Làm nail - nghề thẩm mỹ sắc đẹp “hái ra tiền” đang phát triển mạnh mẽ

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng cao nên những dịch vụ đáp ứng nhu cầu này ngày càng nở rộ, phát triển, trong đó có nghề làm nail. Việc chăm sóc móng đối với phái đẹp rất quan trọng, bởi một bộ móng đẹp chính là chi tiết nhỏ nhưng “có võ” giúp bạn tự tin hơn.

Nghề nail phát triển trên khắp thế giới 

Nghề làm nail (làm đẹp móng tay) đã manh nha xuất hiện trên thế giới từ khoảng 4.000 năm trước và chỉ phục vụ tầng lớp quý tộc. Lúc đó, người ta sử dụng dụng cụ bằng vàng thật để đẩy móng và cắt da, dùng cây lá móng để sơn màu. Tại Trung Quốc, vào triều đại nhà Minh thì các móng được sơn đỏ, đen để biểu hiện cho tầng lớp quý tộc, hoàng gia. Chỉ cần nhìn màu móng tay là sẽ biết người đó thuộc tầng lớp nào.

Đến thời kỳ 2300 TCN, tại Ai Cập, móng tay màu đỏ tượng trưng cho tầng lớp cao nhất trong xã hội, khẳng định vị thế. Sau đó, ngành nail đã tiến dần sang châu Âu, châu Mỹ. Và đến đầu những năm 1975, ngành này mới bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn. Ban đầu, làm nail chỉ dành cho những người nổi tiếng trong ngành điện ảnh. Sau đó, do nhu cầu của mọi người ngày càng nhiều nên có nhiều xu hướng mới làm đẹp cho móng và nhiều cửa hàng nail ra đời. Theo tính toán, một thợ làm nail ở Mỹ có thể nhận mức lương từ 3.000 - 4.000 USD/tháng (khoảng 70-90 triệu đồng/tháng), còn ở Séc hay các quốc gia khác, mức thu nhập có thể vào khoảng 2.500-3.000 USD/tháng (Khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng). 

Làm nail - nghề thẩm mỹ sắc đẹp “hái ra tiền” đang phát triển mạnh mẽ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thị trường làm nail phát triển thu hút đông đảo lao động theo nghề này. Theo số liệu thống kê của iResearch, Trung Quốc có hơn 370.000 tiệm nail với hơn 2.6 triệu lao động. Hoa Kỳ có hơn 60.000 tiệm nail với lao động chủ yếu là người gốc Việt. Theo ước tính, có khoảng 10.000 tiệm nail tại Việt Nam. Thị trường lao động nghề này đang cần nguồn nhân lực lớn, chất lượng cao. Hiện nay, mức chi trả cho dịch vụ làm đẹp của phụ nữ Việt ngày càng cao và có xu hướng tăng trong tương lai. Theo kết quả nghiên cứu về doanh số của thị trường sản phẩm và dịch vụ làm đẹp tại Việt Nam, có 68% phụ nữ thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng sẵn sàng chi trả để làm đẹp. Trong đó 73% sử dụng dịch vụ tóc và làm móng. Hàng ngàn tiệm nail lớn nhỏ ở khắp các phố phường từ thành thị đến nông thôn mở ra cho thấy sự phát triển đầy sôi động của nghề này.

Khảo sát thực tế cho thấy mức thu nhập nghề nail của lao động làm ở các thành phố lớn khoảng từ 10-15 triệu đồng/1 người/tháng, ở khu vực nông thôn cũng được từ 7-10 triệu đồng/tháng. Riêng với một số lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao thu nhập có thể cao hơn, gấp đôi, thậm chí là gấp 3 với những người làm chủ cơ sở nail. Đây là mức thu nhập khá so với thu nhập nghề sale, thu nhập nghề cắt tóc... hay các nghề khác. Nhiều khách hàng có xu hướng mỗi tháng lại thay đổi cho mình 2-3 bộ nail khác nhau từ những bộ nail đơn giản đến đa dạng, không chỉ sơn màu như xưa nữa. Vào những dịp lễ Tết, các tiệm nail thường xuyên kín lịch, không đủ nhân sự. Khách hàng phải đặt lịch trước cả vài ngày, thậm chí cả tuần. Có những tiệm nail dịp đông khách đến 12 giờ đêm vẫn sáng đèn. Nhiều chủ tiệm nail chấp nhận tăng lương để có nhân viên làm đến 30 Tết. 

Làm nail - nghề thẩm mỹ sắc đẹp “hái ra tiền” đang phát triển mạnh mẽ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nắm bắt xu hướng làm đẹp, hiện nay ngoài cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, một số trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam đã bắt đầu mở các ngành đào tạo liên quan đến ngành chăm sóc sắc đẹp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đào tạo nghề chăm sóc sắc đẹp, trong đó có bộ môn làm nail - làm móng. Như Trường Cao đẳng Việt Mỹ, Trường Cao đẳng Y Hà Nội, Cao đẳng FPT (Hà Nội); Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Văn Lang... đã mở các ngành đào tạo liên quan đến chăm sóc sắc đẹp và nhận được sự quan tâm rất lớn của học sinh. 

Ngoài ra, ngành chăm sóc sắc đẹp, trong đó có làm nail cũng thường xuyên có nhiều chương trình giao lưu, trao đổi, học hỏi nâng cao tay nghề, đơn cử như “Liên hoan tay nghề ngành thẩm mỹ, làm đẹp và kết nối giao thương toàn quốc năm 2023” sẽ diễn ra từ 12 – 13/5/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội.

Cần chú ý an toàn khi làm dịch vụ nail

Việc làm đẹp móng tưởng chừng đơn giản nhưng ít ai ngờ tới nó chính là nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cho các chị em nếu dụng cụ làm móng không được vệ sinh cẩn thận hay sử dụng sản phẩm sơn móng kém chất lượng. Theo các chuyện gia da liễu cho biết, các loại sơn móng tay có giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể chứa nhiều hóa chất độc hại như benzen, toluen, aceton... Khi các chất độc hại này tích lũy nhiều trong cơ thể thì sẽ gây bệnh ung thư da. Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng Thí nghiệm Vật lý ứng dụng, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì tất cả các hóa chất sử dụng trong làm đẹp móng đều độc hại, tác động xấu tới sức khỏe.

Làm nail - nghề thẩm mỹ sắc đẹp “hái ra tiền” đang phát triển mạnh mẽ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Người thợ làm móng và người đi làm móng đều nhiễm độc ở các mức độ khác nhau. Các chất dung môi, chất tạo màu này đi vào cơ thể qua đường hô hấp, nhiễm qua da, móng… “Nếu muốn làm đẹp thì chị em nên chọn loại sơn có thương hiệu, giá thành cao hơn rất nhiều loại sơn móng trôi nổi. Loại sơn móng đắt tiền sẽ hạn chế được thấp nhất mức độ độc hại của các hóa chất khi tiếp xúc. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng không có loại sơn móng nào là tuyệt đối an toàn cho sức khỏe” - PGS.TS Phạm Văn Nho chia sẻ. Thu Trang, chủ tiệm nail (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, tại tiệm của Trang luôn khuyến khích khách hàng tự chuẩn bị dung cụ riêng theo đúng ý của mình. Ngoài ra, các loại sơn móng của tiệm nail đều là hàng chuẩn bóng mịn, chất lượng, không sử dụng hàng trôi nổi, giá thành rẻ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng cũng như chính thợ làm nail.

Bên cạnh đó, các địa chỉ làm nail không có đầy đủ dụng cụ chuyên nghiệp, dùng chung cho nhiều khách hàng, không vệ sinh đúng nguyên tắc… gây ra nhiều hệ lụy khi dùng chung kềm bấm và sơn móng tay ở tiệm nail. Theo các chuyên gia, việc khử trùng dụng cụ bằng cồn hoặc axeton không đảm bảo tiêu diệt toàn bộ các vi khuẩn gây bệnh. Chính điều này dẫn đến khách hàng có thể bị nhiễm trùng, bị lây bệnh nấm móng, chín mé… hay đặc biệt nguy hiểm là nhiễm viêm gan B, C, kể cả HIV từ những khách hàng mắc bệnh trước đó. Muốn diệt hết vi khuẩn trên các dụng cụ làm móng cần phải khử trùng theo quy trình tương tự như khử trùng các dụng cụ y tế trong các bệnh viện với dụng cụ và chất khử trùng chuyên ngành, được bảo quản đúng cách.

Do đó, thay vì trông chờ vào việc khử trùng dụng cụ đúng cách và an toàn của các thợ làm móng, cách tốt nhất để chị em tự bảo vệ sức khỏe của mình là nên chủ động mang theo bộ dụng cụ làm móng riêng cho mình để sử dụng mỗi khi tới tiệm nail. Khi mua nên chọn các thương hiệu uy tín, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, quy trình sản xuất loại bỏ các vi khuẩn gây hại. Ngoài ra, nên chọn bộ kềm được sản xuất từ các loại thép cao cấp để hạn chế gỉ sét trong quá trình sử dụng. Bạn cũng nên hạn chế việc làm móng, cắt da, chỉ nên làm móng vào những dịp đặc biệt hay ngày lễ Tết… để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, nên chọn những cơ sở làm nail uy tín, có trang thiết bị hiện đại, vệ sinh an toàn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.