Hãy để con được sống cuộc đời của mình

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - “4 năm đầu tư cho con trai đi du học, tôi muốn con trở về làm việc tại một tập đoàn lớn. Tuy nhiên, giờ đây nó “vứt” chiếc bằng du học ấy vào tủ rồi lấy nghề rửa xe ôtô mưu sinh. Cuộc sống về già của chúng tôi bất ổn, khổ tâm với đứa con trai “bất trị” này”.

Không tiếc đầu tư tiền tỷ cho con ăn học theo ý mình

Cả ông và bà đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Gia đình hai bên đều có nghề truyền thống nên kinh tế khá giả. Cưới nhau xong, ông bà được bố mẹ đầu tư vốn để mở công ty riêng làm ăn. Nhờ sự năng động của hai vợ chồng, công ty nhanh chóng tìm kiếm được thị trường và phát triển ổn định. Họ sinh được ba đứa con, hai gái đầu, con trai út. Việc nuôi dạy con, ông bà luôn có sự định hướng sẵn cho chúng một con đường.

Trên con đường đó, họ đã tạo “lối thông hè thoáng”, các con bình yên bước đi trên đó. Do vậy, hai đứa con gái lớn lên, ông bà định hướng học xong về nối nghiệp bố mẹ phát triển công ty. Khi con gái lấy chồng, hai con rể cũng được họ sắp xếp về làm trong công ty của gia đình. Cuộc sống của hai cô con gái ổn định dưới sự xếp sẵn công việc làm ăn và điều kiện sống của ông bà. Chỉ còn Quang - đứa con trai út, niềm hy vọng lớn nhất của ông bà thì lại không muốn sống như hai chị gái. 

- Nó không muốn học xong về làm trong công ty cùng bố mẹ và anh chị. Vì thế, chúng tôi hướng cho con đi du học, tốt nghiệp xong về làm việc trong một tập đoàn điện tử lớn. Đây là mối quen biết của chúng tôi, họ cũng đã nhận lời - ông kể.

Quang từ nhỏ đến lớn cũng được bố mẹ định sẵn cho vào học các trường điểm giống như hai chị gái. Điều kiện ăn học được bố mẹ trang bị đầy đủ từ đầu đến cuối. Học xong cấp 3, dù Quang muốn học đại học ở trong nước nhưng bố mẹ “bắt” cậu phải đi du học. Đó là một trường đại học ở Anh, thời gian học 4 năm, Quang chỉ cần lấy được bằng tốt nghiệp trở về là có chỗ làm ở một tập đoàn mà bố mẹ đã “xếp chỗ” sẵn. Vì du học tự túc nên chi phí học hành, ăn ở bên Anh trong 4 năm khá đắt đỏ. Tính ra cũng mất hơn 2 tỷ, nhưng bố mẹ Quang không tiếc tiền đầu tư cho con. Kỳ vọng của họ, nếu Quang đi đúng “lộ trình” mà họ sắp xếp thì không chỉ thăng tiến trong sự nghiệp, mà hạnh phúc hôn nhân cũng rất mỹ mãn. 

Quang cũng tâm sự thẳng thắn với bố mẹ, 4 năm ở Anh, bố mẹ chỉ biết gửi tiền sang để đóng các khoản phí ăn học mà không hề biết con trai đã phải “vật lộn” thế nào để vượt qua được chương trình học. Bởi vì học theo ý bố mẹ nên Quang không có niềm đam mê để tiếp nhận và vận dụng các kiến thức ấy trong cuộc sống. Cậu vẫn muốn được sống theo ý mình, làm công việc mà mình có hứng thú. Nhưng tất cả đều không được bố mẹ chấp nhận, họ cho rằng Quang còn nhỏ, chưa đủ bản lĩnh và năng lực để biết được nên đi theo con đường nào, phát triển hướng nào mới tốt.

Ông bà tin rằng mình đã từng trải, đủ kinh nghiệm để hướng cho con đi trên một con đường đúng đắn, có nhiều tiền đồ nhất. Nhìn vào thực tế cuộc sống đau ốm của hai đứa con gái bây giờ là đủ hiểu ông bà quyết định không hề sai. Do đó, Quang vẫn phải học và sống theo sự “chỉ đạo” của bố mẹ. 

Hãy để con được sống cuộc đời của mình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đứa con trai bất trị 

Ở phòng tư vấn, ông bà không ngừng than thở về đứa con trai bất trị đang đạp đổ cả tiền đồ tương lai tươi sáng mà bố mẹ dày công tạo lập sẵn cho. 

- Sau khi du học trở về, vợ chồng tôi khốn khổ với chuyện đi làm của nó. Công việc có sẵn nó không chịu làm, chê hết cái này đến cái kia – bà thở dài não nề. 

Là một người mẹ, bà mong con trai ổn định ở một công việc không mấy vất vả nhưng vẫn có tiền đồ. Nhờ mối quan hệ quen biết thân tình, một người bạn nay là giám đốc của một tập đoàn điện tử lớn đã đồng ý để sẵn cho Quang một việc. Việc bố trí cho Quang vào làm ở tập đoàn còn nhằm vào một mục đích khác cao hơn, đó là sắp chỗ hạnh phúc hôn nhân của con trẻ sau này. Người bạn đó có cô con gái ít hơn Quang 2 tuổi, hai gia đình có ý mai mối kết duyên cho đôi trẻ. Điều kiện gia đình môn đăng hộ đối, đôi trẻ học hành cũng tương xứng trình độ, nếu kết duyên thì hạnh phúc sẽ viên mãn. 

Thế nhưng Quang lại không muốn sống theo sự sắp xếp của bố mẹ. Tốt nghiệp xong, Quang vào làm ở tập đoàn một tháng rồi xin nghỉ vì công việc không phù hợp với năng lực của mình. Ông bà thuyết phục con trai thế nào cũng không được. Chuyện tình cảm do bố mẹ mai mối, Quang cũng không tiến tới khiến mối thân tình của hai gia đình bỗng chốc đổ vỡ.

Để ổn định công việc cho con trai, ông bà lại đôn đáo vận dụng các mối quan hệ khác để xin cho con vào làm ở mấy công ty khác. Nhưng ở công ty nào, Quang đến làm nhiều thì 3 tháng, ít thì 1 tuần là bỏ ngang. Lý do vẫn là không phù hợp, thu nhập quá thấp…

- Nó khiến vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ vì không chịu ổn định công việc lẫn chuyện tình cảm – đến lượt bà nói về sự thất vọng đối với đứa con trai quý tử của mình. 

Hãy để con được sống cuộc đời của mình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Sau một thời gian bỏ việc hết công ty này đến công ty khác, cuối cùng Quang “thông báo” với bố mẹ về kế hoạch lập nghiệp của mình. Quang xin bố mẹ đầu tư cho mình một số vốn để mở một gara rửa xe ôtô bằng công nghệ cao. Nghĩ đến chuyện đầu tư mấy tỷ cho con đi du học, trở về làm công việc rửa xe ôtô là ông bà thấy không thể chấp nhận nổi.

Họ tức giận quát mắng con, ép nó từ bỏ suy nghĩ “vớ vẩn”, tuyên bố không bỏ tiền ra cho Quang làm ăn kiểu đó. Nhưng Quang không từ bỏ con đường lập nghiệp theo ý mình, cậu nhờ một người họ hàng đứng ra vay giúp một số vốn rồi cùng với một người bạn bắt đầu khởi nghiệp công việc làm ăn. Nhìn đứa con trai làm ăn theo kiểu “cò con”, vất vả mà tiền kiếm được chẳng được bao nhiêu, ông bà vừa buồn vừa giận 

Chưa hết buồn chuyện làm ăn của Quang thì ông bà lại “suy sụp” trong việc lựa chọn hôn nhân của con trai.

Từ trước đến nay, ông bà vẫn kỳ vọng con trai có công việc ổn định, lấy được cô vợ có trình độ học vấn thấp thì đại học, cao thì thạc sĩ, tiến sĩ để mở mày mở mặt với bà con họ hàng. Nhưng nay, cô con dâu như kỳ vọng chẳng thấy đâu, thay vào đó, Quang dẫn về một cô bạn gái học trung cấp nghề nấu ăn, hiện đang làm phụ bếp trong một khách sạn. Bố mẹ cô gái làm nghề buôn bán thịt lợn ở chợ.

Tất nhiên, vì không đúng như mong muốn nên ông bà ra sức ngăn cản chuyện tình cảm của con trai. Nhưng càng ngăn cấm bao nhiêu thì chúng lại càng dính chặt với nhau hơn. Bây giờ, Quang đang đòi bố mẹ tổ chức cưới, nếu không thì sẽ tự đi đăng ký kết hôn rồi dẫn nhau ra ngoài thuê nhà ở. 

Tìm đến phòng tư vấn, ông bà mong muốn tìm được cách để “thức tỉnh” đứa con trai “lú lẫn”, làm sao để nó quay về sống theo ý mình để cuộc sống tuổi già sau này của họ không phải buồn lòng, lo nghĩ. Đồng thời, thanh danh gia đình mà họ gây dựng lâu nay cũng không bị đứa con trai “hạ thấp” xuống.

Trong cuộc sống, không ít bậc cha mẹ giống như ông bà đang vô hình sống thay cuộc đời của con cái. Họ vin vào quyền bao bọc, yêu thương con cái của mình để nuôi dạy con theo sự áp đặt sẵn. Những đứa trẻ lớn lên trên con đường được bố mẹ dọn sẵn cho ấy mất dần khả năng tự lập, khả năng nuôi dưỡng những ước mơ của bản thân, không dám đương đầu với khó khăn trong cuộc sống và dám chịu trách nhiệm với mọi quyết định của bản thân.

Yêu thương con không hề sai, lo cho con cũng hoàn toàn đúng, nhưng cha mẹ phải ý thức được rằng mình phải để cho con được sống cuộc đời của chúng, một cuộc đời mà chúng phải làm chủ thay vì dựa dẫm vào người khác. Bởi không một bậc cha mẹ nào có thể sống với con đến hết cuộc đời của chúng và đủ sức lực để tiếp tục dọn sẵn con đường cho chúng bước đi.

Có thể với ông bà, Quang đang là đứa con “bất trị” nhưng điều đó lại đang giúp Quang được sống với ước mơ, với ý chí tự lập của bản thân. Ông bà cần xác định rằng kiến thức mà Quang có được sau 4 năm du học không phải để có một “mác” công việc ở công ty nọ, tập đoàn kia, mà nó sẽ giúp Quang vững vàng trong cuộc sống và khẳng định bản thân ở những công việc khác.

Trong hôn nhân cũng vậy, hạnh phúc không xuất phát từ sự sắp đặt môn đăng hộ đối mà sẽ khởi nguồn từ sự thấu hiểu, yêu thương, chia sẻ của vợ chồng trong cuộc sống. Vì thế, ông bà hãy ngừng thay con quyết định cuộc sống mà hãy để chúng được quyết định và sống theo cách của mình. Bởi đó là cuộc sống hạnh phúc mà con cái muốn hướng đến, chứ không phải những thứ mà bố mẹ tạo sẵn cho. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.