Gửi một em nào đó

Chia sẻ

...Trong tình yêu mà mọi thứ đều biết trước thì đâu còn là thú vị nữa. Bởi thế, cả ngàn năm trước và có lẽ cả ngàn vạn năm sau con người ta vẫn cứ đi tìm tình yêu bất ngờ và thú vị cho mình...

Có thể em là cô gái làng dịu hiền
Mái tóc dài vương bùn ngấu đồng chiêm
Em đứng nép vệ đường, nhường lối cho anh bước
Chỉ một chút vô tình, anh vĩnh viễn mất em.

Có thể giữa dòng người xuôi ngược
Em bất ngờ hiện lên ở ngã ba
Cô gái anh tìm chính là em đấy
Em lặng lẽ chỉ đường rồi thanh thản lướt qua.

Anh đi giữa mênh mông người yêu mến
Mà chẳng tìm ra nỗi yêu của anh đâu
Em là ai? Làm sao mà biết được
Để giữa đường đời ta cùng nhận ra nhau...
                                                                                             1983
(Rút trong tập: Bên cửa sổ máy bay, NXB Tác phẩm mới, 1985)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:
Câu chuyện mà nhà thơ kể trong bài thơ này chính là chuyện của duyên phận. Thời gian trôi qua nhanh thật, mới ngày nào còn là bé Khoa - nhà thơ thần đồng ở “góc sân khoảng trời” Nam Sách nay đã là người đàn ông lên rừng, xuống biển, là anh bộ đội hải quân, là nhà báo và hơn hết: là người đàn ông phơi trải sự đời.
Thế nên, càng đi, anh lại càng thấm thía cái nỗi oái oăm của duyên phận. Có khi đã vô tình gặp và lạc mất nhau:

Có thể em là cô gái làng dịu hiền
Mái tóc dài vương bùn ngấu đồng chiêm
Em đứng nép vệ đường, nhường lối cho anh bước
Chỉ một chút vô tình, anh vĩnh viễn mất em.

Thi nhân đã đặt ra giả định về người con gái mình ao ước. Có thể đó là thôn nữ tóc dài “vương bùn ngấu đồng chiêm” đã nhường lối cho anh ngay trước mặt, nhưng anh lại không nhận ra. Cũng bởi cô gái ấy chân thật quá, rụt rè quá trong khi ở cái tuổi yêu say mê, yêu mê mải ấy, thường những chàng trai lại mải theo đuổi những bóng hồng đài các, kiểu như “Xe cúp đã thay cho ngựa tía võng điều” mà nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết. Giờ ngẫm lại, những ấp úng, vụng về bùn đất ấy mới đáng quý làm sao. Khép lại giả định thứ nhất và rồi nhà thơ lại có một giả định thứ hai:

Có thể giữa dòng người xuôi ngược
Em bất ngờ hiện lên ở ngã ba
Cô gái anh tìm chính là em đấy
Em lặng lẽ chỉ đường rồi thanh thản lướt qua.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lần này, người anh gặp là cô gái thị thành năng động, vội vã, gấp gáp. Một bóng hồng vô tình ta gặp giữa ngã ba sầm uất, chen chúc. Nhiều khi, sau phút hỏi đường ta muốn nói thêm câu gì đó để bắt quen, để thêm duyên nhưng ở phố lại thường có cái “luật” riêng của nó. Với người lạ, người dưng làm thế có vô duyên quá không? Dòng đời còn tấp nập, mê mải, ai cũng nhận ra, ai cũng biết mà đâu níu giữ được nhau. Thế nên, dù cho đã nhận diện, đã bàng hoàng trong tiếng sét ái tình (Cô gái anh tìm chính là em đấy), dù có muốn “nhất kiến chung tình” như trong truyện thơ Nôm cũng đâu thể. Tấm chân tinh giữa nơi phồn hoa, đô hội phải chấp nhận quy luật éo le nghiệt ngã ấy.

Nhà thơ đã rút ra một chiêm nghiệm. Có thể những suy tư đó không mới nhưng chưa bao giờ khiến người đọc có thể vô cảm được:

Anh đi giữa mênh mông người yêu mến
Mà chẳng tìm ra nỗi yêu của anh đâu
Em là ai? Làm sao mà biết được
Để giữa đường đời ta cùng nhận ra nhau...

Đúng là, dù có trở thành người nổi danh, thành đạt cũng đâu dễ tìm được một tình yêu đích thực cho mình. Giữa “mênh mông người yêu mến” ấy sao cứ thấy trống vắng, cô đơn, vẫn thiếu “em”. Một câu hỏi đầy khắc khoải cứ vang lên trong đầu: “Em là ai? Làm sao mà biết được” như bài toán, như câu đố không lời giải. Nhưng trong tình yêu mà mọi thứ đều biết trước thì đâu còn là thú vị nữa. Bởi thế, cả ngàn năm trước và có lẽ cả ngàn vạn năm sau con người ta vẫn cứ đi tìm tình yêu bất ngờ và thú vị cho mình. Hay nói đúng hơn, đi tìm một em nào đấy.

MAI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.