Khổ vì “bỏ quên” quyền bình đẳng

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà có quyền bình đẳng với chồng trong vấn đề sở hữu tài sản, sinh đẻ, nuôi dạy con cái. Thế nhưng, bao nhiêu năm nay, bà dường như “bỏ quên” quyền đó. Để rồi khi hôn nhân có sự cố, bà mới hốt hoảng khi bị đẩy vào tình thế trắng tay.

Mặc định nghĩa vụ cho bản thân

Sinh đẻ, chăm sóc con cái, nội trợ, quán xuyến gia đình, làm tròn bổn phận dâu thảo… là những nghĩa vụ mà bà Nguyễn Thị Liên (Thanh Xuân, Hà Nội) mặc định cho mình kể từ khi kết hôn. Với bà Liên, nghĩa vụ đó thuộc về thiên chức của người phụ nữ, nên dù vất vả thế nào cũng phải chèo chống. Đó là lý do gần 35 năm qua, bà tảo tần lo cho gia đình không một lời oán thán người chồng vô trách nhiệm của mình. 

Bà Liên kết hôn từ năm 20 tuổi với người đàn ông do bố mẹ định hướng theo kiểu “vì cây dây leo”. Hai gia đình là chốn thâm tình, trước đó bố chồng bà Liên là “ân nhân” của bố đẻ bà do đã cứu sống ông trong một lần bị tai nạn sông nước. Kể từ đó, hai nhà kết thân, hứa hẹn sau này con cái lớn lên sẽ kết tình thông gia. Chồng bà là con trai duy nhất trong gia đình nên ngoài trách nhiệm làm vợ, làm dâu, bà còn có nghĩa vụ phải sinh con nối dõi cho nhà chồng. Đây là điều mà bà tâm niệm phải thực hiện bằng được. 

Nói về nghĩa vụ sinh con trai, bà Lan kể về nhiều cái khổ của mình, nhưng cũng chỉ để giải tỏa ấm ức của bản thân chứ không đổ lỗi cho chồng. 

- Tôi sinh liền ba bận đều là con gái đến đứa thứ tư mới là con trai; nhưng trước đó phải phá thai nhiều lần do thầy bắt mạch bảo sinh con gái – bà Liên kể.

Trong hồi ức của bà Liên, chặng đường để có con trai không khác gì đoạn trường. Việc mang thai và phá thai, chửa đẻ là nghĩa vụ của bà, chồng bà xem như không liên quan. Có những bận, bà sinh xong mới được mấy tháng, thậm chí có lần còn trong tháng ở cữ đã dính bầu trở lại. Chồng bà không có “trách nhiệm” kiêng cữ cho vợ, còn bà thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ làm vợ của mình. Chồng đòi hỏi, vợ không đáp ứng thì sẽ trở thành “tội đồ”. Thậm chí, đó còn là cái cớ để chồng bà ra ngoài tìm phụ nữ khác. Trách nhiệm tránh thai là của một mình bà, ông là “thủ phạm” nhưng luôn đứng ngoài cuộc mỗi khi có hậu quả để lại. 

Khổ vì “bỏ quên” quyền bình đẳng  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bà kể về lần bà sinh con gái thứ ba, chồng bà ra ngoài quan hệ bất chính với một phụ nữ lỡ thì. Khi bà phát hiện ra, bố mẹ chồng bà thay vì răn dạy con trai thì lại hùa với con mình quay lại đổ lỗi cho con dâu. Rằng, bà không làm tròn nghĩa vụ của người vợ nên chồng mới bí bách ra ngoài “giải quyết” nhu cầu; dù chửa đẻ thì người vợ vẫn không được quên việc phục vụ chăn gối cho chồng. Thế là chồng bà “thoát tội” và còn “cảnh cáo” lại vợ nếu cứ vin vào chuyện chửa đẻ mà lơ là phục vụ chồng thì cái ngày chồng về sống với người phụ nữ khác là không xa.

Đó cũng là nguyên nhân sau này bà liên tục bị vỡ kế hoạch. Khi bà có thai, mẹ chồng dẫn đi thầy lang bắt mạch, nếu là con gái thì lấy thuốc uống ra thai luôn, con trai mới được giữ lại sinh. 

Sinh con ra, trách nhiệm chăm sóc con cái cũng chỉ một mình bà cáng đáng. Chồng bà đi làm về chỉ biết tìm cơm vợ dọn sẵn để ăn, ăn xong tìm chỗ uống nước chè, hút thuốc, tán gẫu rồi về ngủ. Việc duy nhất ông đỡ đần vợ là thỉnh thoảng đón con đi học về khi bà lỡ việc không về kịp để đón. Mệt mỏi nhưng bà chẳng dám kêu than với ai vì cho rằng những việc đó là của mình, không thể trút cho ai. 

Cứ thế, những thứ “nghĩa vụ” mà bà mặc định cho mình ngày một đè nặng lên cuộc sống. Khổ quá, bà tự thán là do “cái số của mình” và tìm cách cố gắng chịu đựng. Phương châm sống của bà là “gái có công thì chồng không phụ”.

Tay trắng trong hôn nhân

- Bao nhiêu năm mang tiếng có chồng nhưng cũng như không. Vì mọi việc trong nhà, tôi đều phải cáng đáng, tiền bạc chồng làm ra quanh năm không biết đến đồng nào – bà Lan kể. 

Kể từ ngày làm dâu, tận tâm phụng dưỡng bố mẹ chồng lúc khỏe cũng như khi đau ốm, bà những tưởng khi ông bà mất đi, tài sản họ để lại mình cũng có phần, bởi của chồng nhưng công vợ. Nhìn cơ ngơi mà bố mẹ chồng để lại, bà nghĩ tuổi già mình sẽ an nhàn. Nếu con cái không phụng dưỡng thì đất đai rộng thế kia, ông bà bán đi một ít cũng thoải mái tiền sống già.

Thế nhưng, khi con cái trưởng thành lấy chồng, lấy vợ sống riêng, chồng bà lại tiếp tục đổ đốn lần nữa với một người phụ nữ khác bên ngoài. Khác với lần trước không để lại hậu quả, lần này ông mang con riêng về nhà công khai với họ hàng, dòng tộc. Cô vợ bé cũng thuộc hàng ghê gớm bắt chồng bà bỏ vợ để cho mẹ con cô ta danh phận chính thức. Vậy là ông kiếm cớ đòi ly hôn. 

Khổ vì “bỏ quên” quyền bình đẳng  - ảnh 2
Ảnh minh họa

- Tôi chán cảnh sống khổ sở bên người chồng chẳng được cậy nhờ nên cũng đồng ý ly hôn. Nhưng khi ra tòa, đến phần chia tài sản, ông ấy bảo tôi chẳng có gì, vì tất cả tài sản bố mẹ ông ấy để lại đều thuộc tài sản riêng của một mình ông ấy. Sau này, ông mất đi thì tài sản đó cũng chỉ để lại cho con trai, còn con gái không có phần. Tôi tá hỏa, hỏi các con, chúng nhìn giấy tờ rồi bảo, đúng là ông bà nội chỉ cho một mình bố nó - bà nói trong nỗi uất ức. 

Hóa ra, sau khi bố mẹ mất, chồng bà đã hợp thức hóa tài sản họ để lại làm thành tài sản riêng của mình. Bà nhớ lại, ông từng về bảo bà ký tên làm sổ đỏ nhà đất, bảo ông là chủ hộ nên sẽ đứng tên một mình trên giấy tờ sở hữu. Bà nghĩ đã là vợ chồng thì đều của chung nên chẳng có ý kiến, ông muốn làm gì thì làm, miễn là bà vẫn là vợ của ông, sống trên khối tài sản này. Thế nhưng, bà không nghĩ đến chuyện một ngày nào đó, bà không còn là vợ của ông nữa thì tài sản ấy nếu không đứng tên hai vợ chồng thì bà sẽ trắng tay. Và ngày đó bây giờ đã đến. 

Bà Liên không phải là trường hợp hiếm hoi bị thiệt thòi quyền lợi khi cuộc sống hôn nhân có sự cố và đến phòng tư vấn để tìm sự trợ giúp. Để đảm bảo và bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng trong hôn nhân, pháp luật đã có quy định về bình đẳng giới trong gia đình.

Theo đó, Luật Bình đẳng giới được ban hành và đưa vào thực thi trong cuộc sống. Thế nhưng, thực tế nhiều chị em có “Quyền bình đẳng” nhưng không biết cách sử dụng. Điều đáng quan tâm là Quyền bình đẳng giới trong gia đình hầu như bị những phụ nữ như bà Liên “bỏ quên”, mà không biết rằng mình có quyền được bình đẳng với chồng trong nghĩa vụ tránh thai, sinh con, chăm sóc nuôi dạy con cái, quyền được đứng tên tài sản, quyền được có tài sản chung trong hôn nhân…

Thay vào đó, họ chấp nhận thói quen phục tùng chồng, coi sự hy sinh bản thân là một nghĩa vụ. Đó không chỉ là một sự thiệt thòi cho bản thân người phụ nữ, mà vô hình chung ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình; gần nhất là con cái họ. 

Tại nhiều phiên tòa ly hôn, nhiều chị em trở thành tay trắng khi chia tài sản, trong khi rõ ràng họ có quyền được hưởng một nửa. Khi nghe hỏi sao không có tên trong sổ đỏ nhà đất, có chị thật thà trả lời rằng khi làm ông xã bảo không cần ghi cũng được, ai đứng tên cũng thế cả, ghi cả tên vợ lẫn chồng làm gì cho “chật sổ”. Nghe vậy, chị cũng đồng ý không làm thủ tục ghi tên mình vào đó. Không ngờ khi ra Tòa, anh chồng vin vào đó bảo tất cả là sở hữu riêng của mình. Vậy là người vợ trở thành tay trắng trong cuộc hôn nhân mà mình đã bỏ không ít công sức tạo dựng nên về tài sản. 

Vì thế, phụ nữ thay vì “bỏ quên” thì hãy nhận thức đúng đắn về quyền bình đẳng của mình trong gia đình, để bảo vệ quyền lợi cho bản thân cũng như của con cái của mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.