Mầm thiện

Chia sẻ

- Ê Bình, đừng chơi với nó. Ba nó bị bắt đi tù đấy. Làng mình, khối người nghỉ chơi với nhà nó, hà cớ gì mày vẫn chơi?

- Nhưng ba cái Hiên đi tù thì có liên quan gì. Cái Hiên tốt bụng mà! Với lại, thấy nó chơi một mình tội lắm. Mình nghỉ chơi thì lấy ai chơi với nó?

- Mày khéo lo. Không ai chơi thì nó về nhà chơi một mình. Còn mẹ và anh trai nó nữa mà. Không thì… để nó kiếm bà Tấu khùng mà chơi. Thằng Quanh miệng nói dứt khoát, tay kéo thằng Bình sền sệt khiến bạn nó ú ớ miễn cưỡng xếp đồ, thoáng chốc đã mất hút trước cổng nhà Hiên. Hiên đứng chưng hửng, đôi mắt buồn xo ngấn nước, trên tay còn cầm bao nhiêu là đồ hàng với túi đá dùng để chơi ô ăn quan. Giờ thì đứa cuối cùng trong xóm cũng “bùng” nó. Nó chẳng còn ai làm bạn. Nó nhìn quả chay chín hái trong vườn, thêm mấy bông hoa dẻ thơm lựng, anh nó vừa hái về ngoài đầu núi. Nó định bụng sẽ chia cho mỗi đứa một miếng cùng ăn, một bông hoa để ngửi. Vậy mà…. Hiên ngồi bó gối, đôi mắt nhìn chăm chăm vào đống đồ hàng đã bày biện nào hoa, nào rau, nào quả… rồi lại ngước lên vòm xà cừ xanh mát tựa chiếc ô lớn giữa buổi sớm mùa hè, nó nghĩ ngợi điều gì đó khiến gương mặt lại càng thêm buồn bã.

- Hiên! Sao con lại chơi một mình. Hôm nay các bạn không đến chơi chung với con à? chị Nhàn, mẹ Hiên từ ngoài đồng về, đầu đội nón, vai mang cuốc, trên người mặc bộ quần áo màu phèn chua, chân còn lấm bùn, thấy con gái ngồi chơ huơ một mình, liền hỏi.

- Các bạn… các bạn nghỉ chơi với con hết rồi mẹ ạ. Các bạn bảo vì… vì bố bị bắt đi tù. Hiên nhìn mẹ rồi ôm mặt khóc. Chị Nhàn dựng cuốc bên hàng rào, ngồi xuống xoa đầu con gái, nhẹ nhàng:

- Rồi các bạn sẽ lại chơi với con thôi. Con gái mẹ đừng buồn khóc nữa... Vỗ về, an ủi con nhưng lòng chị Nhàn rầu rĩ chẳng kém. Suốt năm nay ra đường, gặp người trong làng, ai cũng tìm cách tránh mặt chị. Họ thấy chị, kiểu gì cũng lảng đi đường khác hoặc là vội bước vào nhà, chưa kịp để chị chào hỏi lấy một câu. Chị nghĩ ngợi lắm nhưng chẳng biết tỏ bày cùng ai.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Chuyện cũng bắt đầu từ anh Thế, chồng chị. Cũng vì nhà nghèo, nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu và bị kẻ xấu lợi dụng, anh đã nhận lời vận chuyển hàng cấm những mong được đổi đời nhanh chóng. Ai ngờ bị công an mật phục, vây bắt tại trận. Tin chồng chị Nhàn bị bắt đi tù, đến đứa trẻ lên 5 tuổi trong làng cũng biết. Làng trên xóm dưới xì xầm bàn tán. Người lớn bảo trẻ nhỏ, dần dần họ giữ khoảng cách, ít khi qua lại chuyện trò, hỏi han mẹ con chị Nhàn nữa.

Từ ngày anh Thế đi tù, một mình chị Nhàn phải gánh vác việc gia đình. Bao công to việc nhỏ đều đến tay chị. Bận bịu là thế nhưng cách hai, ba tháng, chị lại thu xếp công việc, chuẩn bị ít đồ đi thăm chồng một lần. Nghĩ đến chồng, chị lại hờn trách nhưng không thể không thương. Âu cũng là bài học đáng giá để chồng chị hiểu, không có nghề gì lâu dài và cao quý cho bằng nghề lương thiện. Dẫu nghèo, dẫu khổ nhưng được thanh thản tâm hồn, chứ sa chân lỡ bước vào nghề bất chính, không chỉ khổ thân, khổ gia đình còn biết bao giờ hết tai tiếng.

Mỗi lần đi thăm chồng, chị đều kể cho anh nghe đủ chuyện. Từ chuyện trong nhà đến chuyện làng xóm; từ chuyện mùa màng đến chuyện con cái học hành... Thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc cũng như khổ tâm của vợ con do mình mà ra, anh Thế bùi ngùi:

- Tôi biết tôi sai rồi. Tôi hứa sẽ cải tạo tốt để nhanh được về với mình và hai con, cùng mình nuôi hai đứa cho nên người. Từ nay, dù có cho tôi vàng bạc mà không phải tự công sức lao động mình làm ra, tôi cũng không màng tới nữa.

- Mình biết vậy là mẹ con tôi ở nhà yên tâm rồi, chị Nhàn sau hồi nói chuyện của chồng lại vui vẻ chuyển sang chuyện của con. Chị bảo:

- Thằng Thắng cuối năm học lớp 11 vừa rồi được học sinh giỏi mình ạ. Cái Hiên cũng vậy. Đi họp phụ huynh cho hai anh em chúng, nghe thầy cô giáo khen mà tôi vui lắm. À… Đây này… Chị Nhàn lấy từ trong chiếc làn ra hai bức thư của Thắng và Hiên viết gửi bố.

- Chúng nó cứ dặn đi dặn lại vì sợ tôi quên, bảo tôi nhớ đưa cho mình. Mình đọc đi xem chúng viết gì. Có thời gian thì viết thư về. Anh em chúng nhớ mình lắm đấy!

- Ừ. Tôi biết rồi. Rồi tôi sẽ viết thư về. Anh Thế cầm thư của hai con, lòng vừa vui vừa nặng trĩu.

- Bà Tấu, sao bà lại ngồi một mình ở đây? Bà vào nhà đi kẻo trời sắp mưa rồi.

- Đi vắng hết rồi. Không ai ở nhà. Khát… đói… Bà Tấu khùng nhìn Hiên, trả lời gãy gọn, khuôn mặt nhăn nhúm cộng thêm bộ quần áo rách rưới, bẩn thỉu mặc trên người thoảng mùi hôi hôi nồng nồng khai khai. Thấy bà ngồi bệt trên nền đất, tay ngắt từng bông hoa dâm bụt đưa lên miệng hút hút rồi lại tự cười một mình, Hiên biết bà đang đói khát nên chạy ù về nhà cầm ra củ khoai luộc với ca nước đun sôi để nguội. Con bé mỉm cười:

- Bà ăn tạm củ khoai này và uống nước đi cho đỡ đói. Bà Tấu ban đầu ngại không dám cầm, vì bà nghĩ Hiên cũng giống như mấy đứa trẻ khác trong làng, toàn lấy mình ra để trêu chọc. Phải đợi Hiên đặt củ khoai vào tận tay, bà mới giật nhanh về phía mình rồi đưa lên miệng cắn, nhai ngấu nghiến. Loáng cái, hết củ khoai, bà nâng ca nước lên uống ực một hơi rồi thở phào. Bà đưa cái ca nhựa cho Hiên, miệng cười thay cho lời cảm ơn. Trên trời, mây đen ùn ùn kéo đến, lác đác mấy hạt mưa to như hạt đậu. Hiên lo cho bà Tấu. Người nhà đều đi làm hết cả. Bà chắc sẽ bị ướt, bị lạnh, bị cảm. Phải năn nỉ mãi bà Tấu mới lựng khựng nhổm dậy theo Hiên vào nhà tránh mưa. Hai bà cháu ngồi dưới mái hiên ngắm cơn mưa rào giữa mùa hạ, trong khi mẹ và anh trai Hiên đi làm đồng vẫn chưa về. Hiên nhìn sang bà Tấu, thấy mắt bà ngân ngấn nước, khuôn mặt lem nhem, nhàu nhĩ, đáng thương lắm. Hiên sợ bà nghĩ ngợi nhiều nên chạy vào nhà lấy ra túi đá sỏi cùng viên phấn. Con bé ngồi đối diện với bà Tấu, vẽ ô ăn quan, rải viên sỏi đều các ô rồi nhìn bà, cười:

- Bà có biết chơi ô ăn quan không? Bà Tấu nhìn Hiên một hồi, nụ cười giản dị, khẽ gật đầu.

- Bà chơi với cháu nhé! Bà Tấu và Hiên cùng chơi, hết ván này sang ván khác. Lúc thì bà Tấu thắng. Lúc thì Hiên thắng. Nhưng Hiên vui cực kỳ. Hiên cũng nhận ra điều đó trong mắt bà. Với lại, điều Hiên ngạc nhiên hơn nữa ấy là, bọn thằng Bình, thằng Quanh và nhiều đứa khác nữa, ai cũng bảo bà Tấu khùng, nhưng Hiên không thấy thế!

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Hiên nghe mẹ kể, bà Tấu tội nghiệp lắm. Mấy đứa con của bà nghèo khổ nên sáng sớm đến tối mịt đi làm thuê làm mướn, khóa cửa nhốt bà ở trong nhà. Lâu dần bà đâm ra ít nói rồi thì trầm cảm, thỉnh thoảng tự nói, tự cười một mình. Ít được con cháu quan tâm, ít được chuyện trò, nên dù mới ngoài 60 tuổi, bà đã lẩn thẩn. Có hôm mới sớm bửng, con cái còn chưa đi làm, bà đã đi ra khỏi nhà, khi bà về thì cửa khóa trái. Không vào nhà được. Thế là bà phải ngồi ngoài đầu ngõ, nhịn đói, nhịn khát, đợi tối mò con về, bà mới được vào, mới được ăn. Người làng thấy bà bẩn thỉu, hôi hám nên ngại gần. Nhưng mẹ con chị Nhàn thì không thế. Thi thoảng có quà bánh gì, chị đều sai cái Hiên đem sang cho bà. Hiên không những không sợ mà còn thương bà hơn là vì thế.

- Cháu gái, cho cô hỏi có phải nhà cô Nhàn có cậu con trai là Thắng đây không?

- Dạ đúng rồi cô ạ. Cháu là em gái của anh Thắng. Cô tìm nhà cháu có chuyện gì không ạ? Mẹ cháu đang ở ngoài vườn. Để cháu gọi mẹ…

- Chị nói sao…? Thằng Thắng nhà tôi, nó nhặt được số tiền lớn trên đường ạ?

- Đúng rồi chị ạ. Và tôi chính là chủ nhân của số tiền bị mất đó. Chả là… Người phụ nữ trạc gần 50, ăn vận sang trọng, gương mặt bầu bĩnh, nước da trắng trẻo, niềm nở kể về chuyện mất tiền và việc Thắng nhặt được, đem trả lại. Biết hoàn cảnh gia đình Thắng qua lời kể của chính quyền xã, cũng là muốn trả ơn cho việc làm tử tế của Thắng, người phụ nữ chuẩn bị chút quà để trong cái phong bì nhỏ và nài nỉ chị Nhàn nhận. Nhưng một, hai chị Nhàn từ chối:

- Mong chị hiểu cho. Xưa nay, nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất là chuyện bình thường. Với lại, chúng tôi làm ơn đâu phải mong được người khác trả ơn đâu ạ… Người phụ nữ nghe chị Nhàn nói, đâm ra cũng ngại. Sau hồi chuyện trò với chị Nhàn, người ấy cũng chỉ biết nói lời cảm ơn lần nữa rồi chào ra về.

Nhưng rồi chiều hôm ấy, có người chở đến tận nhà chị Nhàn chiếc xe đạp mới kèm theo mấy dòng chữ gửi cho chị: “Tôi muốn trả ơn con trai chị nhiều hơn thế. Nhưng… thôi thì chị cứ coi đây là sự biết ơn của tôi. Chiếc xe đạp này sẽ tiếp sức cho cháu Thắng đến trường trong năm học mới. Cảm ơn chị và cháu Thắng rất nhiều!”.

Bà Tấu ngồi dưới bóng cây xà cừ đầu ngõ nhà Hiên, hai tay gom những bông hoa xà cừ màu vàng chanh để trong chiếc túi vải cho con bé. Còn Hiên thì tỉ mẩn nhặt từng bông hoa xâu thành những chiếc vòng tay xinh xắn. Hiên đeo vào tay bà Tấu một chiếc, khiến bà vừa đưa tay lên ngắm vừa cười. Hiếm khi Hiên thấy khuôn mặt bà Tấu giãn nở, thanh thoát, vui vẻ như thế.

Chiều muộn, Hiên đang quét dọn sân vườn giúp mẹ thì thằng Bình và thằng Quanh xớn xác chạy vào.

- Hiên ơi! Sáng mai, cho bọn tao chơi dưới gốc cây xà cừ với nhé! Tụi tao… Bình ngập ngừng, còn Quanh thì gãi đầu.

- Được chứ. Có cả bà Tấu nữa. Chắc sẽ rất vui cho mà xem. Mình sẽ chuẩn bị nhiều viên sỏi, chúng ta cùng chơi ô ăn quan. Ba đứa háo hức nhìn nhau gật đầu, cười toe toét.

Sau bữa cơm chiều, Thắng và Hiên đem thư bố ra đọc. Trong thư, bố báo tin vui: “Trong thời gian cải tạo, bố đã thực hiện tốt công việc nên sẽ được ân xá về sớm trong thời gian tới”. Mẹ con Hiên vui mừng khôn xiết. Đêm trăng hè, hương hoa xà cừ thoảng thơm theo gió. Hiên năn nỉ mẹ kể lại câu chuyện “Hạt giống nhỏ”, rồi cả hai anh em lại say sưa bàn luận trên tấm chiếu cói trải dưới hiên nhà. Chúng không biết mẹ đang ngắm nhìn chúng yêu thương, tự hào biết nhường nào.

Truyện ngắn của LÊ THỊ XUYÊN (Bình Định)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.