Giữ nếp nhà từ những bữa cơm gia đình

Kim Cương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuộc sống bận rộn với bộn bề công việc đã khiến nhiều người quên đi hương vị của những bữa cơm gia đình. Người ta cho rằng: Ăn ở đâu mà chẳng được, miễn sao nạp đủ năng lượng để tái sản xuất sức lao động.

Có người bằng lòng với một đĩa cơm bụi bên vỉa hè hay sang hơn thì vào quán. Người khác thì kêu cơm hộp, cũng có khi, mọi người kéo nhau đi nhậu...

Song, dường như chúng ta quên mất điều cơ bản: Những bữa cơm đâu phải chỉ đơn giản là “đầu vào” cho cơ thể. Những bữa ăn, đặc biệt là bữa cơm gia đình, quan trọng hơn thế nhiều. 

Quanh mâm cơm, bố mẹ con cái gần gũi, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Nhiều câu chuyện được kể, bình luận sôi nổi. Từ đó, những khúc mắc được giải tỏa, những ấm ức được xoa dịu. Qua những bữa ăn, các ông chồng sẽ nắm rõ hơn giá cả thị trường. Các bà vợ biết thêm tình hình thời sự thế giới. Trong những gia đình hạnh phúc, tiếng cười tràn ngập. Ngược lại, các gia đình bất hòa, bữa ăn diễn ra âm thầm, lạnh lẽo. Ai cũng ăn thật nhanh rồi đứng dậy.

Những bữa cơm gia đình là dịp cha mẹ gần gũi con cái. Những câu chuyện vui, những lời khen ngợi động viên của cha mẹ sẽ là chất kích thích con ăn ngon hơn. Có khi thức ăn không có gì, nhưng sự ấm áp vẫn làm cho mọi người thấy ngon miệng.

Ngược lại, trong một số gia đình, bữa ăn là dịp để các ông bố bà mẹ la mắng con cái, lôi khuyết điểm của chúng ra đay nghiến hoặc tranh thủ giảng giải về đạo đức, luân lý thì bữa cơm trở nên ngán ngẩm. Bữa cơm hoàn toàn không phải là thời điểm thích hợp để bọn trẻ “nhập tâm” những điều được chỉ giáo.

Giữ nếp nhà từ những bữa cơm gia đình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà chị họ của tôi rất thích dạy con ngay tại bàn ăn. Không phải chỉ một lần, thằng con vừa bưng chén, chị đã kể đủ tội: Nào là hái trộm ổi hàng xóm, trốn học đi chơi, đánh nhau với con người ta... Câu kết luận của chị thường là: “Nuôi mày thật tốn cơm!”. Thằng con cúi gằm mặt, cắm đầu ăn cơm chan... nước mắt.

Đôi khi, bữa cơm gia đình là lúc người ta hành hạ nhau. Anh Hùng bên cạnh nhà tôi nói: Bà Lan (vợ anh), cứ đến bữa ăn lại ca cẩm: “Dào ôi! Thứ gì cũng đắt quá thể? Đi chợ mỏi chân mà chẳng mua được gì!”. Tôi nói: “Biết rồi! Hôm nào bà cũng kêu như thế, làm sao tôi dám gắp!”. Bà im được một hai bữa rồi lại tiếp tục “ca”. Còn bên nhà chị Hạnh mỗi khi ở cơ quan anh Hưng, chồng chị có chuyện gì là y như rằng không khí bữa ăn hôm ấy nặng như chì. Đố ai nói tiếng nào. Thằng Sơn, con Thảo vừa ăn vừa lấm lét nhìn bố.

Ngày trước, trong các gia đình thường quy định: Đến bữa là mọi người phải có mặt đông đủ bởi: “Người đi không bực bằng người chực nồi cơm!”. Song, ngày nay, quy định ấy đã mất dần hiệu lực. Mỗi người mỗi việc. Thời gian biểu của từng người lại khác nhau nên chẳng thể ngồi vào mâm cùng lúc. Bữa ăn tối trong gia đình em gái tôi, một giảng viên đại học, chỉ có bốn người nhưng chia làm ba, bốn ca: Em tôi thường ăn trưa để đi học Anh văn. Anh chồng đi nhậu với bạn đã đời nên 8-9 giờ tối mới lục cơm nguội. Còn hai đứa con, mỗi đứa xúc một tô, ăn lúc 7 giờ để còn học bài.

Bữa cơm gia đình đầm ấm, vợ chồng con cái sum vầy là một thành tố của bức tranh gia đình hạnh phúc. Và người đầu bếp, khi được khen hoặc thấy mọi người ăn ngon lành, cảm thấy thật vui sướng. Tất cả nỗi vất vả dường như tiêu tan hết.

Nhớ bữa cơm xưa, tôi lại nhớ đến những bữa cơm nay trong một số gia đình. Với tôi, nếp nhà có vững chắc hay không đến từ những bữa cơm. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.