Lửa ấm trong mỗi ngôi nhà
Một lần, cách đây mấy năm, đoàn chúng tôi có dịp lên công tác ở một xã miền núi vào tháng 11. Mùa đông ở đây rét mướt, sương mù dày đặc, đến 9 giờ sáng mà trên đường đi vẫn chưa nhìn rõ mặt người. Khi đến nhà một người quen trong bản, chúng tôi được mời vào ngồi bên bếp lửa. Trên bếp là nồi ngô luộc bốc khói nghi ngút. Được chủ nhà giới thiệu đây là giống ngô trồng trên nương cao và mọc xen với đá nên tuy bắp nhỏ nhưng rất dẻo và thơm.
Anh chủ nhà tuy nói tiếng phổ thông còn lơ lớ nhưng lại rất vui tính và hiếu khách. Trong câu chuyện vui với mọi người trong đoàn, bỗng nhiên anh bảo:
- Bếp nhà mình có ấm cũng không bằng bếp nhà các bác đâu.
Chúng tôi đều bất ngờ, nghĩ là anh chưa hiểu rõ về cuộc sống ở các đô thị nên đồng thanh giảng giải:
-Anh ơi, chúng em ở dưới phố toàn là nhà ống chật chội làm gì có bếp lửa ấm áp thế này đâu anh. Chỉ có mấy mét vuông vừa là không gian để nấu nướng, vừa để đặt bàn ăn thôi.
Ảnh minh họa
Không ngờ, nghe xong anh chủ nhà cười khà khà rồi chỉ tay vào mấy cô gái trong đoàn và nói:
- Thì các chị ấy là bếp mà, lửa ở đấy mới ấm, chứ mình có nói cái chỗ nấu ăn đâu. Mình biết bếp ga, bếp từ dưới đó rồi.
Tất cả chúng tôi đều ồ lên cười vì bất ngờ và hứng thú với sự ví von đơn giản, mộc mạc mà ý nghĩa của anh. Ngẫm ra, mỗi ngôi nhà cũng đang có một “bếp lửa”, một nguồn “năng lượng” đặc biệt như thế nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu điều ấy. Câu chuyện vui này bỗng làm tôi gợi nhớ về một người bạn.
Tôi quen một bạn nữ tốt bụng tên là Bích. Mỗi khi hàng xóm láng giềng, bạn bè có công việc gì đều thấy bạn có mặt. Không những thế, Bích luôn xăm xắn không ngại việc gì, tay làm, miệng nói khiến ai cũng tấm tắc khen: Đấy, cô giáo có khác, vừa đảm đang vừa tình nghĩa, anh chồng nhà cô ấy hẳn là người có phúc lắm.
Một hôm, nhân ngồi uống cà phê với một người bạn dạy cùng trường với Bích, tôi bất ngờ khi nghe người đó nhận xét:
- Bích á, nó được cái mồm miệng bên ngoài thế thôi chứ lúc lên giảng là lắp bắp, nhất là lúc có thanh tra, dự giờ. Chán lắm…
Nghe xong, tôi chỉ cười vì nghĩ biết đâu trong quan hệ của đồng nghiệp cùng trường lại có những mâu thuẫn, xích mích nên họ không ưa nhau. Mà năng lực trong công việc cũng chỉ là một phần trong cuộc sống của người phụ nữ. Nghe thế thì biết thế.
Ảnh minh họa
Bẵng đi một thời gian, bất ngờ tôi nghe tin chồng Bích… lấy vợ mới. Chính tôi cảm thấy ngỡ ngàng dù chuyện chẳng liên quan gì đến mình. Sao lại thế được nhỉ? Lẽ nào, một người chu đáo như Bích lại bị đối xử như vậy? Người chồng thật sự vô tâm hay có điều gì khúc mắc bên trong mà bản thân mình chưa hiểu được?
Dần dà, tôi hiểu ra mọi chuyện không đơn giản như thế. Là người ngoài cuộc, khó ai có thể lý giải chính xác được nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc của gia đình Bích. Nhưng có điều: bản thân Bích là một người phụ nữ đoảng, đoảng đến khó có thể chấp nhận được.
Chồng Bích là người chăm chỉ làm ăn. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, anh còn làm thêm ở một công ty khác nên thu nhập cũng vào loại khá. Anh là người chu đáo, quan tâm đến vợ con và thân thiện với bạn bè. Những tưởng với nền tảng kinh tế như thế, cuộc sống gia đình Bích sẽ khá “ấm” nhưng hóa ra “của chồng” nhưng “công vợ”… phá. Từ lúc cậu con trai đầu lên cấp III rồi học đòi chúng bạn đi uống rượu, rồi đèo bạn gái đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu rồi bị tai nạn, chẳng biết nghe ai xúi bảy, Bích đâm tin vào tâm linh đến mức đem rất nhiều tiền bạc để tham gia các hoạt động này. Anh chồng vốn hiền lành, chất phác thì cứ lầm lũi kiếm tiền, những tưởng “kiến tha lâu đầy tổ” ai dè cô vợ đã “khoét rỗng” cái tổ ấy từ lúc nào. Chưa dừng ở đó, là người phụ nữ trong nhà nhưng Bích để từ chai dầu gội đầu, bánh xà phòng đến cái chổi, tuýp thuốc đánh răng… lắm khi đều hết, đều thiếu chứ chưa nói đến những ngày gian bếp lạnh ngắt hoặc trên mâm cơm cuối ngày chỉ có vài ba món ăn lúc sống, lúc cháy khét…
Chính Bích đã đánh mất đi hình ảnh của một người vợ, người mẹ trong gia đình mình bởi sự thiếu trách nhiệm và thói quen sống tạm bợ ấy. Chắc sẽ chẳng có anh chồng nào chấp nhận được việc hàng tháng mang về cả mấy chục triệu đồng mà bỗng một ngày phát hiện ra cậu con trai đến trường trong ngày gió lạnh lại không có nổi đôi giày hay đôi tất. Thậm chí có tháng anh ngỡ ngàng khi nhà bị cắt điện bởi một lý do: “do chị nhà chưa thanh toán”…
Vẫn biết rằng, không thể đòi hỏi một người phụ nữ hoàn hảo trong mọi phương diện của đời sống nhưng dù ở thời đại nào, ở hoàn cảnh nào người phụ nữ có gia đình cũng không thể quên sứ mệnh là người lo toan, vun vén cửa nhà. Người đàn ông có thể chấp nhận người vợ vụng về nhưng không bao giờ chấp nhận sự thiếu trách nhiệm của cô ta với chính tổ ấm của mình. Với một người như Bích, đến cả những người bạn thân nhất cũng phải lắc đầu chứ không nói đến chuyện bênh vực, thanh minh.
Ảnh minh họa
Nhưng tại sao một người vợ đoảng như Bích lại là một người bạn tốt trong các mối quan hệ xã hội, ở đây có nghịch lý, mâu thuẫn gì chăng?
Người viết ngẫm ra rằng: Bích là người thích tụ họp với bạn bè, thích trở thành nhân vật nổi bật giữa đám đông nhưng lại chẳng thật sự chú tâm vào một việc gì. Trong cuộc sống, Bích “vui đâu chầu đấy”, trong công việc, Bích hời hợt, trong cuộc sống gia đình lại khá cẩu thả. Mỗi khi được góp ý, cô chỉ ậm ừ cho qua rồi đâu lại vào đấy. Dường như chưa bao giờ Bích nhìn nhận lại bản thân mình, chưa bao giờ để ý đến những lời trách móc hay sự cảnh báo của bạn bè.
Chuyện của Bích có thể chúng ta ít gặp trong cuộc sống nhưng để lại nhiều tiếc nuối. Là người phụ nữ, dù trong hoàn cảnh nào nếu muốn giữ gìn hạnh phúc thì phải là người lo toan, vun vén, chăm chút cho tổ ấm. Có thể với cuộc sống tiện nghi, bạn sẽ không phải bỏ ra nhiều công sức nhờ robot hút bụi, máy giặt, lò vi sóng… là trợ thủ đắc lực nhưng vẫn không thể thiếu một lời nhắc, một cử chỉ với những người thân. Chỉ cần như thế họ đã thấy ấm lòng. Rất nhiều người phụ nữ thành đạt luôn bận rộn nhưng vẫn tạo ra được ngọn lửa ấm cho ngôi nhà của mình. Ngọn lửa mà chỉ người vợ, người mẹ, chủ nhân của tổ ấm mới có thể mang lại mà không một người giúp việc, một tiện ích nào có thể thay thế. Bạn đừng quên, phụ nữ chính là người giữ lửa…
LÂM VIỆT