Hội Phụ nữ - cầu nối uy tín đưa đồng vốn đến với người cần

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với trọng trách chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, những năm qua, các cấp Hội LHPN TP Hà Nội luôn xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Nhờ đồng vốn mới có ngày hôm nay

Cứ cuối tuần, hàng xóm lại thấy chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1980), hội viên Chi hội Phụ nữ xóm 5, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức chở ổi lên khu vực trung tâm quận Cầu Giấy để bán. “Chỗ ấy toàn khách quen của tôi, họ thích ăn ổi và cứ chờ đến cuối tuần để mua nhiều một thể”, chị Huệ cho biết. 

Nhớ lại độ mười năm trước, vợ chồng chị Huệ vẫn còn nằm trong diện cận nghèo. Hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, chồng chị bị tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thường xuyên phải đi bệnh viện và chi phí thuốc men rất tốn kém. Biết có đồng vốn vay ưu đãi mà Hội Phụ nữ nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Huệ mạnh dạn vay 50 triệu để đầu tư cây giống, thuê đất trồng ổi Di Trạch, bưởi Diễn, xen kẽ là các loại cây và nuôi gia súc, gia cầm… Từ sự giúp đỡ ban đầu của tổ chức Hội, cùng sự chịu khó, cần cù của cả hai vợ chồng, đến nay, vườn bưởi, ổi của gia đình chị Huệ đang có tổng diện tích 8 sào với khoảng 30 gốc bưởi Diễn và 200 gốc ổi Di Trạch.

Ngoài ra, chị còn trồng thêm cà chua, nuôi gà, vịt, chó để cải thiện thêm thu nhập. Ổi là loại cây ăn quả mang lại thu nhập chính cho gia đình chị Huệ, vào chính vụ lúc ổi ngon, giòn nhất, chị Huệ bán được 50-70kg ổi một ngày. “Từ những đồng vốn vay ưu đãi mà tổ chức Hội được ủy thác cho tôi vay, đến giờ chồng tôi có tiền lo thuốc men, thăm khám mỗi tháng, các con tôi giúp bố mẹ chăm nom vườn tược, cả nhà cố gắng làm lụng, không còn cảnh phải giật gấu vá vai, tôi rất biết ơn những đồng vốn đã làm đổi thay cả gia đình mình”, chị Huệ xúc động cho hay.

Hội Phụ nữ - cầu nối uy tín đưa đồng vốn đến với người cần - ảnh 1
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cùng đoàn công tác kiểm tra hoạt động ủy thác vay vốn năm 2023 tại Hội LHPN xã Đông La, huyện Hoài Đức.

Đến giờ, về thôn Ích Vịnh, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, không ai không tỏ chị Nguyễn Thị Hồng, từ một cô thợ may chuyên đi nhận hàng về may thuê giờ đã thành bà chủ, có xưởng may tạo thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/tháng cho gần 20 nhân công cũng là hội viên phụ nữ xã. “Tôi có được ngày hôm nay cũng là nhờ đồng vốn từ tổ chức Hội đứng ra vay giúp”, chị Hồng nói. Nhớ lại ngày còn làm thợ may, có tay nghề nhưng không có vốn, một thời gian dài chị phải thắt lung buộc bụng nuôi con vì đồng lương eo hẹp. Rồi được Hội Phụ nữ xã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và động viên, chị mạnh dạn vay 50 triệu để đầu tư mua máy may, thuê nhà xưởng và nhân công để… làm ăn lớn. Thời gian đầu, chị cũng lo lắng lắm. Nhưng cứ chăm chỉ làm, cố gắng nhận nhiều đơn hàng rồi cũng có ngày thành công. Đến nay, gia đình chị Hồng vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn, hai con học hành nên người, chồng chị Hồng ngoài công việc lái xe chở khách thì cứ hễ rảnh là phụ chở hàng cho vợ.

Chị Huệ, chị Hồng là hai trong rất nhiều hội viên phụ nữ khó khăn được các cấp Hội LHPN TP Hà Nội nhận ủy thác quản lý nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), từ đó đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Hội viên phụ nữ có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tăng cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhu cầu vay vốn của hội viên và nhân dân là rất lớn

Vừa qua, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra hoạt động ủy thác vay vốn năm 2023 đối với Hội LHPN xã Đông La, huyện Hoài Đức. Tại đây, Hội LHPN xã đang quản lý 5 tổ vay vốn Ngân hàng chính sách phân bổ ở 3 thôn: Đông Lao 3 tổ, Đồng Nhân 1 tổ, La Tinh 1 tổ với tổng dư nợ 9.225.500.000 đồng cho 267 hộ vay và không có nợ quá hạn. 100% các hộ vay đều tham gia tiết kiệm từ 100.000đ/hộ/tháng đã phần nào giúp đỡ được các hộ giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập và góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo ở địa phương, đến nay tổng số tiền tiết kiệm của các hộ vay do Hội Phụ nữ quản lý là 527.599.000đ.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Đông La Nguyễn Thị Hoa, nhu cầu vay vốn của hội viên và nhân dân là rất lớn. “Chúng tôi rất mong Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổ chức Hội và các ngành cấp trên tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn vốn vay ưu đãi đặc biệt là nguồn vốn giải quyết việc làm để người dân trong xã được tiếp cận, giảm lãi suất, giảm bớt thủ tục giấy tờ khi làm hồ sơ cho hội viên vay vốn”, chị Hoa nói.

Hội Phụ nữ - cầu nối uy tín đưa đồng vốn đến với người cần - ảnh 2
Mô hình trồng bưởi, ổi của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1980), hội viên Chi hội Phụ nữ xóm 5, thôn Đông Lao, xã Đông La.

Những đồng vốn được tổ chức Hội nhận ủy thác vay luôn tạo được uy tín với người dân bởi chính các tổ trưởng tổ vay vốn cũng đều là các bà, các chị cán bộ Hội, những người có tinh thần, trách nhiệm, uy tín trong khu dân cư. Như tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, theo chị Vũ Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã, “khi có nguồn vốn được bổ sung, chúng tôi tổ chức các cuộc họp bình xét cho vay vốn, hướng dẫn tổ viên phát triển kinh tế hộ và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả. Hướng dẫn hội viên hoàn thiện hồ sơ vay vốn, chứng kiến việc giải ngân, đôn đốc thu lãi - trả gốc đúng thời hạn theo quy định của ngân hàng. 100% tổ trưởng vay vốn thực hiện thu, nộp lãi, tiết kiệm và phổ biến đến tổ viên theo chương trình của ngân hàng đã triển khai”.

Nhờ những đồng vốn kịp thời và sự chủ động phối hợp của Hội LHPN xã với Ban trợ giúp giảm nghèo của xã cùng các ngành, đã có nhiều chính sách, các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo thu nhập ổn định cho các gia đình. Từ nguồn vốn vay trên, năm 2022, Hội LHPN xã đã đăng ký giúp đỡ 7 hộ cận nghèo và đã giúp được 10 hộ cận nghèo thoát cận nghèo như chị Đặng Thị Cúc, chị Doãn Thị Hà (thôn La Thạch)…

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của hộ gia đình hội viên vay vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Chị em phụ nữ với vai trò là trụ cột của gia đình, là người giữ tay hòm, chìa khóa đã tiếp nhận vốn tín dụng chính sách, quán xuyến, sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả, từng bước đưa gia đình vươn lên thoát nghèo, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đề nghị thời gian tới, các cấp Hội LHPN cần tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của Ngân hàng trong việc cho vay vốn; nắm chắc nhu cầu vay vốn của các đối tượng tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, áp dụng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn...

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.