Hai bi kịch, biết bao phận đời...

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước toà, bị cáo Nguyễn Tiến Hưng (sinh năm 1994, trú tại xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) liên tục xin lỗi gia đình bị hại, bố mẹ và vợ con mình, bởi hành vi bồng bột khi có men rượu đã khiến một người tử vong, còn bị cáo rơi vào vòng lao lý, những đứa trẻ mồ côi cha…

1.

Cổng tòa Hà Nội vào những ngày cuối hè vẫn không hết cái oi ả và nóng bức. Mới 7h sáng, bà Thân - mẹ bị hại - anh Nguyễn Văn Thủy, sinh năm 1984 ôm di ảnh của con trai ngồi trước cổng tòa chờ đợi để được vào phòng xét xử. Bà rơm rớm nước mắt: “Đã một năm rồi, vậy mà nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai…”. 

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Tiến Hưng (sinh năm 1994, trú ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) về tội “Giết người” được mở ngày 17/8 diễn ra trong không khí khá trầm lắng. Phía bị hại chỉ có bà Thân ngồi ôm di ảnh con. Ở bên kia hàng ghế, gia đình bị cáo gồm bố mẹ đẻ và vợ bị cáo với gương mặt u buồn, đau khổ. Việc cần làm để giúp con giảm án, họ đã làm, đó là bồi thường một khoản tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại. Nhưng gia đình bị hại yêu cầu bồi thường cao hơn mức mà họ có thể đáp ứng, nên việc thỏa thuận bồi thường không thể diễn ra. 

Cáo trạng cho thấy, trưa 10/8/2021, Nguyễn Tiến Hưng cùng một số người bạn đến nhà anh Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1987, trú tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai ăn cơm và có uống rượu. Sau khi ăn uống xong, Hưng cùng Đức - một người trong nhóm đi bộ đến cửa hàng điện thoại gần đó. Khoảng 13h cùng ngày, cả hai gặp anh Hứa Mạnh Lợi (sinh năm 1983, quê Hải Phòng về nhà vợ tại xã Bích Hòa chơi) đang chở con trai đi ngược chiều đường. Thấy Hưng và Đức, anh Lợi nghĩ là người quen nên có dừng xe hỏi: “Em đi đâu đấy?”. Nghe vậy Hưng nói: “Tao quen mày à”, rồi lao vào đánh đấm Lợi. Do bị đánh bất ngờ và đang chở con nhỏ nên anh Lợi sợ, điều khiển xe máy chở con trai chạy về nhà em vợ là anh Nguyễn Văn Thủy. Tại đây, Lợi kể lại sự việc cho anh Thủy nghe. Sau đó, Lợi cùng anh Thủy đi xe máy ra đường thôn tìm Hưng để hỏi lý do tại sao lại đánh mình.

Khi gặp Hưng và anh Đức đang đi bộ trong ngõ, anh Lợi dừng xe, cùng Thủy xông đến đánh nhau với Hưng. Thấy vậy, anh Đức vội can ngăn, đẩy hai bên ra. Lúc này, Hưng chạy vào khu bếp nhà người dân gần đó lấy chiếc chày kim loại và con dao gọt hoa quả ra đánh nhau với anh em anh Thủy. Lợi cùng anh Thủy xông vào ôm, giằng co tước bỏ hung khí và vật đối phương xuống nền đường. Hưng cố gắng vùng dậy tiếp tục chạy vào nhà dân gần đó lấy con dao bầu, lao ra đánh nhau với anh Thủy và Lợi. Nhìn thấy Hưng cầm dao, Lợi bỏ chạy nên Hưng đuổi theo anh Thủy. Để phòng vệ, anh Thủy vội nhặt đoạn gậy gỗ đáp trả. Hưng càng hung hăng, vừa túm gậy vừa dùng dao đâm liên tiếp 2 nhát vào ngực của anh Thủy, khiến anh Thủy bị thương nặng. Mặc dù được đi cấp cứu kịp thời, song anh Thủy đã tử vong.  

Hai bi kịch, biết bao phận đời... - ảnh 1
Bị cáo Hưng tại tòa

2.

Bị đưa ra tòa xét xử, bị cáo Hưng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lý giải về động cơ đánh người rồi gây ra án mạng, Hưng khai khi đó do bị rượu kích thích nên không làm chủ được bản thân. “Bị cáo ít tuổi hơn, khi có người quen chào hỏi mà mình chưa nhớ ra thì cần có ứng xử khác, tại sao lại đánh người ta?” - Viện kiểm sát hỏi. Bị cáo lí nhí: “Lúc đó bị cáo không quen biết nên nghĩ họ hỏi đểu mình?. 

- “Bị cáo có biết hành vi như vậy là rất côn đồ không?”. – “Bị cáo bị đánh trước nên phải đánh trả” – Hưng nói.

- “Rõ ràng bị cáo đã được can ngăn nhưng vẫn tiếp tục vào đánh bị hại, hai lần đi tìm hung khí nguy hiểm. Hành vi của bị cáo là rất côn đồ, cố ý tước đoạt mạng sống của bị hại đến cùng?” – Viện kiểm sát nhận định. Nghe thế, bị cáo cúi mặt: “Bị cáo xác định thương tích của bị hại là do bị cáo gây ra. Hành vi của bị cáo là rất côn đồ, vì có chút men rượu mà không làm chủ được bản thân…”.

Trước tòa, bà Thân mẹ anh Thủy, nghe những lời khai của bị cáo như rót từng từ vào tai. Bà thổn thức: “Nhà tôi vô cùng khó khăn, chồng tôi tai biến, nằm liệt giường từ năm 2014 đến nay, một tay tôi phải chăm sóc. Vợ chồng con trai tôi cưới nhau có 1 con trai thì ly hôn, tòa giao quyền nuôi con cho mẹ nhưng mẹ cháu bé đã bỏ đi không tung tích mấy năm nay, không một lần chăm sóc, thăm nuôi con. Từ đó đến nay, con trai tôi làm ở Hà Nội, gửi tiền về cho mẹ nuôi cháu…”.

Bà Thân cho biết, hằng ngày, chăm sóc một người đau bệnh và cháu nhỏ đang tuổi ăn học nên bà không thể làm gì thêm, chỉ quanh quẩn từng mớ rau mang ra chợ bán. Sinh hoạt của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của anh Thủy. Thế nên, anh Thủy qua đời khiến cuộc sống của vợ chồng bà và cháu nhỏ bị đảo lộn, vô cùng khó khăn. “Tôi yêu cầu bị cáo và gia đình cấp dưỡng nuôi bố đẻ và tiền ăn học cho con trai của Thủy. Tổng số tiền cấp dưỡng và bồi thường tổn thất tinh thần là gần 500 triệu đồng, tôi chỉ nhận một lần để gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng nuôi cháu” – bà Thân đề nghị.
Tuy nhiên, tòa cũng giải thích cho bà hiểu về nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố đẻ của anh Thủy được chia cho cả ba người con khác của bà, đồng thời, việc cấp dưỡng chăm sóc con của anh Thủy cũng là trách nhiệm chung của hai vợ chồng anh Thủy, mặc dù anh Thủy đã ly hôn. Do đó, tòa sẽ xem xét khoản tiền bồi thường và cấp dưỡng phù hợp theo quy định của pháp luật, nếu hai gia đình không thể thỏa thuận được với nhau. 

Về bồi thường, ông Dũng - bố bị cáo cũng cho biết, hiện tại, gia đình bị cáo đã bồi thường 80 triệu đồng. Nghe đến khoản tiền hơn 500 triệu đồng bồi thường 1 lần, bố bị cáo nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi năm nay đã 60 tuổi rồi, chỉ quanh quẩn làm nông nghiệp, hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Giờ bị hại đòi 1 lúc nửa tỷ, chúng tôi không thể xoay xở được”. Chị Hà - vợ bị cáo cũng cho biết về hoàn cảnh của mình: Chồng chị gây án khi chị đang mang thai. Đến nay, con lớn mới 5 tuổi, con nhỏ hơn 1 tuổi. Chị chỉ ở nhà trông con, chưa đi làm nên không có kinh tế. “Trước nay, chồng tôi là lao động chính, nay gặp chuyện không may, gia đình tôi không biết trông cậy vào đâu. Tôi chỉ xin bị hại được trợ cấp nuôi dưỡng theo tháng để dễ bề thu xếp” - chị Hà nói. Tuy nhiên, bà Thân lại có lý lẽ riêng: “Tôi già rồi, chỉ muốn nhận cấp dưỡng 1 lần để gửi ngân hàng, lấy lãi nuôi cháu”.
Trước việc gia đình bị cáo không đồng ý yêu cầu cấp dưỡng, bà Thân yêu cầu xử lý theo pháp luật.

Hai bi kịch, biết bao phận đời... - ảnh 2
Ảnh minh họa

3.

Được nói lời sau cùng, Hưng cho biết, bản thân cảm thấy rất ân hận, áy náy về hành động bồng bột của mình. “Bị cáo xin lỗi gia đình anh Thủy, bố mẹ và vợ con. Chỉ vì say rượu mà con đã gây ra tội lớn” - bị cáo nói. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho biết, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ rượu. Bị cáo trước khi gây án có thân nhân tốt, biết ăn năn hối cải, có tác động đến gia đình để bồi thường cho bị hại. Do đó, luật sư mong muốn HĐXX cho bị cáo mức án thấp hơn đề nghị của VKS để sớm về chăm sóc gia đình, làm lại cuộc đời.

Lần này, bà Thân đứng dậy khóc: “Con tôi vô tình bị mất mạng, cháu tôi trở thành trẻ mồ côi. Anh Hưng và gia đình xem lại hành vi của mình, đồng thời tìm cách lo liệu để cháu tôi có điều kiện học tập. Tôi không muốn gia đình tôi đã khổ, nay các con bị cáo cũng vắng bố. Nếu gia đình bị cáo chấp nhận bồi thường,  tôi sẽ viết đơn giảm án…”. Nghe thế, ông Dũng thở dài, không biết sắp xếp như thế nào cho hợp lý. 

Giờ nghị án, bị cáo xin phép được nói với vợ mấy lời. Bị cáo nắm chặt tay người vợ trẻ, dặn dò cố gắng giữ gìn sức khỏe để chăm sóc các con thật tốt… Người vợ cũng động viên chồng hãy cải tạo tốt để được hưởng ân xá của Nhà nước. 

Trước hành vi của bị cáo, HĐXX tuyên phạt bị cáo tù Chung thân về tội Giết người, đồng thời cấp dưỡng bố anh Thủy 1 triệu đồng/tháng, và cháu Nam là 2 triệu đồng/ tháng cho đến khi 18 tuổi. 

Phiên tòa khép lại, nhưng nỗi đau của những người trong cuộc sẽ không bao giờ vơi bớt. Bởi, hai hoàn cảnh, hai bi kịch gia đình vẫn kéo dài sau những nhát dao tước đi mạng sống của một người cha đơn thân và khiến một người cha khác rơi vào lao lý. Nếu như bị cáo biết kiềm chế hành vi của bản thân, không để ma men khống chế thì có lẽ, bi kịch “người mất mạng, kẻ vào tù” đã không xảy ra... 

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ khỏe là phụ nữ đẹp

Phụ nữ khỏe là phụ nữ đẹp

(PNTĐ) - Thời nay xã hội phát triển, không chỉ nam giới mà bất cứ ai cũng cần hoạt động thể chất. Đặc biệt đối với nữ giới, những người luôn chú trọng đến vẻ đẹp hình thức. Tập luyện thể thao thường xuyên giúp chị em có đủ sức khỏe để làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ và hoàn thành tốt công việc cơ quan giao cho. Với sự giúp sức của thể thao, phụ nữ không còn là phái yếu mà là phái đẹp.
Tuổi trung niên hạnh phúc

Tuổi trung niên hạnh phúc

(PNTĐ) - Sang tuổi trung niên là giai đoạn phụ nữ hiểu rõ nhất mình cần gì. Lúc này phụ nữ biết bản thân mình đang ở đâu trong cuộc đời này và muốn được chăm lo cho hạnh phúc của bản thân nhiều hơn.