Lễ hội và trò chơi dân gian trong ký ức người Hà Nội

Chia sẻ

Lễ hội và các trò chơi dân gian như một phần không thể thiếu làm nên bản sắc riêng của người dân thủ đô ngàn năm văn hiến nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Tết và mùa xuân là thời điểm tập trung nhiều lễ hội dân gian nhất trong năm, chúng ta cùng tìm hiểu về một số lễ hội làng cũng như các trò chơi dân gian thú vị qua ký ức của người dân Hà thành.

Một dân tộc trải qua gần 5 ngàn năm dựng nước và giữ nước với các cuộc chiến tranh liên miên đã mang tới những pho sử vàng oanh liệt. Cũng từ những đau thương và sự kiên cường bất khuất đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng hy sinh hay góp phần trí dũng của mình bảo vệ, dựng xây nền độc lập dân tộc. Có những người anh hùng được thần thánh hóa như huyền thoại, có những vị dũng tướng vào sinh ra tử, có những con người lặng lẽ góp nên danh thơm cho đất nước, cho sự thịnh vượng, yên lành của quê hương. Bởi vậy, trên khắp dải đất hình chữ “S” có không biết bao nhiêu ngôi chùa, ngôi đình, ngôi miếu gắn với thần tích như một cách kể chuyện lịch sử theo kiểu dân gian cho con cháu mai sau. Cùng với đó, rất nhiều các lễ hội, các trò chơi dân gian được truyền tụng để các thế hệ tiếp nối luôn nhắc nhớ về lòng tự hào - tự tôn dân tộc. Trong không khí mùa xuân thật đặc biệt của Hà thành, rất nhiều lễ hội với nhiều trò chơi dân gian được diễn ra, chúng ta cùng tìm hiểu một vài nét về không khí lễ hội và các trò chơi dân gian xưa trong ký ức những người dân Hà thành sau những biến động và thay đổi của đất nước.

Lễ hội và trò chơi dân gian trong ký ức người Hà Nội - ảnh 1

Với cụ Nguyễn Xuân Thông, cư dân làng Kim Văn - Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội, cụ cũng là thủ từ đình làng, năm nay đã 75 tuổi, thì lễ hội làng cách đây 60 năm, khi cụ còn là cậu bé con là ký ức tươi vui đầy háo hức: “Nam thanh - nữ tú của làng được chọn, phải là những người con ưu tú, thanh tân, đẹp đẽ và khỏe khoắn. Họ sẽ tập trung tại đình đúng một tuần trước khi vào hội, được làng nuôi và không được về nhà. Ở đình họ sẽ tập các nghi thức, phép tắc và cách để khênh kiệu, rước ngai vị, tế lễ…”. Mỗi khi làng có lễ hội, cả làng háo hức chờ đợi, nhất là các cô bé, cậu bé vì trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian như: Đi cầu tre (cầu được bắc vắt vẻo ra hồ với cọc đóng vững chắc để buộc dây) ai đi trên cầu đó ra lấy được tiền thưởng (tùy vào sự đóng góp của dân làng và mức thưởng đặt ra theo từng thời kỳ), thì người đó thắng. Trò chơi vui và lôi cuốn nhiều người cổ vũ, hò hét vang cả một vùng. Bên cạnh trò đi cầu tre còn có trò đu tiên, nhiều đôi nam nữ được chọn chơi đu đã nên đôi lứa trong không khí mùa xuân tràn trề nhựa sống cùng sự ngưỡng mộ và ghép đôi của cả làng…

Với cô Thủy, bán hàng nước ở cổng chợ Bát Tràng thì lễ hội xưa cách đây hơn 40 năm như một ngày hội lớn. Bây giờ mỗi năm tổ chức lễ hội làng vẫn làm rất thịnh soạn, lễ rước nước độc đáo với những bô lão mặc áo dài khăn đóng, trịnh trọng kéo cờ, đi trên những chiếc thuyền được trang trí, hộ tống ra tận ngã ba sông Hồng nước rộng và trong, lễ Vua Hà Bá để lấy nước vào bình mang về đền thờ vẫn được duy trì hằng năm. Nhưng con kênh như dòng sông nhỏ mà trong xanh của làng dạo nào không còn nữa nên trò chơi bắt vịt đầy cuốn hút chẳng còn, chị kể: “Ngày đó vui lắm, làng thả gần chục con vịt xuống, những ai có sức khỏe, biết bơi đều đăng ký lao xuống lùa vịt bắt, bắt được thì ngoài việc được thưởng con vịt đó còn được thưởng tiền nên hai bên bờ trẻ con người lớn ùa theo cổ vũ, hò hét nhiệt tình”.

Nếu lễ hội làng Kim Văn gắn với vị Thánh nữ - Thủy thần có công giúp Vua Lý Thái Tổ dẹp giặc, bà là công chúa Lê Cúc Phương, con vua Lê Hoàn mà chúng tôi đã giới thiệu ở bài trước thì lễ hội làng Bát Tràng thờ 6 vị Thành Hoàng, trong đó có vị tướng Lưu Cơ - một vị danh tướng thời vua Đinh Bộ Lĩnh, được nhân dân tôn thờ, gọi là Đức Thánh Cả - Lưu Thiên Tử Đại Vương. Bên cạnh những ngôi đình vừa kể trên thì khắp mọi phường, xã của Hà thành cũng như trên cả nước đều có những ngôi chùa, đình, đền, miếu thờ những người con của dân tộc đã có công trong việc dựng nước và giữ nước. Các lễ hội không chỉ mang tính tâm linh như phần hồn của pho sử kể bằng lòng tín ngưỡng của nhân dân mà nó còn là sự gắn kết người với người, thế hệ với thế hệ, là bữa tiệc tinh thần cho tình đoàn kết dân tộc. Có nhiều thủ tục của lễ hội xưa không còn, nhiều trò chơi dân gian không được tiếp tục ở nơi này, nơi khác do những đổi thay từ đời sống nhưng niềm tự hào thiêng liêng vẫn còn mãi trong mỗi người dân Việt Nam khi Tết đến, xuân về.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.