Hương mùa thu

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Đã cuối một mùa thu

Dòng sông mơ màng ngủ

Đâu đây tiếng chim gù

Bên đồi xanh sương phủ

 

Em vào năm học mới

Mùa thu chín trên cây

Những trái bàng thơm ngát

Hương bay tận trời mây

 

Cặp sách mang trên vai

Thơm lừng hương vở mới

Tiếng trống trường vang gọi

Hương mùa thu ngất ngây.

                        Nguyễn Lãm Thắng

Hương mùa thu  - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Bài thơ có cái tên rất quen như đã gặp ở đâu đó: Hương mùa thu.  Vậy mà, khi ta đọc vẫn thấy có biết bao điều lạ lẫm. Có lẽ không giống như hương của các loại quả, hương của hoa, hương của mùa phải được cảm  nhận bằng tâm hồn thay cho khứu giác mới  nhận ra được “Hương mùa thu ngất ngây”. Có điều, để đến với câu kết sâu lắng ấy là cả một hành trình đọc và cảm nhận. Bài thơ chia làm ba khổ, nhẹ nhàng và sâu lắng. Và, bây giờ hãy bắt đầu từ những dòng thơ đầu tiên:

Đã cuối một mùa thu

Dòng sông mơ màng ngủ

Đâu đây tiếng chim gù

Bên đồi xanh sương phủ

Dòng sông, tiếng chim và sương mù là những tín hiệu quen thuộc của mùa thu miền Bắc. Khi mưa đã nhạt, lũ không còn, con sông tự vơi đi như cách nhà thơ Phạm Công Trứ đã viết: ‘”Con sông không ốm mà gày”. Khi tiếng chim cu gọi bạn lúc xa, lúc gần, khi sương chiều về đỗ nặng là khi ta cảm nhận được mùa thu rõ ràng nhất. Có điều, thời khắc này còn là sự khởi đầu cho một sự kiện đã đi vào thi ca, nhạc họa, bởi luôn gợi lên ký ức tuổi hoa niên trong tâm hồn ta:

Em vào năm học mới

Mùa thu chín trên cây

Những trái bàng thơm ngát

Hương bay tận trời mây

Với lối thơ 5 chữ gần với lời đồng giao, nhịp thơ gợi bước chân nhí nhảnh, nhanh gấp, mau lẹ của trẻ nhỏ. Và đến đây, ta cảm nhận được nhiều sắc điệu của hương thu bên con đường tới trường của em nhỏ đến thế. Nào là, mùa thu như quả chín vừa hiện hữu vừa gợi cảm.

Giữa những tán lá đang xanh ngắt trước khi vàng úa rồi rớt xuống là những bất ngờ, những háo hức mà mùa màng dành cho em bằng 5 câu thơ như một thông tin: “Mùa thu chín trên cây”. Cũng vì thế mà hai câu thơ sau sự hào hứng, phấn khích của cái tuổi vô lo, vô nghĩ đã mở rộng trường nghĩa của bài thơ này:

Những trái bàng thơm ngát

Hương bay tận trời mây

Hương mùa thu như làm bầu trời thêm cao hơn, rộng hơn, thẩm thấu vào màu xanh của da trời, màu tinh khôi của mây trắng để làm nên vẻ đẹp của ngày đến trường. Với mỗi người, ký ức đẹp nhất là ngày đầu tiên đến trường đầy hào hứng như thế. Bài thơ khép lại bằng một phác họa rất tự nhiên về hình ảnh các cô bé cậu bé như vẫn còn đang bước tiếp, niềm vui chưa dừng lại:

Cặp sách mang trên vai

Thơm lừng hương vở mới

Tiếng trống trường vang gọi

Hương mùa thu ngất ngây.

Ba câu thơ đầu là những gì quen thuộc, gắn bó nhất với tuổi học trò. Vở mới trong cặp sách như quả chín được gùi trên vai. Em bé đến trường mà như một người đi rừng hái được bao niềm vui tự nhiên, hồn hậu.

Và, để trở nên hoàn hảo hơn cho bài thơ này, cần thêm một thanh âm bổ sung cho hương sắc mùa thu mà tác giả đã kể từ đầu đến giờ, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã tinh tế khi viết: “Tiếng trống trường vang gọi”. Không phải tiếng trống thôi thúc, tiếng trống ồn ào mà là tiếng gọi. Tiếng trống gọi vang như một người bạn gọi mình đến lớp. Tiếng gọi đó gợi lên một thế giới hình ảnh được nhân hóa, tạo ra không gian tâm hồn để cuối cùng ta nhận ra: “Hương mùa thu ngất ngây”.

Bài thơ viết từ mùa thu 2017 nhưng sẽ còn vang mãi cùng tiếng trống mỗi mùa thu tới lớp…

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.