HÀ NỘI

Chia sẻ

Bài thơ “Hà Nội” của thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa viết năm 1969 – đến nay có số tuổi hơn nửa thế kỷ vẫn tạo ấn tượng khó phai trong tôi và nhiều bạn đọc khác bởi sự hồn nhiên tươi trẻ trong cảm xúc.

Hà Nội có chong chóng
Cứ tự quay trong nhà
Không cần trời thổi gió
Không cần bạn chạy xa

Hà Nội có nhiều hoa
Bó từng chùm cẩn thận
Mấy chú vào mua hoa
Tươi cười ra mặt trận

Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao

Hà Nội có nhiều hào
Bụng súng đầy những đạn
Và có nhiều búp bê
Bóng tròn cho các bạn

Hà Nội có tàu điện
Đi về cứ leng keng
Người xuống và người lên
Người nào trông cũng đẹp

Mấy năm giặc bắn phá
Ba Đình vẫn xanh cây
Trăng vàng chùa Một Cột
Phủ Tây Hồ hoa bay...
                                      - 1969-
                      Trần Đăng Khoa

HÀ NỘI - ảnh 1

LỜI BÌNH:
Nhà thơ viết theo thể ngũ ngôn, giọng điệu tự nhiên, đậm chất tự sự. Thơ kể về tác giả - năm đó 11 tuổi, được ra Hà Nội lần đầu tiên. Nét mới lạ với cậu thiếu nhi khi ấy là: “Hà Nội có chong chóng / Cứ tự quay trong nhà/ Không cần trời thổi gió/ Không cần bạn chạy xa”. Vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tác giả cũng như hầu hết mọi đứa bé khác, rất quen thuộc với cái chong chóng tự làm bằng các vật liệu dễ kiếm (thường bằng lá tươi như dứa dại, lá chuối).

Nhưng chong chóng ấy chỉ quay khi gió mạnh thổi vào, nếu không được, đứa trẻ phải chạy thật nhanh tự làm ra gió. Còn ở Hà Nội lại “có chong chóng” - quạt điện – “tự quay”, thật lạ lẫm và thú vị. Là đứa trẻ thích quan sát và học hỏi, khi ra đường, tác giả không quên kể lại những điều mắt thấy tai nghe: “Hà Nội có nhiều hoa/ Bó từng chùm cẩn thận”. Ở quê cũng có hoa nhưng chỉ ở Hà Nội hoa mới được “bó từng chùm” đẹp mắt và “cẩn thận” để bán cho khách mua. Tác giả thấy “mấy chú” – chắc là bộ đội quân phục xanh - “vào mua hoa/ Tươi cười ra mặt trận”. Vẻ tươi tắn của người mua hoa thể hiện rõ sự trẻ trung yêu đời, lạc quan ở các chiến sĩ trước giờ ra trận.

Trong bài hay nhất, ý nghĩa sâu sắc nhất là khổ thơ thứ ba: “Hà Nội có Hồ Gươm/ Nước xanh như pha mực/ Bên hồ ngọn Tháp Bút/ Viết thơ lên trời cao”. Những câu tuyệt bút này từng được chọn làm đề thi lớn trong đợt kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội do Trung tâm Anh ngữ phối hợp với Bộ Giáo dục tổ chức. Kể chuyện về Hà Nội mà chọn Hồ Gươm là đúng quá. Bởi Hồ Gươm vừa là di tích lịch sử vừa là thắng cảnh nổi tiếng, “gương mặt” biểu trưng cho Hà Nội. Hồ Gươm, tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm, gợi nhớ về truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc và câu chuyện Lê Lợi được thần Kim Quy (rùa vàng) cho mượn gươm báu diệt giặc Minh. Ngày toàn thắng, Thần hiện lên lấy lại gươm.

HÀ NỘI - ảnh 2

Tên của hồ bắt nguồn từ sự tích ấy. Hồ Gươm cũng là thắng cảnh đẹp nổi tiếng với mặt nước trong xanh như ngọc bích, ven hồ có“ngọn Tháp Bút”, một công trình kiến trúc độc đáo: Tháp vuông, dựng trên ngọn núi Độc Tôn xếp bằng đá; có năm tầng, cao 28m. Đỉnh tháp là một ngòi bút lông dựng ngược, cán và ngòi bút cao 0,9m. Trên thân ba tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên, nghĩa là "Viết lên trời xanh". Kiến trúc Tháp Bút biểu dương truyền thống văn chương của đất Thăng Long theo ý tưởng của bậc danh nho Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872). Khi xây dựng Tháp Bút này, “thần Siêu” ôm ấp hoài bão về văn nghiệp nước nhà. Cũng bởi say mê làm thơ nên Trần Đăng Khoa chú ý đến Tháp Bút mà không để ý đến Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn là điều dễ hiểu.

Bài thơ ra đời giữa bối cảnh chiến tranh phá hoại của Mỹ ở giai đoạn ác liệt, tác giả không quên ghi nhận: “Hà Nội có nhiều hào/ Bụng súng đầy những đạn”. Cách nói “Bụng súng” thật hồn nhiên, mới lạ, cho thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân dân ta. Hà Nội còn “có nhiều búp bê / Bóng tròn cho các bạn” thiếu nhi. Điểm khác biệt với quê là “Hà Nội có tàu điện/ Đi về cứ leng keng/ Người xuống và người lên/ Người nào trông cũng đẹp”. Trẻ nhỏ bao giờ cũng ưa thích cái mới lạ, trong mắt tác giả: Hà Nội cảnh và người đều đẹp, dù trong thời chiến nhưng Hà Nội vẫn đẹp, vẫn bình tĩnh sẵn sàng chiến đấu. Khổ thơ cuối được sửa về sau, nhưng cái không khí chung của Hà Nội vẫn sống động và có sức khái quát.
Bài thơ khiến mọi người càng thêm yêu quý và tự hào về Hà Nội – Thủ đô mến yêu của ta.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.