Làng rèn Đa Sỹ bền bỉ giữ nghề

Chia sẻ

Ngôi làng cổ nổi tiếng với sản phẩm dao kéo mang tên nghề rèn truyền thống Đa Sỹ, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội đã nổi tiếng khắp cả nước và đã xuất khẩu đi các nước lân cận. Ngày nay, người thợ rèn Đa Sỹ vẫn cần mẫn làm nghề và giữ nghề thủ công như giữ một nét văn hóa truyền thống đáng quý.

Sử sách còn ghi, làng Đa Sỹ trước đây có tên là làng Sẽ, sau đổi thành Đan Khê, Huyền Khê, Đan Sỹ, từ giữa thế kỷ 18 làng tên Đa Sỹ. Nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó người dân rèn các vũ khí thô sơ như giáo, mác, đao, kiếm cung cấp cho các lạc hầu, lạc tướng, giữ yên bờ cõi và rèn công cụ phục vụ lao động sản xuất. Đến thời Trần, đầu thế kỷ 13, Đa Sỹ chính thức trở thành làng rèn như ngày nay là nhờ có hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đến mảnh đất này truyền dạy nghề cho người dân địa phương. Từ đó đến nay, tiếng búa, tiếng rèn trở thành âm thanh quen thuộc đối với dân làng Đa Sỹ.

Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ cho biết, từ khi hai cụ Nguyễn Thuần, Nguyễn Thuật quê ở Thanh Hóa đến truyền dạy thêm để làng nghề có nhiều sản phẩm hơn. Sau khi hai cụ mất, làng nghề chúng tôi tôn thờ hai cụ là ông tổ làng nghề. Hiện nay ban thờ hai cụ ở trong đình làng. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện xây dựng cho làng nghề có thêm gian nhà thờ tổ nghề và quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề để thu hút cho con cháu giữ nghề, phát triển nghề. Hàng năm, chúng tôi tổ chức ngày giỗ tổ nghề vào 27/3 và 25/8 âm lịch (ngày hai cụ mất), để tưởng nhớ công lao to lớn của những người dạy nghề cho dân.

Qua hàng nghìn năm, nghề rèn ở Đa Sỹ vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú hơn về kiểu dáng, chủng loại, kích thước, nổi tiếng khắp cả nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân.

Nghệ nhân Hoàng Văn CungNghệ nhân Hoàng Văn Cung

Gia đình nghệ nhân Hoàng Văn Cung là một trong những hộ làm dao kéo có uy tín ở Đa Sỹ. Với đam mê nghề rèn từ năm 12 tuổi, ông Cung đã nối nghề từ người cha. Qua 40 năm gắn bó với nghề rèn, ông Cung đã kế thừa từ những kinh nghiệm quý báu và lại truyền cho hai người con nối nghiệp. Mỗi ngày, gia đình ông làm hơn chục con dao chặt và gần 100 con dao loại nhỏ theo đơn đặt hàng từ Bắc tới Nam.

Công đoạn để làm ra một sản phẩm dao kéo ở Đa Sỹ rất công phu. Từ khâu chọn nguyên liệu thép đến đưa vào lò nung đủ độ. Theo ông Cung, để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, các công đoạn phải kết nối với nhau từ lúc làm phôi đến hoàn thiện sản phẩm. Ví như, cắt phôi phải phát hiện xem cùng một nhíp, phôi nào cứng mềm để khi gia công rèn cho vào nhiệt (tôi luyện) phải phân biệt từng loại với độ nhiệt khác nhau, cho ra sản phẩm sắc ngọt.

Nghệ nhân Hoàng Văn Cung cho biết, nghề của địa phương thì mấy trăm năm, gia đình tôi cũng có 3 thế hệ làm nghề. Đến nay, vẫn giữ được nét đặc sắc, độ bền, độ sắc, độ tinh xảo của sản phẩm thủ công mà làm bằng máy móc không có được. Thế hệ chúng tôi đã yêu nghề rồi vẫn duy trì bảo tồn nét tinh hoa văn hóa của làng nghề mình.

Hiện nay, Đa Sỹ có 10 nghệ nhân đã và đang duy trì phát triển cũng như truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đồng thời, các hộ cũng phát triển kinh doanh phụ trợ như: cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm... Gia đình nghệ nhân Hoàng Văn Hùng đã có 5 thế hệ làm nghề ở làng Đa Sỹ được nhiều người biết đến bởi sản phẩm chất lượng cao, mỗi ngày xuất bán 500 dao. Gia tộc Hoàng Văn được phong tặng Bảng vàng gia tộc. Gia đình vừa sản xuất vừa bán sản phẩm, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất rồi lại nhận thành phẩm để đưa ra thị trường.

Nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến cho hay, bà sinh ra và lớn lên tại làng rèn Đa Sỹ, trước đây làm hoàn toàn thủ công rất vất vả. Từ năm 1997, gia đình đã đưa máy móc vào sản xuất, giúp giảm bớt công lao động đỡ hơn và sản phẩm được nhiều hơn. Bà Tuyến đã truyền nghề cho con cháu trong gia đình giữ nghề và phát triển nghề.

Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người làm nghề rèn ở Đa Sỹ cũng áp dụng máy móc tự động, bán tự động để làm một vài khâu như: rèn bằng búa máy, sạt lưỡi bằng máy... Người thợ chỉ làm thủ công các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như tạo hình dáng và kỹ thuật “tôi” để dao sắc và cứng. Như vậy đã giúp người thợ bớt vất vả và năng suất tăng cao.

Hiện tại, Đa Sỹ có 10.000 hộ dân thì có trên 1.200 hộ tham gia làm nghề rèn, sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng dao kéo các loại. Nhiều hộ gia đình đã thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề đồng thời thu mua của các hộ và xuất đi tiêu thụ ở các tỉnh trong cả nước và thị trường nước ngoài như: Lào, Campuchia và các nước châu Âu.

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.