Lên non dạy học
(PNTĐ) - Tốt nghiệp Sư phạm ra trường, trong khi bạn bè chạy vạy tìm cho được nhiệm sở dưới xuôi, mình tôi vác hồ sơ hùng dũng ngược đường… lên núi!
1.
Ai cũng bảo dại. Kệ; tôi vốn máu phiêu lưu, lại không thích sắp hàng chờ đợi. Vùng cao thiếu giáo viên, cơ may được chấp thuận nhanh, nghe nói vậy. Đúng thật; "đầu quân" nộp hồ sơ hôm trước hôm sau đã được mời nhận quyết định. Có điều nhiệm sở hơi… sâu. Càng hay. Nhiệt huyết tuổi trẻ cũng cần cơ hội "thử lửa" chỗ khó khăn để khẳng định. Nhân bất phong ba vị lão tài. Con bạn nghe tin, hù: Trời ơi, trường đó nằm trong buôn, nghe nói toàn người "đồng bào" không hà. Mày không định lấy một ông "đồng bào" làm chồng chứ hả? Kệ tao; "đồng bào" thì đã sao? Chỉ được cái giỏi làm bạn thối chí. Đợi đấy; mai mốt tao lên làm… Giám đốc Sở mày khắc biết ai là "đồng bào"…
2.
Trường nằm nơi cái thôn tận “địa đầu biên ải” huyện K có tên: thôn Tân Lập. “Tân Lập” thật; mới có mặt trên bản đồn hành chính đâu hơn mươi năm. Dân số một phần Kinh chín phần dân tộc thiểu số. Nội trú toàn tranh tre nứa lá. Giáo viên hầu hết nam. Nữ rất ít: Độc một chị đồng nghiệp, lớn tuổi, chưa (nói trắng ra là ế) chồng.
Tôi về, nghiễm nhiên thành “hoa khôi” của trường.
Đám trai hư người Kinh trong thôn dòm. Con bé dưới xuôi, mới lên nè, ngon mắt gớm! Đợi tôi ra chợ, chúng lân la đón đường chọc ghẹo. Tôi đóng mặt lạnh, lảng tránh. Chúng tức tối: Làm chảnh hả? đợi đấy, rồi biết tay tụi tao! Biết tay thật: Buổi chiều, chị đồng nghiệp đi vắng, một mình tôi ra suối lấy nước. 3 thằng ôn như mọc từ đất lên xồ vây lấy tôi. Kêu thét vì sợ hãi, tôi quăng cả thùng xô đâm đầu chạy. Đâm ngược vào rừng bởi chúng đón mất đường về. Sau lưng, nghe tiếng chúng đuổi theo, huýt sáo rất đểu.
Tôi cứ cắm đầu chạy, suýt đâm sầm vào cái bóng đàn ông cũng đang hùng hục chạy ngược chiều. Bất thần, tiếng cười sau lưng tôi chuyển sang âm thanh la hét, bình bịch đấm đá. Đến lúc tôi dừng, loạng choạng muốn đứt hơi, đổ dụi vào một gốc cây thì, kinh khủng chưa, lại nghe tiếng chân đuổi thình thịch sau lưng?
Nhấc chân định chạy tiếp nhưng lực bất tòng tâm, tôi chỉ còn đủ sức gượng lên để đổ nhào ngay vào một cánh tay rắn chắc vừa vươn ra, kịp chụp lấy tôi. Tiêu mình rồi. Ý nghĩ tuyệt vọng khiến tôi bủn rủn, đầu váng mắt hoa, mụ mị người như đang chìm xuống vực…
Tôi ngất lịm.
Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường nội trú, trán đắp khăn ướt. Chị bạn đồng nghiệp lớn tuổi lo lắng nhìn tôi; tỉnh rồi hả, ơn trời! Sao khờ dữ vậy em, tối tăm mà đi ra suối một mình. Bữa nay không có thằng Thư là mày chết chắc…
3.
Lần đầu tôi biết Ksor Y Thư.
Đi thăm rẫy về, nghe tiếng tôi la hét, Y Thư đã lao ra, chặn đường đám bợm. Một chọi ba; may mà Y Thu có con dao rựa nên chúng mới bỏ chạy. Cũng chính tiếng chân của Y Thư làm tôi mất vía. Cũng chính cánh tay Y Thư kịp thời đỡ tôi, vai Y Thư cõng tôi về nhà…
Rất lâu, nhắc đến chuyện này tôi còn đỏ mặt!
Không sao, Y Thư vẫn tự nhiên, một điều cô giáo hai điều cô giáo. Thường xuyên ghé trường, có món gì ngon đem cho cho. Lâu lâu lại hỏi cô giáo có cần đi đâu không để Thư… đi cùng. Tôi giật nảy. Thư vội thanh minh thanh nga: là Thư sợ cô giáo ra ngoài một mình có đứa… ăn hiếp cô! Chị đồng nghiệp trêu: Mày… mê cô giáo rồi hả Thư? Không phải mà…, Thư cười bẽn lẽn. Câu đùa của chị bạn khiến tôi hơi hoảng. Không sao, tao đùa thôi, chứ người “đồng bào” nó thiệt thà lắm, yên tâm đi em…
Trường sở bớt nhếch nhác, xóm núi bớt đìu hiu nhờ có Y Thư. Sau lần bị “trộ” dưới suối, tôi càng dị ứng, tránh xa đám trai (trừ mấy anh đồng nghiệp trong trường). “Người đồng bào thiệt thà…”, chị bạn đã bảo. Đúng vậy; cứ trông Y Thư là biết. Tôi luôn an tâm, rất an tâm khi bên cạnh Y Thư. Cũng lời chị đồng nghiệp: thằng ấy sáng lắm đó, tiếc là bỏ học sớm. Tao dạy nó tao biết…
- Sao Thư bỏ học?
- Tại… khổ quá!
- Có tiếc không?
- Tiếc. Nhưng lỡ rồi…
Tôi đang nuôi một ý định. Dù gì, Thư cũng đã học xong lớp 8. Ráng ôn bài vở, xin quay lại trường học thêm năm lớp 9. Kết quả học tập mà tốt thì cuối năm có cơ may thi đậu vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tỉnh. Được Nhà nước nuôi, không phải lo cái mặc cái ăn. Một năm. Chỉ một năm thôi. Tôi muốn giúp Thư. Hơn nữa, muốn đền ơn Thư. Cái ơn “cứu mạng” dạo nào…
4.
Núi đang vào mùa lễ hội. Cồng chiêng. A Ráp. Rượu cần. Đêm đêm, những vòng xoay A Ráp nối tay nhau nhún nhảy say sưa quanh đống lửa bập bùng.
Y Thư đưa tôi đi nhảy A Ráp.
Thì đi. Đang trong tâm trạng buồn xỉu, quay quắt nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Lần đầu tiên tôi biết nhảy A Ráp, vũ điệu cộng đồng của người Ê Đê, Ba Na, Cham H’roi…. Già trẻ gái trai tay nối tay, khép kín thành vòng tròn quanh lửa. Lửa khiến hồng thêm từng khuôn mặt vốn đã bừng bừng do men rượu cần, do không gian nóng rực. Phấn khích, nhiệt thành chung. Nhún nhảy. Tiến. Lùi. Lùi. Tiến. Và xoay.
Vòng A Ráp cứ chầm chậm xoay, như đèn kéo quân quanh lửa bập bùng. Mệt thì buông tay, rời ra uống rượu nghỉ hơi. Không lo, “mắt xích đứt” sẽ có người thay, nối liền ngay. Vui lắm, Y Thư bảo. Đúng. Vui. A Ráp không có chỗ cho nỗi buồn. A Ráp chính là tấm gương soi thần thái và triết lí tồn tại của cộng đồng người thiểu số vùng cao: Sống đơn giản, đoàn kết, nhiệt thành và vui tươi. Như Y Thư…
Nỗi buồn của tôi, không biết tự lúc nào, đã đứt dây, văng mất biệt!
Nhiều lần tôi lén ngắm nhìn Thư: cao lớn lực lưỡng, hàm bạnh, cằm vuông, râu quai nón rậm rì kéo vệt. Còn nữa: mắt sáng, cằm chẻ, môi tim; trông Thư đẹp như tượng thần Hy Lạp. Dáng dấp manly ấy mang về phố, chắc không thiếu gái chết! Tôi muốn - cứ muốn - những vòng xoay A Ráp sẽ kéo dài, dài mãi cho đến hết đêm.Tim tôi đập rộn. Có phải do rượu cần, do quá nhiệt thành cùng những vòng xoay A Ráp, hay do…? Bậy nào, tôi lắc, gạt phăng cái bóng đen vừa lởn vởn trong đầu. Mình là cô mà. Cô giáo của Y Thư…
Phải, tôi đang là cô giáo của Y Thư. Đang chính thức kèm cặp cậu học trò “ngoại hạng” gấp rút chạy đua, hoàn tất tốt chương trình lớp 9 để có vốn dự thi vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú cuối năm. Thư học chăm, sáng, đúng như chị bạn nói. Tôi âm thầm trích một phần lương đưa mẹ Thư: Mí cầm mua gạo, cho thằng Thư ăn no cái bụng mà học…
5.
Mẹ lặn lội lên thăm một lần xong lắc đầu bảo: Về đi con, không dạy nữa thì đừng, tìm chuyện khác làm ăn, ở chi cái xứ khỉ ho cò gáy ớn dữ vầy. Ông anh đồng hương trưởng phòng, giờ lên Phó giám đốc Sở, cũng bảo: Muốn về xuôi không, anh lo? Tôi lắc đầu.
Tôi đã bắt đầu thấy yêu thương, gắn bó với núi rừng.
Trường sở vẫn tạm bợ, học trò vẫn khó khăn nhưng tôi không còn thấy nản. Tôi thương những đứa học trò “đồng bào”, lem luốc, nghèo nàn nhưng thật thà dễ thương rất mực. Và cũng quí, thương cô giáo hết mực. Cô ơi, cô đừng đi… Chúng luôn nước mắt ngắn dài mỗi lúc phong thanh nghe tôi có dự định chuyển trường...
Và còn nữa. Y Thư.
Thư đang học năm thứ 2 Đại học Nông Lâm thành phố. Học bổng cùng các khoản trợ cấp dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đủ cho Thư tiếp tục học trình mà không phải lo cơm áo. Ngày đưa Y Thư lên đường, lần đầu tiên Thư dám nắm tay tôi. Lần đầu tiên Thư dám nhìn thẳng, nhìn sâu vào mắt tôi. Không như mắt một cậu học trò. Tôi thảng thốt nhận ra: Đó là ánh mắt của một người đàn ông, thực thụ đàn ông! Cô giáo… chờ Thư nha; nhất định Thư sẽ về…
… Tôi miên man, nhịp nhàng ngả nghiêng trong vũ điệu A Ráp vần xoay, chuếnh choáng trong men rượu cần cùng hơi nóng bừng bừng lan ra từ ngọn lửa bốc cao. Như qui ước bất thành văn, vòng xoay A Ráp chỉ được phép kết nối bằng từng cặp đôi ngón út ngoéo nhau. Còn khi có một cặp đôi nào dám nắm trọn tay nhau tức thị đã ngầm ước hẹn: Sẽ cùng nhau xoay mãi, không rời…