Là con gái để... “tỏa sáng” (44)

Chia sẻ

Bình đẳng giới đang là một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Đã có rất nhiều dự án, chương trình hành động với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và nâng cao nhận thức về vai trò của bình đẳng giới trong xã hội.

Song ở nhiều cộng đồng dân cư, vai trò của nữ giới vẫn chưa được coi trọng, phụ nữ và trẻ em gái vẫn chịu nhiều áp lực, thiệt thòi và cả bạo lực gia đình.

Những ước mơ được toả sáng

Nhiều năm liền, em Ngô Thị Tuyết Nhung (học sinh lớp 10, trường THPT Thường Tín, TP Hà Nội) đều đạt học sinh giỏi và giải thưởng trong các cuộc thi cấp huyện, thành phố. Thành tích học tập của Nhung trở thành niềm vinh dự cho cả gia đình. Bà Lê Thị Phượng, bà nội Nhung chia sẻ, gia đình con trai - con dâu bà chỉ làm nông nghiệp nhưng luôn phấn đấu nuôi dạy hai con gái học hành tiến bộ. “Đẻ đông con mà không có đủ kinh tế để nuôi nấng các cháu thì khổ lắm. Vợ chồng con trai tôi cũng vất vả, hay đau yếu, nên tôi khuyên các con không phải nghĩ tới việc phải có con trai bằng được. Hai cháu gái luôn ngoan, học giỏi, biết đỡ đần bà và bố mẹ là tôi mãn nguyện lắm rồi!” – bà Phượng cho biết.

Theo ông Phan Đức An, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, ở địa phương, nhiều gia đình đã nhận thức được vấn đề nếu sinh nhiều con, hoặc cố sinh để có con trai thì sẽ khó nuôi dạy con đến nơi đến chốn, con cái không được bằng bạn bằng bè, cảm thấy tự ti. Chính vì vậy, những năm qua, nhân dân xã Hà Hồi đã nâng cao ý thức về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, xóa bỏ dần tư tưởng trọng nam khinh nữ, tập trung làm kinh tế, nuôi dạy các con thật tốt, dù là trai hay gái. Với các gia đình sinh con một bề là gái mà vẫn muốn sinh thêm, xã sẽ tuyên truyền, vận động, đặc biệt nhờ các đoàn thể có tiếng nói trong lĩnh vực này như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, những người có uy tín trong cộng đồng… để góp thêm tiếng nói giúp các gia đình thay đổi hành vi, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và bất bình đẳng giới.

Dù có hai con gái, nhưng vợ chồng anh Hoàng Tấn Phúc (SN 1964, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) và vợ là chị Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1975) luôn thấy mãn nguyện với cuộc sống của gia đình mình hiện nay. Anh Phúc là con trai duy nhất của gia đình, đồng thời cũng là trai trưởng của dòng họ, nên áp lực sinh con trai nối dõi tổ tông vô cùng nặng nề. Thế nên, khi vợ chồng anh chị vừa sinh con đầu lòng là gái, người trong họ đã bóng gió nói với anh về việc phải có đứa con trai cho “đủ nếp, đủ tẻ”.

Lãnh đạo UBND xã Hà Hồi, huyện Thường Tín đến thăm gia đình em Tuyết Nhung, tặng quà và động viên hai chị em cố gắng học tốt 	Ảnh: Q.ALãnh đạo UBND xã Hà Hồi, huyện Thường Tín đến thăm gia đình em Tuyết Nhung, tặng quà và động viên hai chị em cố gắng học tốt Ảnh: Q.A

Khi chị sinh con thứ hai cũng là gái, một số người còn góp ý thẳng với anh chị về việc phải sinh thêm đứa con trai để làm tròn “trọng trách” với dòng họ. Đáp lại, vợ chồng anh Phúc lại nghĩ, cha mẹ sinh con thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục thật tốt. Con cái chăm ngoan, học giỏi, thành đạt, gia đình mới hạnh phúc được. Thế nên, anh bỏ qua những lời đàm tiếu và góp ý của mọi người, kiên quyết “dừng lại ở hai con để nuôi dạy con tốt”. Anh Phúc chia sẻ: “Chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng con cái là của trời cho nên có ép cũng chằng được. Với lại, việc thờ cúng tổ tiên không nhất thiết phải do con trai đảm nhiệm”.

Đồng lòng, anh chị quyết tâm dồn sức nuôi các cháu thành người. Đáp lại công lao của bố mẹ, 2 con gái tên Hoàng Thị Như Quỳnh và Hoàng Thị Thùy Nhung đạt những kết quả vô cùng suất sắc trong học tập. Như Quỳnh tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội loại xuất sắc, vừa ra trường Quỳnh đã có một công việc ổn định. Thùy Nhung là học sinh lớp chuyên của trường THPT Chu Văn An. Trong suốt quá trình học tập, 2 bạn còn mang về nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp quận và cấp thành phố.

Thay đổi nhận thức để thúc đẩy bình đẳng giới

Tại nhiều gia đình Việt Nam, quan niệm con gái là con người ta, con trai mới là người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên vẫn ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ. Nếu không sinh được con trai, gia đình đó sẽ không nhận được sự tôn trọng của dòng họ, hàng xóm. Do con gái sau này thường sẽ về ở nhà chồng khi đi lấy chồng, nên họ cũng lo lắng không có người chăm sóc khi về già, không có người thờ cúng khi qua đời. Do mỗi gia đình thường chỉ có từ 1-2 con, nên nếu thai nhi là gái, nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn phá thai, để mong đợi có bé trai cho lần sinh tiếp theo. Những bé gái đã không có cả cơ hội được chào đời.

Nhiều năm qua, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện, song, bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang tiếp diễn. Số liệu từ cuộc Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 chỉ ra rằng, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Thế nhưng, bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng. 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục được hỏi đã không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, đó là bởi họ sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà. Do đó, gia đình - mái ấm để yêu thương, hạnh phúc và bình yên của mỗi người, đã không còn an toàn cho những người phụ nữ và cả con, cháu họ.

Mọi người có thể tham quan online triển lãm “là con gái để toả sáng” tại trang page của Csaga	 Ảnh: H.NMọi người có thể tham quan online triển lãm “là con gái để toả sáng” tại trang page của Csaga Ảnh: H.N

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái, tức 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái. Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững đặt ra cho chúng ta 17 mục tiêu phát triển, nhưng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 là đặc biệt quan trọng nhằm “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng nhân đạo. Chương trình Nghị sự 2030 đã đưa ra cam kết không bỏ ai lại phía sau. Điều này có nghĩa là trong nỗ lực phát triển của chúng ta, trẻ em gái phải là một ưu tiên. Thế giới và cả Việt Nam cần đảm bảo mọi cơ hội cho trẻ em gái khi các em lớn lên và trưởng thành. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cần phải thay đổi, và chúng ta cần nhấn mạnh việc đem lại giá trị bình đẳng cho các bé gái trong mọi hoàn cảnh.

Tiếp tục tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Mới đây, triển lãm tranh/ảnh trực tuyến “Là con gái để toả sáng” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức chính thức được khai mạc nhằm tôn vinh vai trò, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái đối với gia đình, xã hội; Thay đổi tâm lý ưa thích con trai, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi thái độ và hành vi của mọi người đối với việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Triển lãm phản ánh những góc nhìn đa dạng, những câu chuyện chân thực về cuộc sống hàng ngày của những người bà, người mẹ, những nữ bác sĩ, y tá, và rất nhiều những người phụ nữ khác, với độ tuổi, công việc và vai trò khác nhau. Điểm chung của họ là luôn nỗ lực và cống hiến hết mình cho hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội. Triển lãm trưng bày 65 tác phẩm tranh/ảnh, được chọn lọc từ gần 380 tác phẩm dự thi của những người tham gia đến từ 23 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mọi người có thể tham quan triển lãm online từ ngày 20/10/2021 tới ngày 5/12/2021.

Đã đến lúc, chúng ta cần phải có cái nhìn công bằng hơn, rằng nữ giới và nam giới đều có giá trị, vai trò và khả năng đóng góp riêng cho gia đình và xã hội. Bất cứ ai - không phân biệt giới tính hay độ tuổi, công việc hay vị trí xã hội - đều xứng đáng được công nhận và trân trọng vì những giá trị và đóng góp của họ. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc trung tâm CSAGA chia sẻ, “thông qua triển lãm này, chúng tôi hy vọng người dân và các cặp vợ chồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, sẽ nhận thấy vai trò, giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, không tước bỏ cơ hội được sinh ra của các em gái, để các em gái được sinh ra tự nhiên vì mọi bé gái xứng đáng được công nhận và trân trọng”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.