Lan tỏa niềm tự hào về di sản

Thảo Mộc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, tại Hà Nội đã sôi nổi diễn ra loạt hoạt động tôn vinh, quảng bá những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể kéo dài hết 31/12. Chuỗi hoạt động không chỉ góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản truyền thống mà còn gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Hà Nội, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Muôn nẻo đường tôn vinh di sản

Đậm nét là chuỗi hoạt động do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức. Nổi bật là chương trình với chủ đề "Muôn nẻo đường tơ". Đây là câu chuyện về tơ lụa được nhiều lần nhắc đến trong các hoạt động văn hóa, tuy nhiên năm nay ý tưởng này sẽ mang đến nhiều sự mới mẻ, tính ứng dụng với các loại hình nghệ thuật khác nhau. “Những bộ sưu tập từ truyền thống kết nối với hiện đại. Các họa sĩ, nghệ sĩ ứng dụng trong tác phẩm nghệ thuật của mình qua chính các chất liệu tơ lụa. Ngoài ra, hoạt động này cũng giới thiệu sản phẩm, quy trình hình ảnh gia đình nghệ nhân làm tơ lụa, để đưa tới công chúng cái nhìn khác so với hình ảnh đơn thuần truyền thống ngày xưa", bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết.

Lan tỏa niềm tự hào về di sản - ảnh 1
Một thiết kế lấy cảm hứng từ hoa đào

Giữa không gian cổ kính của phố phường Hà Nội, đêm diễn thời trang với chủ đề “Muôn nẻo đường tơ" đã giới thiệu tới công chúng những bộ thời trang sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, góp phần tôn vinh văn hóa Hà Nội. Sự kiện mở màn chuỗi hoạt động văn hóa tại phố cổ Hà Nội này đã giới thiệu bộ sưu tập trang phục từ tơ tằm, lụa của các làng nghề Việt Nam kết hợp với biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại. Nhà thiết kế Trịnh Thủy thông qua sưu tập của mình còn nói lên câu chuyện truyền thống trong gia đình Hà Nội, giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Đó cũng là một cách để lưu giữ di sản văn hóa.

Trong khuôn khổ tuần hoạt động mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, suốt tuần qua tại các di tích, danh thắng, những điểm đến văn hóa tại khu vực phố cổ Hà Nội và hồ Hoàn Kiếm liên tục diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa như: Tọa đàm “Nghề dệt lụa Việt Nam gắn với phát triển bền vững” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội; biểu diễn âm nhạc truyền thống “Long Thành cổ tích”. Tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật, số 22 phố Hàng Buồm có hòa nhạc di sản cổ truyền và đương đại Việt Nam “Xưa và nay”… Các hoạt động chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 tại khu vực phố cổ kéo dài đến hết ngày 31/12/2022. Tại các sự kiện, rất đông đảo bạn trẻ đã tới tham dự, cho thấy người trẻ đã quan tâm hơn tới các giá trị di sản và có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa truyền thống của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây là dấu hiệu tích cực để câu chuyện di sản được kể một cách có ý nghĩa. 

Cùng với đó, hàng loạt sự kiện sôi động được tổ chức nhân dịp này cũng đã góp phần vẽ nên bức tranh khái quát về hệ giá trị của di sản Hà Nội cũng như của Việt Nam, xây dựng niềm tự hào chung về Thủ đô, về đất nước đối với người dân Việt. 

Lan tỏa niềm tự hào về di sản - ảnh 2
Các thiết kế trong bộ sưu tập “Hoa cúc và Mặt trời” của Lasen Vũ  

Thú vị cách đưa di sản lên thời trang 

Diễn ra trong tuần lễ kỷ niệm ngày Di sản Việt Nam, tại Hà Nội đã diễn ra Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2022 với chủ đề #TasteOfHeritage (Cảm hứng di sản). Tuần lễ thu hút không chỉ đông đảo giới mộ điệu thời trang mà cả những người nghiên cứu, quan tâm đến câu chuyện của di sản. 

Sở dĩ Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2022 được quan tâm với nhiệt độ tăng mạnh hơn hẳn là bởi sự kiện đã vắng bóng 3 năm bởi dịch Covid-19. Vì vậy, Tuần lễ lần thứ 14 này được diễn ra với rất nhiều mong chờ, hy vọng về một sự bứt phá trong thời trang sau những năm trầm lắng bởi đại dịch. Qua những gì diễn ra ở Tuần lễ, mong chờ đó đã được được khẳng định, các nhà thiết kế (NTK) Việt khiến giới mộ điệu tự hào khi đem đến những bộ sưu tập ấn tượng cùng những câu chuyện kể thú vị về di sản, vẻ đẹp truyền thống Việt, hoàn toàn có thể tự tin sánh vai các NTK quốc tế. 

Lan tỏa niềm tự hào về di sản - ảnh 3
Các hoạt động tôn vinh di sản ở phố cổ Hà Nội 

Với chủ trương thời trang tiếp sức trong việc bảo tồn, phát huy vẻ đẹp của những di sản văn hóa Việt Nam, 18 NTK, thương hiệu thời trang lớn trong nước và quốc tế đã đem đến những góc nhìn phản chiếu ấn tượng và mới mẻ xoay quanh câu chuyện di sản. Có thể kể đến bộ sưu tập có tên “Sương” của nhà thiết kế Hoàng Minh Hà được trình diễn trong đêm mở màn. 39 thiết kế trong bộ sưu tập vừa tôn vinh đường cong quyến rũ, uyển chuyển của người phụ nữ vừa tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Bắc bộ. Đó là vẻ đẹp của đóa hoa đào mùa Xuân, của cảm hứng từ nón quai thao miền Quan họ, cách điệu những nét đẹp di sản qua họa tiết hình Tháp Rùa, Vịnh Hạ Long, ruộng bậc thang… Tất cả đều được thể hiện tinh tế, khéo léo. Bên cạnh đó, NTK Đức Hùng với bộ sưu tập “Dệt nắng đông” mang hơi thở truyền thống rất đậm đà, đầy cảm hứng văn hóa dân tộc với chất liệu, họa tiết đều tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam. Các bộ sưu tập của NTK Vũ Việt Hà, La Sen Vũ… cũng ghi dấu ấn bởi cách đem nét đẹp văn hóa Việt vào thời trang hết sức tinh tế, cuốn hút.

Bộ sưu tập áo dài “Hoa cúc và mặt trời Đại Việt” của NTK La Sen Vũ ghi điểm với giới mộ điệu khi tôn vinh những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt. Lấy cảm hứng từ những hình ảnh đặc trưng đậm chất văn hóa Bắc Bộ như hoa cúc, hoa sen, chim hạc, chim phượng hoàng quyền quý…, bộ sưu tập được hình thành dựa trên những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu như: TS. Trần Hậu Yên Thế, Nghệ nhân Vũ Kim Lộc, nhà nghiên cứu Hiếu Trần… Từ đó, các thiết kế đã kể câu chuyện về biểu tượng mặt trời – hoa cúc được phát hiện trang trí trong toàn bộ hệ thống mũ miện của nhà Nguyễn. Từ đây đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, và đã cho thấy không chỉ ở nhà Nguyễn mà các triều đại trước đó cũng đã sử dụng hình tượng mặt trời – hoa cúc làm biểu tượng của vương quyền, đặc biệt là còn phát hiện ngay ở thời kỳ dựng nước là nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc cũng đã sử dụng mặt trời – hoa cúc trên trống đồng Đông Sơn. Bộ sưu tập của NTK La Sen Vũ là một nỗ lực cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

Lan tỏa niềm tự hào về di sản - ảnh 4
Thiết kế cảm hứng từ nón quai thao miền Quan họ của nhà thiết kế Hoàng Minh Hà

Các bộ sưu tập của các NTK Việt đã đều cùng chứng minh một điều: Hệ giá trị di sản Việt, vẻ đẹp văn hóa Việt luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thời trang. Họ thiết kế, sáng tạo với niềm tự hào được góp sức tôn vinh di sản, giá trị truyền thống Việt, từ đây giới thiệu với bạn bè quốc tế về bản sắc văn hóa lâu đời và bền vững của Việt Nam. 
Để nhấn mạnh hơn dấu ấn truyền thống, cảm hứng di sản đậm nét của Tuần lễ, sân khấu của Tuần lễ với hình ảnh Tháp Rùa - biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến đã được tái hiện một cách sáng tạo, như diễn viên Quỳnh Nga khi tham dự sự kiện chia sẻ, đã tạo nên một tổng hòa ấn tượng, cho người xem cảm nhận đủ đầy về cảm hứng di sản giữa dòng chảy đương đại. 

Với Thủ đô ngàn năm văn hiến, với đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa hơn 4.000 năm, di sản cũng như bản sắc văn hóa lâu đời luôn là nguồn cảm hứng bất tận, không bao giờ cạn đối với những người làm nghệ thuật, thời trang. Bằng những sáng tạo của mình, những người hoạt động nghệ thuật đang cùng chung tay bảo vệ, truyền cảm hứng tình yêu di sản, văn hóa truyền thống Việt cho hôm nay và mai sau.  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.