Lan tỏa nếp sống thanh lịch từ môn Giáo dục địa phương

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Giáo dục địa phương là một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông. Mặc dù Hà Nội đã tiến hành biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội và bước đầu đưa vào giảng dạy, nhưng rất khó khăn vì đội ngũ giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội. Vì vậy, Thành phố đã triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đến nay, đã có 5.000 giáo viên hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học.

Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Hà Nội, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng của nhân dân Thủ đô nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước rất cần đến việc phổ biến kiến thức về Hà Nội trên các lĩnh vực cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là cần phổ biến trong trường học để giáo viên và học sinh Thủ đô nắm được.

Kiến thức Hà Nội học có vai trò rất quan trọng đối với người dân Thủ đô và người dân cả nước bởi nó cung cấp các thông tin và đặc trưng cơ bản về địa bàn nhân lõi và quan trọng nhất của đất nước, về các nguồn tài nguyên, về dân cư và con người Hà Nội. Đặc biệt những kiến thức về lịch sử, văn hóa Hà Nội sẽ giúp người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung tự hào về truyền thống, nét thanh lịch của người Hà Nội, biết trân quý những di sản văn hóa trên mảnh đất vốn gần như liên tục là trung tâm đầu não chính trị của đất nước suốt hơn nghìn năm lịch sử. Từ đó nâng cao khát vọng và ý thức trách nhiệm của công dân Thủ đô và công dân đất nước trong việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp mà các thế hệ cha ông để lại, phát huy và nâng tầm những giá trị vốn có của Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô Văn hiến, Thành phố vì Hòa bình, Thành phố Sáng tạo.

Căn cứ vị thế đặc thù của Hà Nội, căn cứ vào mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Thành phố đặt ra là “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; để thực hiện có hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Đặc biệt đáp ứng vấn đề trước mắt và lâu dài của ngành giáo dục Thủ đô là cần có đội ngũ giáo viên có kiến thức chuyên sâu về Hà Nội để truyền tải cho học sinh thông qua môn học Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội ở các cấp học khác nhau, ngày 11/11/2022, Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Lan tỏa nếp sống thanh lịch từ môn Giáo dục địa phương - ảnh 1
Tiết học Giáo dục địa phương tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội). 

Trước đó, từ năm 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chủ trương đưa nội dung giáo dục nếp sống văn minh của người Hà Nội vào dạy cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn Thủ đô.

Ngay sau khi Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018, Hà Nội đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn TP Hà Nội với mục đích chuẩn bị các điều kiện và tổ chức triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuẩn bị đội ngũ để thực hiện Chương trình GDPT 2018 là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố. Theo đó, căn cứ lộ trình triển khai áp dụng Chương trình GDPT 2018, xác định đối tượng và số lượng giáo viên, nhân viên cần đào tạo, bồi dưỡng từng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên, nhân viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Tại hội nghị tổng kết các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông Hà Nội do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 4/10/2024, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học được triển khai từ tháng 7 đến tháng 10/2024, với sự tham gia của hơn 5.000 giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố. Sau 3 tháng triển khai, các lớp bồi dưỡng đã hoàn thành các nội dung theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng. Hiện nay, Thành ủy Hà Nội tiếp tục giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa môn Hà Nội học vào dạy trong các nhà trường.

Vẫn còn bất cập khi triển khai

Từ năm học 2020-2021, cùng với việc thực hiện Chương trình GDPT mới thì môn Giáo dục địa phương TP Hà Nội cũng đã được đưa vào dạy thí điểm và dạy chính thức cho học sinh phổ thông. Kết quả bước đầu khảo sát ở một số trường cho thấy giáo viên đảm nhận việc dạy môn học này đang rất lúng túng cả về tài liệu giảng dạy, phương pháp lên lớp. Nguyên nhân là do giáo viên chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu về Hà Nội, chưa được trang bị về phương pháp truyền tải có hiệu quả kiến thức về Hà Nội học cho học sinh. Khó khăn về việc đưa học sinh đi trải nghiệm, học tập tại các di tích, địa điểm ngoài trường. Cùng với đó là cơ sở vật chất, không gian văn hóa, học liệu để nghiên cứu học tập những nội dung kiến thức liên quan đến Hà Nội còn thiếu, chưa được đầu tư.

Lan tỏa nếp sống thanh lịch từ môn Giáo dục địa phương - ảnh 2
Học sinh Hà Nội Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) trải nghiệm môn học Giáo dục địa phương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Trường THPT Đống Đa

Từ thực tiễn đó cần có chiến lược nghiên cứu về Hà Nội học và đào đạo nguồn nhân lực cốt lõi (giáo viên) để truyền dạy, phổ biến kiến thức về Hà Nội ở mọi lĩnh vực cho thế hệ trẻ Thủ đô. Do đó, Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu đến năm 2025, tổ chức bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên tại các trường phổ thông của Hà Nội: Đảm bảo 100% giáo viên giảng dạy môn Giáo dục địa phương ở 3 cấp học (Tiểu học, THCS, THPT) đều được bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học. Đảm bảo 10% giáo viên của Hà Nội ở các cấp học được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học. Đảm bảo môi trường phổ thông ở các cấp học trên địa bàn TP Hà Nội có 1 cán bộ quản lý trong Ban Giám hiệu phụ trách chuyên môn được bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học.

Cùng với đó là tổ chức đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học cho sinh viên sư phạm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đến năm 2025, đảm bảo 100% sinh viên sư phạm (tuyển sinh từ năm 2022 trở đi (Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Giáo dục công dân) được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Về trang bị cơ sở vật chất: Xây dựng 1 không gian Hà Nội thu nhỏ tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với diện tích 500m2 với các mô hình thu nhỏ nhằm phục vụ việc dạy và học Hà Nội học.

Đến năm 2030: Tiến hành tổ chức bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông. Đảm bảo 100% cán bộ quản lý trong Ban Giám hiệu các của các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội được bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học. Đảm bảo 30% giáo viên phổ thông của Hà Nội được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về Hà Nội học. Rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện chương trình, bộ tài liệu giảng dạy kiến thức Hà Nội học.

Tầm nhìn đến năm 2045: Toàn thể đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục Thủ đô được bồi dưỡng và có năng lực truyền đạt nội dung Hà Nội học đến học sinh Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

(PNTĐ) - Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển. Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là các bé gái được quan tâm hơn. Có được kết quả đó, cùng với các chính sách của Thành phố, còn phải kể tới việc nâng cao nhận thức của người dân ngay từ trong gia đình
Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô

Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô

(PNTĐ) - Trong chuyến đi đặc biệt tìm lại những nhân chứng lịch sử tham gia giải phóng Thủ đô, chúng tôi may mắn được gặp Đại tá Lê Văn Tính, chiến sĩ liên lạc Đại đội 283, Trung đoàn Thủ đô. 17 năm làm lính cụ Hồ, với Đại tá Lê Văn Tính, đó là đoạn đời nên thơ. Đặc biệt, ký ức về ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Hà Nội trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già.
70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô có dịp trò chuyện cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô về những đổi thay của Hà Nội trong suốt 7 thập kỷ đổi mới và phát triển.