Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong chuyến đi đặc biệt tìm lại những nhân chứng lịch sử tham gia giải phóng Thủ đô, chúng tôi may mắn được gặp Đại tá Lê Văn Tính, chiến sĩ liên lạc Đại đội 283, Trung đoàn Thủ đô. 17 năm làm lính cụ Hồ, với Đại tá Lê Văn Tính, đó là đoạn đời nên thơ. Đặc biệt, ký ức về ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Hà Nội trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già.

Lời căn dặn của Bác Hồ trước ngày về tiếp quản Thủ đô

19 tuổi, Đại tá Lê Văn Tính lên đường nhập ngũ, bổ sung vào E44, đơn vị huấn luyện tân binh của Bộ Tổng tham mưu A3, B4. C2… Sau gần 1 tháng huấn luyện, các chiến sĩ trẻ hành quân đến chiến trường Điện Biên Phủ. Trong lễ giao quân đầu bìa rừng, ông được bổ sung vào Đại đội C283, Trung đoàn Thủ đô E102, Sư đoàn tiên phong 308. “Anh cán bộ C283 ngắm nhìn các chiến sĩ, thấy tôi bé nhỏ, nhanh nhẹn nên kéo tôi ra bảo: “Cậu về Tổ liên lạc đại đội”. Thế là tôi thành một chiến sĩ liên lạc cho Đại đội trưởng Nguyễn Đình Phòng. Tổ liên lạc của Đại đội lúc đó có 5 chiến sĩ. Đây là Đại đội trợ chiến của E102, được trang bị 9 khẩu súng cối 82ly, 3 khẩu ĐKZ 57 và 1 khẩu DKZ 75” - Đại tá Lê Văn Tính nhớ lại.

Sáng ngày 7/5, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên cao điểm đồi A1, Đại đội 283 đã tiến sát đến sân bay Mường Thanh hướng về phía hầm chỉ huy của De Castries. Đến 15h cùng ngày, phía địch dương cờ trắng xin hàng. Chiến sĩ ta cũng nhảy lên bờ hào reo vui. Toàn đại đội ra sông Nậm Rốm, để tẩy trần trút bỏ lớp bùn đất chiến hào…

Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô - ảnh 1
Đại tá Lê Văn Tính

Kết thúc chiến dịch, Sư đoàn 308 tiếp tục hành quân về đồng bằng, qua Thái Nguyên, về Bắc Giang thực hiện chiến dịch đánh bồi, đánh nhồi cho địch rã rời ý chí chiến đấu và phải ký Hiệp định Gieneve. Đêm ngày 20/7/1954, toàn đơn vị nghe tin: “Lệnh ngừng bắn toàn quốc thực hiện Hiệp định Gieneve”, cảm giác của mọi người đều vô cùng khó tả, vừa vui mừng vừa hạnh phúc. Cả đơn vị không ai ngủ…

Ngày 19/9/1954, Đại tá Lê Văn Tính được đi cùng Đại đội trưởng về đền Hùng gặp Bác Hồ. “Xe đỗ ở bãi rộng sát vệ đường. Chúng tôi xuống xe, tập hợp đội ngũ, chỉnh đốn trang phục, liên lạc dẫn chúng tôi lên ngôi đền ở sườn đồi dốc thoai thoải, các đơn vị đến trước đã tập hợp ở trước sân đền, chỉnh tề thấp thỏm. Cửa đền mở, xuất hiện một cụ già mặc quần áo bà ba nâu, vai khoác áo màu sáng, sau bàn thờ Phật bước ra. Tim tôi đập mạnh hồi hộp lần đầu nhìn thấy Bác như một nhân vật huyền thoại trong truyện cổ tích. Mọi người hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm”. Bác vẫy tay bảo: “Các chú ngồi lên đây” và Bác cũng ngồi xuống bậc ngạch cửa đền cao hơn sân 6 bậc. Chúng tôi ngồi bệt xuống sân, một số vào trước ngồi trên bậc thềm. Bác hỏi: “Các chú có mệt không?”. Mọi người đồng thanh: “Không ạ!”. Bác hỏi tiếp: “Các chú có biết đây là đâu không?”. Rồi Bác nói luôn, rất dài, khoảng 15 phút. Chúng tôi chú ý nghe như nuốt từng lời từng ý.

Đã qua nhiều năm, nhưng tôi vẫn không quên ý của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; Tiếp quản Thủ đô là một nhiệm vụ rất vinh dự mà trên giao cho các chú. Thủ đô mọi thứ rất quý giá như điện, nước, công sở, bệnh viện, trường học… tiếp quản từ trong tay giặc phải giữ được nguyên vẹn để ta dùng…; phải bảo vệ dân, chăm tuyên truyền cho dân hiểu bản chất chế độ ta và chính sách của Nhà nước ta; nhiệm vụ thống nhất đất nước sau này còn rất nặng nề; phải đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, vào thành phố có nhiều quyến rũ, các chú nhớ phải tránh viên đạn bọc đường, nhiều thứ lạ cái gì chưa biết thì phải hỏi dân; Bác chờ các chú lập nhiều thành tích để khen thưởng…

Nói xong, Bác đứng dậy và nhanh nhẹn đi khuất sau bàn thờ Phật. 15 phút gặp Bác ngắn ngủi nhưng thật quý giá, ấn tượng thật sâu sắc” - Đại tá Lê Đức Tính xúc động nhớ lại.

Quân ta đi đến đâu, làn sóng cờ hoa hiện ra đến đó

Chuẩn bị vào tiếp quản Thủ đô với tinh thần chuẩn bị vào trận chiến đấu, cán bộ cấp trên về lên lớp cho các chiến sĩ nhiệm vụ tiếp quản, các quy định sinh hoạt khi vào thành phố… “Chúng tôi được phát cho mỗi người một bộ quần áo “đại quân”, cán bộ trung đội trở lên có áo 4 túi, tiểu đội chiến sĩ thì áo có 2 túi ngực. Tôi bé nhỏ nên bộ áo quần dài rộng lùng thùng, dây lưng to bản dài thắt 2 vòng bụng. Chúng tôi sửa sang lại chiếc mũ nan từ chiến trường mang về, gắn lên ngôi sao vàng nền đỏ bằng vải thêu, cán bộ nền đỏ tròn, chiến sĩ nền đỏ vuông” - Đại tá Tính nhớ lại.

Đúng 6h sáng ngày 10/10/1954, đoàn quân đi từ Phùng Khoang, tiến qua Nhổn, qua Cầu Diễn, đến Cầu Giấy. Nhân dân đứng ở hai bên đường cầm cờ hoa vẫy chào đoàn quân. Ai cũng hớn hở vui mừng đón con em mình đi xa mới về. Đoàn quân tiếp tục đi qua phố Hàng Bông, đến Hàng Bài, cửa chợ Đồng Xuân rồi vào nội thành phía cửa Đông.

Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô - ảnh 2
Ảnh minh họa

“Vào đến Cầu Giấy, dân đã đứng sẵn hai bên đường, tay cầm hoa. Chị em phụ nữ mặc áo dài, chỉnh tề, lịch sự vẫy chào đoàn quân tiến vào. Bộ đội đi hàng bốn trên đường. Quân ta về đến đâu, làn sóng cờ đỏ hiện ra đến đó. Những khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm”... vang lên không ngớt. Tôi không phải người dân Hà Nội, nhưng cũng cảm nhận được vui mừng, sung sướng của những đồng chí Hà Nội sau nhiều năm chiến đấu được về lại với Thủ đô, giải phóng người dân khỏi sự kìm kẹp” - Đại tá Tính nhớ lại.

Đúng 15h ngày 10/10/1954, đoàn F308, cán bộ tiếp quản và nhân dân khu phố tập hợp đông đủ, hàng ngũ chỉnh tề ở sân Đoan Môn (Hoàng thành Thăng Long) để làm lễ Thượng cờ do Ban quân quản tổ chức. Giờ phút thiêng liêng, lòng người xúc động. Chín năm vắng bóng, hôm nay, trong giờ phút lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng lại tung bay trên cột cờ Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội khi ấy là đồng chí Vương Thừa Vũ, cùng bác sĩ Trần Duy Hưng đứng chủ lễ chào cờ. Hai người con ưu tú của Thủ đô và dân tộc đã cùng Đại đoàn 308, thay mặt quân đội và Nhân dân nghiêm trang đứng chào lá cờ Tổ quốc. Ai có mặt ở đó cũng xúc động, nhất là những người lính năm xưa đã ra đi từ mảnh đất này, với lời hứa hẹn ngày trở về.

Trên gương mặt chằng chịt những nếp nhăn, đôi mắt của người lính già đã bước qua tuổi chín mươi bỗng nhòe đi. Ông Tính xúc động: “Vui mừng vì được trở về, nhưng tôi lại thấy thương thật nhiều những đồng đội của mình đã hy sinh, không kịp vui niềm vui chiến thắng, không được chứng kiến khoảnh khắc ý nghĩa này”.

Tổng kết nhiệm vụ năm 1954 và tiếp quản Thủ đô, Đại tá Lê Văn Tính được Đại đội đánh giá là “Hoàn thành xuất sác nhiệm vụ” và được thưởng 1 Huy hiệu Bác Hồ. Với Đại tá Lê Văn Tính, đây là phần thưởng cao quý nhất của cuộc đời ông. “Nhìn ngọn cờ bay phất phới, cảm xúc của tôi thật khó tả. Tiếp quản Thủ đô là một nhiệm vụ mới, nhưng không có gì khó khăn, chỉ cần thực hiện đúng lời Bác dạy là hoàn thành nhiệm vụ”, theo lời Đại tá Tính.

Một tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, Đại đội của ông tham gia tuyên truyền các nội dung được học về quy định của chính quyền về vùng giải phóng mới, tuyên truyền chống lại âm mưu của địch đối với chế độ ta... Các ngã ba vườn hoa nào cũng có người dân ra thể dục, nhảy múa. Đoàn văn công của Đại đội đi ca hát nhảy múa cho nhân dân xem.

Tết Ất Mùi năm 1955, Đại tá Tính được về phép. Đó là cái Tết đầu tiên mà ông được đón cùng gia đình trong hoa bình. Bố mẹ ông thấy ông khoẻ mạnh, kể chuyện kháng chiến đều rất vui mừng. Sau này, ông được chọn đi học văn hoá, rồi vào không quân. Năm 1960, ông về công tác tại Trung đoàn 919, lái máy bay vận tải, đến năm 1991 thì nghỉ hưu.

70 năm đã trôi qua, nhưng ngày trở về tiếp quản Thủ đô năm đó, mãi là dấu son trong những trang vàng của lịch sử cách mạng nước ta, thể hiện tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh cho dân tộc. Đó cũng là ngày trở về với cội nguồn, với vùng đất linh thiêng, trái tim thương yêu của cả nước.

Tin cùng chuyên mục

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

(PNTĐ) - Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển. Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là các bé gái được quan tâm hơn. Có được kết quả đó, cùng với các chính sách của Thành phố, còn phải kể tới việc nâng cao nhận thức của người dân ngay từ trong gia đình
70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô có dịp trò chuyện cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô về những đổi thay của Hà Nội trong suốt 7 thập kỷ đổi mới và phát triển.
Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội

Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội

(PNTĐ) - TS Ngôn ngữ học người Úc gốc Việt Nguyễn Thế Dương, Giám đốc Viet Academy - Brisbane Australia hiện đang sinh sống tại Australia. Xa quê hương, anh vẫn luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt, đồng thời nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để cùng bà con kiều bào giữ gìn nguồn cội, văn hóa Việt Nam. Chia sẻ của TS Nguyễn Thế Dương với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô.