Ly hôn chỉ là hết mối duyên đời

Chia sẻ

Khi tôi nói với mẹ rằng mình sẽ ly hôn, mẹ tôi đã rất sốc. Tất nhiên là mẹ tôi vẫn biết con gái mẹ trong cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm ấy vốn không hạnh phúc gì. Mẹ còn biết cả những lần chồng tôi động chân động tay với tôi nữa.

Mẹ dĩ nhiên là thương con gái và không đồng tình với con rể nhiều chuyện trong cuộc sống, nhưng chuyện tôi muốn ly hôn với chồng lại là một câu chuyện khác. Câu chuyện mẹ chưa từng nghĩ đến, dù xã hội bây giờ đã hiện đại và rất văn minh. Người phụ nữ không còn cam chịu và tự giam hãm mình cả cuộc đời trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Cũng không có ai kỳ thị người mẹ đơn thân nuôi con vất vả. Quan trọng là mình sống thế nào mà thôi. Nhưng quan điểm của tôi và mẹ về chuyện này trái ngược hẳn nhau.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ tôi viện lí do con cái luôn cần có một gia đình hoàn chỉnh, rằng con là đàn bà không thể gồng lên để đóng hai vai vừa là cha, vừa là mẹ với thằng nhỏ được. Rồi thì mẹ bảo đàn ông, họ có đào hoa lãng tử thì cũng chỉ là phù phiếm bên ngoài. Chuyện rượu chè nhậu nhẹt thì đàn ông ai chẳng thế, ít hay nhiều mà thôi… Lí lẽ này của mẹ đến lượt tôi ngạc nhiên. Rõ ràng bây giờ đàn ông có trách nhiệm với gia đình và yêu thương vợ con có nhiều lắm, ba tôi chính là một ví dụ đó thôi. Sao mẹ không viện dẫn những người tốt để đồng cảm và hiểu nỗi lòng con gái mình hơn?

Mẹ thuyết phục tôi rất nhiều về trách nhiệm của đàn bà, rằng đã là phụ nữ của gia đình thì con người ta phải biết hi sinh, biết nhẫn nhịn. Chẳng phải là từ xưa các cụ đã dạy một điều nhịn chín điều lành đó sao? Rằng mình là phụ nữ thì đừng so đo hơn thiệt với đàn ông. Chồng của ai chẳng có thói nọ thì cũng có tật kia, ra ngoài xã hội họ che đậy vậy chứ, về nhà thì quần đùi áo may ô như nhau cả…

Tôi nghe mẹ rồi nhìn mẹ, vừa ngạc nhiên vừa thấy thương cho suy nghĩ bảo thủ đó. Giờ là thời đại nào rồi mà mẹ muốn tôi làm vợ theo kiểu chồng gọi dạ bảo vâng, vợ phải coi chồng là ông vua trong lòng mình để cung phụng, để hầu hạ và nghe lời? Và kể cả sau chuyện anh ta đánh con gái của mẹ tổn thương phải nằm viện điều trị, mẹ cũng vẫn khuyên tôi phải nín nhịn để vá víu lại một gia đình đầy thương tổn và thực sự chỉ còn tồn tại trên hình thức? Nếu tôi chấp nhận chung sống tiếp, không may anh ta đánh tôi vào chỗ nguy hiểm thì cuộc đời tôi sẽ chấm dứt bởi một người đàn ông luôn chà đạp mình như vậy ư? Sự hi sinh như thế có phải là quá lãng phí và vô nghĩa không? Và còn con trai của tôi nữa, nó sẽ trở thành con người như thế nào trong tương lai khi lớn lên bên người cha vừa rượu chè, vừa lăng nhăng lại còn vũ phu nữa?

5 năm chung sống thực tế tôi đã nhiều lần khuyên nhủ, đã cho chồng mình nhiều cơ hội để anh ấy thay đổi. Nhưng hình như khi người đàn ông đã không trân trọng vợ, không quý trọng tổ ấm gia đình thì một hay mười lần tha thứ cũng vậy thôi. Vì thế nghĩ về chặng đường phía trước phải sống chung mà tôi ngao ngán. Tôi mới ba mươi tuổi, tôi có thể sống độc lập nuôi con, sao tôi phải để cảm xúc của mình phụ thuộc vào một người đã chẳng còn yêu thương gì mình?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi nói: “Thôi mẹ ạ! Mẹ cứ coi như chúng con đã hết duyên đi. Cuộc hôn nhân này của con nó giống chiếc áo cũ rách nhiều quá, vá víu chỗ này lại thủng chỗ kia thôi…”. Mẹ khóc. Tôi thấy mình có lỗi với mẹ quá. Ba mươi tuổi mà còn để cha mẹ mình bận lòng, hẳn là đứa con bất hiếu rồi còn gì. Nhưng ở đời, biết mình đã đi sai đường thì phải dừng lại mà chọn đường khác chứ, cố đi tiếp chỉ càng sai và có giải quyết được gì đâu. Thôi, thà đau một lần rồi thôi, còn ơn ôm mãi một nỗi đau lặp lại suốt cả cuộc đời này.

Tôi giấu ba chuyện ly hôn của mình vì ba tôi cao huyết áp. Ba biết con gái đổ vỡ hôn nhân hẳn ba sẽ đau lòng đến nhường nào. Đằng nào cũng là không vui thì để từ từ ba biết cũng không sao. Chuyện ly hôn của con gái mang ra nói như một sự thử nghiệm cơn tăng huyết áp của ba, hẳn là không đáng rồi.

Tôi chỉ nói với mẹ một lần duy nhất đó và giấu mẹ chuyện giấy tờ tôi đã lo xong, chỉ còn đợi ngày ra toà án giải quyết. Đằng nào mẹ cũng không ủng hộ. Cuộc sống của mình, mình đã chọn thì mình tự chịu trách nhiệm và tự giải quyết. Đâu ai có thể sống hộ phần đời của mình. Chồng tôi thì thái độ “để xem không có tôi, mẹ con cô sống ra sao?”. Ừ thế đi cho nhẹ lòng, chia tay mà sướt mướt ảo não quá lại liên luỵ đến chất lượng của những ngày sống tiếp theo. Chia tay - ly hôn suy cho cùng chỉ là hết một mối duyên đời. Cuộc đời người ta chỉ nói vậy thôi chứ thực tế đã có ai chết vì thiếu nhau đâu, người ta chỉ không sống nổi vì thiếu ăn thôi mà.

Khi tôi bước ra phía ngoài toà án, điều đầu tiên tôi làm là ngẩng lên nhìn bầu trời rực rỡ. Nắng buông vàng lấp lánh, trời cao xanh và rộng rãi. Cả một khoảng không phóng khoáng, dễ chịu vô cùng. Vậy là từ nay tôi đã thành người tự do rồi sao? Tôi hít một hơi thật sâu, nước mắt không hiểu vì sao tự nhiên chảy ra. Có lẽ bởi tôi vừa chợt nhớ đến ngày tôi háo hức kí vào bản đăng kí kết hôn cùng chồng cũ. Tâm thế như vậy, tình thương đong đầy, thế mà cuộc sống có được như giấc mơ thời con gái đâu? Đúng là chỉ có tình yêu thôi thì mới là điều kiện cần, chứ chưa bao giờ là điều kiện đủ để xây đắp được một tổ ấm hạnh phúc cùng nhau.

Khi tôi bước xuống đến bậc thềm cuối của toà nhà, một người đàn ông đang ngồi trên ghế đá sân toà đứng lên bước về phía tôi. “Ba!”. Tôi kinh ngạc. Đúng là ba tôi rồi. Tôi chạy tới, ba choàng tay ôm lấy tôi thật chặt. “Sao ba lại biết được hôm nay con ly hôn để đến đây?”. “Ba biết vì con là con của ba. Là ba thì chuyện gì của con ba đều biết cả. Thôi không vui thì về nhà mình thôi con”.

Tôi bước những bước chậm rãi cùng cha mình, lòng nhẹ hơn một chút. Tôi đã không cô đơn, vì tôi luôn có một người cha âm thầm theo sát trong đời.

ĐINH THÙY HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.