Lời mẹ dạy, cát và tình yêu
(PNTĐ) -
Mẹ bảo: Tình yêu như nắm cát trong tay
Muốn giữ lâu con nhớ đừng nắm chặt
Cát sẽ theo những kẽ tay rơi lọt
Trái tim không thích kìm kẹp bao giờ.
Bàn tay con hãy học cách khum hờ
Ngón khép khít tựa con thuyền mơ mộng
Dẫu phía trên là bầu trời cao rộng
Có bao giờ cát mọc được cánh bay.
Luôn nhắc mình khum nhẹ bàn tay
Lúc hờn ghen...
vô tình con quên mất
Từng hạt cát truột rơi sau cú siết
Chợt giật mình
Tiếc lời mẹ hôm nao.
Lê Thị Minh Thu

LỜI BÌNH
Bài học tinh tế cho tình yêu
Không cố tạo ra những cụm từ lạ, câu chữ lạ như phong cách sáng tác của nhiều tác giả trẻ thời nay, thơ của Lê Thị Minh Thu được thể hiện bằng ngôn ngữ dung dị, dễ hiểu, nhưng chứa chan tình cảm, đầy ắp suy tưởng sâu sắc về lẽ sống, tình đời. Bởi vậy, thơ của cô được độc giả dễ dàng thẩm thấu, tiếp nhận.
Nữ thi sĩ đã lấy cát làm hình ảnh ẩn dụ cho bài học về tình yêu, từ những lời mẹ dạy cô thiếu nữ khi chập chững bước vào tình yêu đầu đời:
“Mẹ bảo: Tình yêu như nắm cát trong tay
Muốn giữ lâu con nhớ đừng nắm chặt
Cát sẽ theo những kẽ tay rơi lọt
Trái tim không thích kìm kẹp bao giờ”.
Tình yêu hàm chứa vô vàn suy nghĩ, ước muốn, hành động hết sức phức tạp. Trong đó, có rất nhiều hành động được biện minh bởi tình yêu, nhưng không phải như vậy. Khi ta đang yêu một ai đó, ta sẽ luôn muốn làm những điều khiến cho một nửa của mình thật hạnh phúc. Thế nhưng hành xử trong thực tế nhiều khi đi ngược với điều mong muốn đó. Ấy là khi ta cố gắng để kiểm soát người mình yêu, vô hình trung trở thành hành động kìm kẹp, cầm tù trái tim. Mà trái tim thì luôn khát vọng sự tự do, không thích kìm kẹp bao giờ.
Lời mẹ dạy trong bài thơ thật chí lý, chí tình. Tình yêu cũng như nắm cát ở trong tay. Nếu ta nắm quá chặt, cát sẽ lọt qua kẽ tay, trôi vuột đi hết. Bài học người mẹ đưa ra thật đơn giản, nhưng vô cùng sâu sắc. Muốn giữ tình yêu lâu bền, cần mềm mại và uyển chuyển, bằng sự dịu dàng của người phụ nữ. Chẳng thế mà, ngàn xưa có câu “lạt mềm buộc chặt”, để dạy con người cách ứng xử. Bài thơ là tạo ra một cách thể hiện khác của chân lý đó:
“Bàn tay con hãy học cách khum hờ
Ngón khép khít tựa con thuyền mơ mộng
Dẫu phía trên là bầu trời cao rộng
Có bao giờ cát mọc được cánh bay”.
Hình ảnh ẩn dụ thật đẹp. Khi bàn tay ta chỉ khum hờ, không cố tình xiết cứng, không nắm chặt, thì các ngón tay sẽ tự nhiên khép khít, trở thành con thuyền lãng mạn đưa tình yêu cập bến bờ hạnh phúc. Tình huống mở ra thật bất ngờ, dù có cả một bầu trời phía trên, nhưng ta không bao giờ phải lo cát mọc cánh bay. Tình yêu cũng vậy, hãy để cho trái tim người yêu được tự do, không cần kìm kẹp, sẽ đạt được hiệu quả không ngờ. Đó là, trái tim người mình yêu sẽ không còn muốn bay đi tìm phương trời nào khác, mà sẽ tự tìm về quy phục bên ta, sẽ chỉ còn muốn trú ngụ trong trái tim của ta.
Rõ ràng, tình yêu là sự tự do, chiếm hữu chỉ là sự ràng buộc. Tình yêu là vị tha, chiếm hữu là ích kỷ.
Tình yêu thật sự luôn khiến ta tự tin là chính mình. Sự tin cậy lẫn nhau chính là chất xúc tác khiến tình yêu phát triển bền vững hơn về sau. Tình yêu thật sự là vĩnh cửu, sự chiếm hữu chỉ là nhất thời. Tình yêu khiến cái “Tôi” nhỏ lại, sự chiếm hữu làm cái “tôi” lớn dần. Khi yêu, ta không còn xem mình là trung tâm của mọi thứ nữa, khuyến khích ta cho đi và biết yêu thương nhiều hơn.
Hầu như ai cũng hiểu được cái lẽ “lạt mềm buộc chặt”, hiểu được chân lý rằng muốn giữ được tình yêu thì đừng kìm kẹp, chiếm hữu. Thực tế trong cuộc sống, thực hành điều này không dễ. Bởi trong mỗi người luôn tiềm ẩn một sự ích kỷ, hờn ghen. Ở khổ thơ thứ ba, tác giả đưa ra một kết cục cụ thể cho sự “quên” lời mẹ dạy, để làm bài học cảnh tỉnh:
“Luôn nhắc mình khum nhẹ bàn tay
Lúc hờn ghen...
vô tình con quên mất
Từng hạt cát truột rơi sau cú siết
Chợt giật mình
nhớ lời mẹ hôm nao”.
Triết lý lỏng, mềm để buộc chặt phải được thực hành trong cuộc sống từng ngày, từng phút, từng giây, chứ đừng lơ là, bởi khi mất cảnh giác, ta sẽ bị “con ma” hờn ghen lợi dụng sơ hở tấn công bất cứ lúc nào”.