Làm sao để việc ở nhà chăm con trở nên hoàn hảo?
(PNTĐ) - Khi lấy chồng và sinh con, nhiều phụ nữ đã gác lại công việc, sở thích, thú vui riêng để ở nhà chăm sóc con trong những năm đầu đời. Với nhiều người, đó là sự hy sinh nhưng cũng có người cho rằng đó là sự lựa chọn đúng đắn khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Báo Phụ nữ Thủ đô có bài phỏng vấn Thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Ngô Thị Thu Huyền, Giám đốc văn phòng Tâm Lý và Đời Sống về vấn đề này.
Thưa chuyên gia, không ít phụ nữ sau khi có con đã chọn giải pháp bỏ việc để toàn vai người mẹ. Nhưng cũng có nhiều người kiên định với quan điểm: Làm mẹ bây giờ khác ngày xưa, người mẹ phải có trách nhiệm với công việc, với bản thân, xã hội nữa. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Theo quan niệm lễ giáo, người phụ nữ Việt Nam ngày xưa có bổn phận là chăm sóc con cái cũng như làm mọi công việc từ không tên đến có tên trong gia đình (chợ búa, nấu ăn, giặt giũ…). Tuy nhiên, ngày nay, phụ nữ được học hành và có công việc ổn định, có vị trí ngoài xã hội. Sau khi sinh con, họ quay lại với công việc và gửi con cho ông bà/giúp việc chăm sóc.

Thế nhưng, có những phụ nữ dù đã có vị trí cao trong xã hội, công việc cho thu nhập tốt vẫn chọn nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con nhỏ. Theo tôi, đó là sự lựa chọn cá nhân. Nguyên nhân khiến họ lựa chọn như vậy vì các lý do:
- Họ đề cao giá trị gia đình và con trẻ: Ai cũng vậy, ở mỗi thời điểm trong cuộc đời sẽ có những “nhiệm vụ” quan trọng được ưu tiên hàng đầu. Với phụ nữ, khi làm mẹ, họ phải dành thời gian, sức lực, tài chính để tập trung hoàn thành thiên chức đó. Những người lựa chọn chỉ ở nhà và chăm sóc con có nghĩa là họ chưa đủ tin tưởng để giao phó “núm ruột” của mình vào bàn tay người khác. Họ cũng mong muốn dành toàn thời gian để bên cạnh con, chứng kiến con khôn lớn trưởng thành và hỗ trợ kịp thời cho con trong quá trình phát triển.
- Chọn một cuộc sống ít căng thẳng hơn: Trong gia đình, khi phụ nữ ở nhà chăm sóc con, gia đình đó sẽ bớt đi áp lực mà cả bố mẹ cùng đi làm như phải dậy sớm, chuẩn bị ăn sáng, đưa con đến trường, hối hả đến công sở, chiều về đón con, chợ búa…
- Các lý do tài chính: Gia đình sẽ cân nhắc việc người vợ đi làm với các chi phí để trông giữ con và chăm sóc gia đình. Nhiều khi, việc người vợ ở nhà là lựa chọn có lợi hơn hẳn ở khía cạnh này.
Tuy nhiên, khi lựa chọn ở nhà chăm con, làm nội trợ, người phụ nữ cần phải xem xét thêm các yếu tố khác ảnh hưởng đến như bản thân sẽ bị phụ thuộc vào kinh tế của chồng; thu hẹp các mối quan hệ xã hội; có thể sẽ bỏ bê việc chăm sóc bản thân, làm đẹp; có thể một mình gánh vác những việc không tên trong gia đình… Do đó, người phụ nữ cần thảo luận rõ ràng với bạn đời về việc có kế hoạch tài chính, chia sẻ gánh nặng việc nhà, biết dành thời gian riêng cho bản thân… để luôn chủ động trong cuộc sống của mình.

Ảnh: Quỳnh An
PV: Thực tế hiện nay, xã hội nhìn nhận như thế nào đối với những phụ nữ chỉ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con mà không đi làm để tạo ra thu nhập, thưa chị?
Từ xưa đến nay, quan niệm của người Việt Nam thường đề cao vai trò của phụ nữ trong nội trợ, quản lý gia đình. Phụ nữ được coi là “tay hòm chìa khóa”, “người xây tổ ấm”, có nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình theo hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của các thành viên… Song thực tế, nhiều người vẫn coi nhẹ công việc nội trợ và chăm con của phụ nữ trong gia đình. Do đó, khi một phụ nữ ở nhà chăm sóc con, thì nhiều người bị coi thường vì phụ thuộc tài chính từ chồng. Mặt khác, việc người mẹ “kè kè” bên con quá nhiều cũng không thuận lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ bởi, trẻ cần được mở rộng mối quan hệ với người khác để học hỏi và thích nghi…
Song tôi cho rằng, việc ở nhà làm nội trợ, chăm con không hạ thấp phẩm giá của người phụ nữ, mà ngược lại, đó là công việc tốt đẹp: Chăm sóc và giáo dục con trẻ, cống hiến thời gian cho sự phát triển của con cái. Do đó, chúng ta cần phải đề cao vai trò truyền thống của họ trong việc chăm sóc bầu không khí gia đình – cái nôi đạo đức và nền nhân cách của mỗi đứa trẻ.
Theo chị, họ có cần nhận được sự ghi nhận cũng như hỗ trợ gì từ chồng và những người thân khác?
Việc lựa chọn ở nhà chăm sóc con thường được tôn trọng vì đó là quyền của mỗi người sống theo cách của mình. Tuy nhiên, cần chú ý tới việc người phụ nữ đó cảm nhận như thế nào về lựa chọn này và gia đình tổ chức cuộc sống như thế nào để cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong gia đình đảm bảo điều kiện đủ cho tổ ấm hạnh phúc. Sự chia sẻ, đồng cảm và nâng đỡ nhau vẫn cần là một văn hóa trong gia đình - nền tảng của sự ghi nhận và của mối quan hệ chất lượng giữa các thành viên.

Là chuyên gia tư vấn tâm lý, chị có lời khuyên nào cho phụ nữ trong trường hợp phải lựa chọn giữa việc ở nhà chăm sóc con và việc quyết định tiếp tục công việc của mình, giúp họ có cuộc sống tự chủ, độc lập và khéo léo hơn trong xây dựng hạnh phúc cá nhân và tổ ấm gia đình?
Việc lựa chọn cách sống nào là phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân mỗi người: Với mỗi hệ giá trị riêng, tính cách riêng của người đó trong bối cảnh văn hóa mà người đó sống. Tôi có thể gợi ý tới một số bí quyết sau:
- Tại thời điểm này, phụ nữ cần xác định lựa chọn nào là phù hợp: Hãy tính đến các nguồn lực của mình trong điều kiện kết hợp với chồng, với gia đình hai bên. Trên cơ sở xem xét, cân đong, bạn sẽ biết lựa chọn nào là ưu việt hơn, là tốt nhất có thể lúc đó. Khi bạn đã lựa chọn thì sự chịu trách nhiệm sẽ được huy động nhiều nhất để nhất quán và bảo vệ lựa chọn.
- Bạn có thể thay đổi lựa chọn nếu có những tình huống khác phát sinh. Không phải lúc nào cũng phải đi mãi một lối mòn tức là mãi tuân theo một quyết định xưa cũ. Trên thực tế, tình huống thay đổi, cuộc sống thay đổi, và con người cũng cần thích nghi. Con đường sống luôn có rất nhiều, bạn cứ “gõ” thì cánh cửa cơ hội của hạnh phúc và thành công sẽ mở.
- “Đối thoại” là từ khóa. Bạn cần đối thoại với chính mình về nhu cầu, mong muốn và hiểu các giá trị của bản thân, sau đó, đối thoại nhiều nhất có thể với bạn đời và gia đình. Chú ý sử dụng ngôn ngữ hòa bình, tức là ngôn ngữ của sự rõ ràng, chân thành, và thấu cảm. Vì nếu bạn trò chuyện không hiệu quả, thì bạn có nói nhiều tới đâu, cũng không mang tới sự kết nối giữa người – với người, và do đó không có được sự hợp tác như ý, chưa nói tới những hiểu nhầm, những suy diễn phá hoại các mối quan hệ. Kỹ năng đối thoại này rất đơn giản, nếu bạn chưa tự tin, bạn có thể tìm kiếm một khóa học về giao tiếp phi bạo lực, hay các khóa học về tâm lý ngắn hạn để hiểu hơn về sức khỏe tâm trí trong đời sống hàng ngày.
Xin cảm ơn chuyên gia!