Hà Nội lan man sách cũ

Chia sẻ

Cuối thập niên 90, Hà Nội bắt đầu chuyển mình điềm đạm. Trên những con phố cũ, bên những chiếc cúp đèn vuông, đèn tròn hối hả vẫn có vòng xe đạp xoay đều đặn. Đêm về, đi dọc đường Láng bên sông Tô Lịch, mặc ánh đèn vàng trong sương lạnh, vầng trăng vẫn le lói phía sau tán lá.

Những gốc cây xù xì trầm tư nối dài, lằn ranh giới bất chợt hiện ra giữa một Hà Nội mới mẻ và phần còn lại của kí ức.

Người Hà Nội khi ấy sẽ nhớ, mé bên kia là bụi đất vàng có nghĩa quanh quẩn đâu đây những ngôi nhà mới mọc lên, còn ở mé bên này, bụi làm những tán cây, biển hiệu nhuốm phong trần năm tháng nhanh hơn. Nhưng tôi nhớ, còn có một sắc màu khác của Hà Nội ngày đó là những vỉa hè, những cửa hàng lan man sách cũ.

Thu, gió cuốn lá vàng bay dọc từ đường Láng lên tới đường Phạm Văn Đồng, con đường ấy tôi thường đi bộ. Đi để cảm nhận cái hồi hộp, may mắn tìm những cuốn sách cũ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mùa thu, Hà Nội cũng hanh heo như bao miền đất vùng Bắc Bộ. Đất kinh kỳ văn hiến cả ngàn năm chất chứa trong dáng cội cành. Một chiếc lá vàng rơi bên thềm đá ngôi đình cổ cũng làm ta bồi hồi. Hà Nội thời nào cũng lắng đọng tinh hoa, hồn giấy dó ngưng trong mực mài. Sách từ trí tuệ của những anh tài đất học xứ Thanh, xứ Nghệ, Thành Nam, Kinh Bắc... làm nên thứ “đặc sản” tinh thần mà người từ các tỉnh theo những chuyến xe khách tìm về vội vã chỉ để: lang thang sách cũ vỉa hè.

Hà Nội của những năm ấy chưa từng có những quán nét, thì sách chính là con đường để nhìn ra thế giới tâm hồn hay tìm về những cũ xưa mà thời gian vùi lấp. Tôi nhớ những con phố ấy cả những khi chỉ lang thang để tìm một cái tứ gì đang nảy ra trong đầu. Mỗi con đường đều lắng sâu kí ức, để rồi khi nhịp chuyển mình mau lẹ lại nhận ra, mình chưa kịp viết được gì, Hà Nội đã lập đông.

Mùa đông, Hà Nội cũng mưa phùn gió bấc, những vỉa hè ướt sũng và lạnh cóng, là khi phải tạm biệt những hàng sách miên man. Lại những tiếc nuối và chờ đợi mùa xuân sau nắng sẽ lên, sách lại tràn hè phố. Rồi xuân sau, những con đường lại mở rộng thêm để theo kịp sự nảy nở, sinh sôi của con người, có những hàng sách đã vĩnh viễn không bao giờ có nữa, nhà mới mọc lên thay cho mái ngói cũ kĩ ngày nào.

Giờ có dịp lang thang tìm sách trên phố xưa, sẽ không còn mấy những cụ già giương mục kỉnh vừa đọc sách vừa trông hàng, không còn những cụ ông hóm hỉnh vừa vuốt cái bìa sách vừa nhâm nhi chén trà nữa rồi. Lúc ấy, kịp nhận ra một thời đã qua, mình đã may mắn được cảm nhận một phần ký ức đẹp của những con phố ấy. Một mùa thu Hà Nội không phải trong chiến tranh, trong năm tháng bao cấp lam lũ mà một Hà Nội lắng đọng những giá trị tinh hoa, những lựa chọn mất còn của giá trị văn hóa tiềm ẩn. Hà Nội ơi biết đến bao giờ lại được lang thang phố sách...

MAI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.