồi bị con gái “truy” cũng bắt đầu lúng túng. Giang hiểu rồi, mẹ đang lu loa lên để hòng lấy được miếng đất ấy. “Sao mẹ phải làm thế?”, Giang vừa buồn vừa bực. “Tao muốn lấy cho mày! Giờ chỉ còn hai mẹ con, không tranh thủ thì các bác ấy lại cướp hết à?”.
Giang ngỡ ngàng quá. Mẹ mình sao lại thay đổi thế? Nhà có đến nỗi thiếu thốn lắm đâu. “Con sẽ đi làm và nuôi mẹ. Mẹ không phải lo quá”. “Con ơi là con, bống thế! Tấc đất tấc vàng. Cứ yên tâm nghe mẹ. Tính bác cả không muốn bị mang tiếng. Mẹ lu loa lên một thời gian là sẽ sợ mất mặt mà cho ngay…”.
Mà quả đúng thế thật. Chỉ vài tháng sau, mẹ đã hớn hở gọi cho Giang, báo tin mảnh đất được chuyển nhượng, đúng tên bà rồi. Giang chẳng vui tí nào. Cô thấy khắp người mình là cảm giác xấu hổ.
Kể từ đó, Giang rất ít khi về nhà. Nhưng không về không có nghĩa là không biết gì. Tính mẹ ngày càng ngang và khó hiểu. Bà như biến thành một con người khác, chỉ biết tham lam. Ở chợ, người ta đồn bà “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” vì chuyện mảnh đất giờ ai cũng biết. Nên dù có về nhà, Giang cũng ái ngại khi ra chợ bán hàng đỡ cho mẹ. Mẹ cô phẩy tay: “Con làm sao thế nhỉ? Có thế đã ngại, mẹ làm vì con, vì cái nhà này thì sao con cứ phải cúi gằm như thế!”.
Cuối năm vừa rồi, Giang gọi điện bảo mẹ Rằm tháng Chạp sẽ đưa người yêu về ra mắt rồi xin cưới. Đúng Rằm tháng Chạp, nhân tiện ngày tảo mộ ở quê, có đông đủ các chú các bác, mọi người tập trung lại làm cỗ, ăn uống thân tình, Giang cũng đưa người yêu đến. Nào ngờ, khi ăn xong, ngồi nói chuyện, mẹ Giang lại đề cập đến một chuyện mà ai cũng sửng sốt: Bà lại đòi đất! Lần này là một miếng đất xa tít ngoài ruộng mà “theo như em đi hỏi các cụ thì được bảo rằng, là ông nhà mình đã quyết định cho chú út – là chồng em. Nên giờ các bác cho em xin lại”.
Cả nhà ngao ngán. Bác cả sầm mặt: “Tôi chưa nghe gì tới chuyện đó cả! Thím cứ bình tĩnh, việc này ta sẽ phải bàn!”. Tiệc thế là tan, Giang cũng chẳng vui vẻ gì để giới thiệu người yêu nữa.

Và đó là lý do Tết này cô không về ăn Tết, cũng bỏ ngỏ cái ngày sẽ lấy chồng, dù người yêu liên tục giục cô về ra mắt nhà bố mẹ anh. Giang quá xấu hổ vì mẹ. Cô đã đi làm, đã có tiền, đã ít nhiều phụ được cho mẹ, mà sao mẹ vẫn tham lam quá đà như thế? Chỉ nghĩ đến thôi, là cô đã không dám ngẩng mặt lên nhìn người yêu, chứ chưa nói theo anh về nhà ra mắt.
Người yêu giục, mẹ giục hối quá, Giang đành phải sắp xếp để đón nhà người yêu về thăm nhà mình. Cô bắt mẹ không được mời ai hết, “mà mẹ có mời thì mẹ nghĩ các bác ấy có đến không?”, Giang gắt lên với mẹ như thế. Ngày cùng gia đình người yêu từ Hà Nội về thăm nhà mình, Giang cứ buồn buồn, nhìn xa xăm. Cô tin chắc, với sự tiếp đón đơn sơ quá mức, chỉ có hai mẹ con Giang như vậy, thì cũng là một lý do hợp lý để cô có thể chia tay mối quan hệ này, để bớt xấu hổ vì mẹ.
Nhưng vừa về đến đầu ngõ, Giang đã nghe tiếng lao xao, rộn rã trong nhà. Cô thấy bóng các bác gái đi qua đi lại. Cô thấy thấp thoáng chồng ghế nhựa cao vút đang được dỡ ra để xếp vào cùng với những chiếc bàn. “Sao lại nhiều bàn ghế thế được?”, Giang tự hỏi. Cô mở cổng nhà. Sau cánh cổng, hẳn một “phái đoàn” rất long trọng và đông đủ đang chờ Giang cùng nhà trai bước vào. Có cả nhà bác cả và các bác, các anh chị họ của Giang. Ai cũng cười tươi và đon đả. Giang không tin vào mắt mình. Đi vào trong, cô thấy cỗ bàn đã sẵn sàng. Từng mâm cỗ đầy đặn như tỏ được tấm lòng của nhà gái.
Giang không biết phải nói gì. Nhưng cô biết mẹ cũng đang nghĩ gì trong lòng đấy. Bên ngoài, mẹ vẫn vậy, cái lời ăn tiếng nói khéo léo của người phụ nữ hay chạy chợ dễ làm xiêu lòng khách lạ. Bác cả tiến đến bên Giang: “Kìa cháu, tươi lên chứ, hôm nay là ngày vui của cả họ ta đấy!”. Suốt buổi giao lưu giữa đôi bên, bác cả thân thiện, hiếu khách, thực sự không chỉ là một người lớn trong gia đình, dòng họ Giang, mà cô thấy bác như đang là bố mình vậy.
Giang định nói một lời cảm ơn bác cả. Cô cứ mấp máy môi rồi chỉ đành: “Vâng ạ!”. Bác cả nhìn Giang, khẽ mỉm cười: “Hôm nay ta hãy cứ vui, còn những chuyện khác, hãy tạm gác vào một bên cho nhẹ lòng, con nhé!”.